Khi được ra mắt trên sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, vở cải lương Ọoc...rơ vừa diễn tại rạp Hưng Đạo (TPHCM) đã khiến không ít khán giả bất ngờ bởi sự “lạ hóa” trong cách thể hiện của đạo diễn Hoàng Duẩn. Có thể xem Ọoc... rơ là một thể nghiệm làm mới cải lương trong hành trình tìm khán giả. Thế nhưng những gì mà vở diễn mang lại khiến những giá trị truyền thống của nghệ thuật cải lương bị phá vỡ, gây ra tranh cãi.
Biến đổi hình thức truyền thống
Ọoc... rơ khai thác vấn đề mang tính thời sự nóng hổi: Những nông dân trúng đất lên đời rồi phủ nhận quá khứ nghèo khó của mình, sống phung phí xa hoa để chứng tỏ “bản lĩnh đại gia”, dẫn đến một kết thúc nhãn tiền theo đúng quy luật nhân quả. Nhưng đạo diễn đã mang đến cho khán giả một cảm nhận khác khi pha vào vở nhiều yếu tố hài hước, đồng thời hạn chế các lớp ca cổ mà thay vào đó là những phân đoạn đối thoại hài của kịch nói. Để lôi kéo khán giả trẻ, đạo diễn Hoàng Duẩn còn đưa cả nhảy hiện đại, hip hop vào trong vở diễn. Nhiều lời ca mang tính đối đáp cũng nhằm mục đích tạo tiếng cười.
Một cái mới được xây dựng, thể nghiệm thành công trong lần đầu tiên có thể tạo thành một đường mòn. Tuy nhiên, mỗi một sự tìm tòi, sáng tạo trong cái mới đều cần phải được nhìn nhận một cách chân xác, thấu đáo. Cái thiếu của sân khấu hiện nay, nói theo tác giả Huỳnh Minh Nhị, chính là lý luận phê bình, thiếu những phân tích mang tính dẫn dắt để định hình đường đi cho những thể nghiệm mới của sân khấu cải lương. |
Trong chuyến du Nam vừa rồi, Nhà hát Chèo Hà Nội cũng đã cho khán giả phương Nam thưởng thức vở chèo Oan khuất một thời (đạo diễn Doãn Hoàng Giang) được dựng theo lối hiện đại. Có ý kiến cho rằng Oan khuất một thời là một vở kịch nói có hát chèo, bởi hình thức chèo cổ truyền thống đã được xử lý, biến đổi rất nhiều, không còn những lớp xưng danh phụ họa kéo dài của các nhân vật và thời lượng của vở cũng được rút ngắn. NSƯT Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, nói: “Chèo cổ có một cấu trúc tổng thể đặc trưng, nhưng để đưa chèo lên sân khấu hiện nay cần phải có sự chắt lọc, tinh lược các lớp diễn. Sự cải biến cũng chỉ là một cách nâng tiết tấu cho vở, bỏ đi các lớp xưng danh, phụ họa kéo dài chứ cũng không làm mất đi nét truyền thống vốn có của loại hình nghệ thuật chèo. Sự thay đổi cũng là để hòa hợp với khán giả”. Đạo diễn Hoàng Duẩn cũng lý giải bản thân từ “cải lương” là sửa đổi, làm cho tiến bộ hơn. Làm mới cải lương cũng là một cách tạo sức hút mới cho loại hình nghệ thuật này.
Có thể thấy sân khấu dân tộc đang vẫy vùng tìm đất sống, nhằm khẳng định lại giá trị trong lòng công chúng bằng những bước thay đổi thể nghiệm nhưng đã gặp phải những ý kiến không đồng tình, thậm chí chỉ trích.
“Làm mới” hay “làm khác”?
Phiêu lưu và sai lệch Theo đạo diễn Trần Ngọc Giàu: “Đổi mới nhưng phải làm sao để khán giả đến xem chèo thật sự phải là được thưởng thức chèo, cải lương phải cho ra cải lương chứ không phải là xem cải lương trên một hình thức khác. Bản chất cải lương là mang tính trữ tình. Một bài ca có đủ chất hùng, thương, cảm, hài hước nhưng nổi bật trên đó vẫn là cái bi, cái cảm xúc trữ tình. Từ xưa đến nay, cái hài trên sân khấu cải lương vô cùng hiếm hoi. Tôi nghi ngờ khái niệm “làm mới”. Bởi nếu nói rằng muốn làm mới cải lương thì phải là những người am hiểu tường tận loại hình nghệ thuật này. Nếu không, đó chỉ là một sự “làm khác” phiêu lưu và sai lệch với những giá trị truyền thống”. |
Các tác giả kịch bản ngày trước cũng thường xây dựng cho mỗi vở diễn một vài dạng nhân vật hài để làm dịu không khí nặng nề từ cái bi. Dạng nhân vật này đã một thời làm nên tên tuổi các danh hài: Bảo Quốc, Bảo Chung, Hồng Tơ... Nhưng nói theo đạo diễn – NSƯT Trần Ngọc Giàu thì cái hài chỉ có thể là yếu tố điểm xuyết, thể hiện qua một nhân vật thật đặc biệt nào đó trong vở diễn. Bởi dựng một vở cải lương hài không phải là điều dễ dàng. Nghêu sò ốc hến có thể được xem là một vở cải lương hài thành công khá hiếm hoi.
Tác giả Huỳnh Minh Nhị bày tỏ quan điểm: “Cải lương vẫn cần có sự cải biến, làm mới cho phù hợp với thời đại nhưng cũng không thể làm mất giá trị truyền thống. Cách ca, cách diễn của cải lương đều đã có trong những quy tắc cụ thể. Cái mới nào cũng cần phải có sự thể nghiệm. Nếu có thay đổi thì phải thật sự cẩn trọng, khoa học và đặc biệt là phải tôn trọng khán giả”.
Làm mới để thu hút khán giả nhưng vấn đề quan trọng là phải chinh phục được công chúng bằng sức hút tự thân của vở diễn, chứ không phải bằng khái niệm từ “làm mới” mà nội dung vở thì nhạt và “biến chất”, không những không đủ sức chinh phục công chúng mà còn làm nhạt nhòa bản sắc của loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống.
Theo Tiểu Quyên / Người Lao Động
Bình luận (0)