Đưa 'Khát vọng trẻ' bay xa

09/09/2013 03:00 GMT+7

Trở thành thân thuộc với khán giả, đặc biệt các bạn trẻ sau 5 lần tổ chức tại Hà Nội (2 kỳ), Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ; nay Khát vọng trẻ sẽ lần đầu tiên hướng đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài: kiều bào Ukraine.

 
Cẩm Ly trong Khát vọng trẻ 3 tại TP.HCM - Ảnh: Khả Hòa

Với chủ đề Quê hương, Tình yêu và Khát vọng, chương trình Khát vọng trẻ 6 do Báo Thanh Niên, Hội Người Việt Nam (VN) ở Ukraine, Hội Người VN ở tỉnh Kharkov tổ chức, nhân dịp Diễn đàn doanh nghiệp của các doanh nhân người Việt tại châu u diễn ra tại Kharkov. Sau đêm biểu diễn giao lưu giữa nghệ sĩ Việt với các doanh nhân VN toàn châu u tại Trung tâm thương mại Sun City, Kharkov (13.9), nhằm vận động đóng góp cho Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình và chương trình Nhà bán trú cho em của Báo Thanh Niên, đêm diễn chính - đêm của Quê hương, Tình yêu và Khát vọng sẽ diễn ra tại Nhà hát Kharkiv, Kharkov, Ukraine vào ngày 14.9.

Thanh Niên có cuộc trao đổi với đạo diễn Thái Huân, người thực hiện thành công Khát vọng trẻ 5 tại Hà Nội vào cuối năm 2012.

Thực hiện chương trình cho cộng đồng người Việt ở Ukraine, anh có tìm hiểu nhu cầu thưởng thức của người xem nơi đây để xây dựng kết cấu thật sự phù hợp và cuốn hút?

Đa số các chương trình phục vụ bà con kiều bào ở nước ngoài thường có thời lượng dài hơn so với buổi diễn trong nước, vì lý do chung là họ không có nhiều cơ hội được xem nghệ sĩ Việt biểu diễn trực tiếp tại địa phương. Tôi nghĩ, với Khát vọng trẻ ở Ukraine cũng thế. Từng đạo diễn chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tại Kharkov năm 2010, dù buổi diễn kéo dài đến hơn 5 tiếng (chưa kể giải lao), nhưng tôi thấy khán giả vẫn thưởng thức và cổ vũ nhiệt tình đến phút chót. Kinh nghiệm của chương trình trước có lẽ giúp tôi thực hiện tốt hơn, đáp ứng trọn vẹn hơn nhu cầu xem - nghe của khán giả trong Khát vọng trẻ 6.

Anh có thể phác họa đôi nét về tổng thể chương trình?

Theo chủ đề, nội dung Khát vọng trẻ 6 gồm 3 phần, diễn ra trong 4 tiếng. Và quê hương là yếu tố được đặt lên hàng đầu khi xây dựng kịch bản, bởi tất cả những gì thuộc về nguồn cội, về nơi nuôi dưỡng tuổi thơ... sẽ dễ dàng gây xúc cảm vì vốn dĩ nó luôn luôn mang tính gợi nhớ. Ở phần này, tôi mong muốn qua từng tiết mục, khán giả sẽ cảm nhận được cái đẹp, cái tinh túy của quê hương mình, để thấy vì sao mình yêu, mình nhớ và mình sẵn sàng cống hiến. Tiếp đến sẽ là những sắc màu của tình yêu - điều bất diệt, luôn hiện hữu nơi mỗi con người, tất nhiên ở đây không chỉ có tình yêu đôi lứa; mà còn là những đam mê và niềm tin của khát vọng - tinh thần mà các chương trình Khát vọng trẻ mong muốn khơi gợi nơi khán giả trẻ.

Ngoài ra, còn sự khác biệt nào ở Khát vọng trẻ khi đưa chương trình ra nước ngoài không, thưa anh?

Các chương trình trước đây chủ yếu là hình thức ca múa nhạc, lần này tôi “điểm xuyết” thêm thời trang và kịch, không ngoài mong muốn mang đến sự phong phú về cảm xúc thưởng thức. Dẫu đa dạng loại hình nhưng tất cả đều được xây dựng trên tinh thần bám chặt chủ đề, và các nhà thiết kế (Liên Hương, Thuận Việt), tác giả tiểu phẩm kịch (Cát Phượng) đều trao đổi cùng ê kíp thực hiện rất kỹ để sáng tạo các bộ sưu tập, xây dựng nên tác phẩm dành riêng cho chương trình.

Ít nhiều hiểu được tâm lý thưởng thức của  kiều bào nơi đây nên hẳn anh có ý đồ khi chọn 2/3 ca sĩ tham gia là những gương mặt trẻ?

Tôi nghĩ các giọng ca trẻ này không chỉ đáp ứng yêu cầu cho tính chất chương trình, cho nhu cầu xem - nghe của khán giả, mà tôi chọn các bạn còn vì sự dám thể nghiệm, điều này hứa hẹn sẽ mang đến tinh thần mới không chỉ cho chương trình. Cũng có các ca khúc đã được định hình với những giọng ca hoặc phong cách biểu diễn cụ thể, nhưng khi tôi muốn nó được cảm thụ bằng chất mới thì các bạn trẻ này đều cảm nhận được và thể hiện rất tốt. Tất nhiên điều ấy còn nhờ sự hỗ trợ của nhạc sĩ hòa âm Anh Khoa, Việt Anh và biên đạo Hữu Trị.

Cũng xin mở rộng thêm một chút, dù mới mẻ hay quen mà lạ, thì các tiết mục biên tập theo ý đồ kịch bản và luôn được trao đổi với ca sĩ để có những lựa chọn phù hợp, hiệu quả nhất, từ đơn ca đến tam, tứ ca. Trong chương trình, ngoài những kết hợp đã định hình như Cẩm Ly - Đan Trường, Thanh Thảo - Quang Dũng..., còn có sự phối hợp đặc biệt và lần đầu tiên. Ví dụ nhóm Gióng vừa được thành lập cho Khát vọng trẻ 6 với Hà Anh Tuấn - Uyên Linh - Tạ Quang Thắng - Tiêu Châu Như Quỳnh, ý tưởng hình thành sau khi đến thăm tượng thờ Thánh Gióng ở Làng Thời Đại tại Ukraine. Những ca khúc nhóm thể hiện sẽ chuyển tải thông điệp về niềm tin, ước mơ, khát vọng.

Nghệ sĩ tham gia Khát vọng trẻ 6

Ca sĩ: Cẩm Ly, Thanh Thảo, Hoài Phương, Phương Vy, Uyên Linh, Tiêu Châu Như Quỳnh, Trà My, Hà Hoài Thu, Kimmese, Nguyên Nhung, Phạm Thùy Dung, Đan Trường, Quang Dũng, Trọng Tấn, Kasim Hoàng Vũ, Đức Tuấn, Hà Anh Tuấn, Hàn Thái Tú, Lương Viết Quang, Tạ Quang Thắng, Nhóm MTV, Wang DJ.

 
Uyên Linh - Ảnh: Độc Lập

Nghệ sĩ: NSƯT Hữu Châu, Cát Phượng, Hồng Ánh, Quý Bình.

Người mẫu: Hoa hậu Thế giới người Việt Diễm Hương, Á hậu - Hoa hậu Các dân tộc VN Trương Thị May, siêu mẫu Thu Hằng, Hoa hậu Phụ nữ VN qua ảnh Dương Mỹ Linh, Á hậu Hoa hậu VN Hoàng Anh, Á hậu Hoa hậu Phụ nữ VN qua ảnh Hoàng Oanh.

MC: Thanh Bạch - Quỳnh Hương.

Vũ đoàn Hoàng Thông, ban nhạc Khát vọng cùng nghệ sĩ Hải Phượng, Hoa Xuân. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của đội ngũ diễn viên ở Ukraine: dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Kharkov, vũ đoàn Học viện Văn hóa Kharkov, các người mẫu Kharkov, các giọng ca sinh viên: Lam Sơn, Kim Oanh, Thu Trang cùng  nhóm thiếu nhi và thanh thiếu niên Làng Thời Đại - Kharkov.

Nguyên Vân

>> Khát vọng trẻ mừng thành công Đại hội Đoàn toàn quốc lần 10
>> Tưng bừng văn nghệ “Khát vọng trẻ”
>> Khát vọng trẻ 5: Chờ giây phút thăng hoa
>> Văn Mai Hương: Mong giây phút được hát ở "Khát vọng trẻ
>> Khát vọng trẻ" hào hứng trước giờ khai diễn
>> Khát vọng trẻ 5: Bay bổng và đầy lạc quan
>> Khát vọng trẻ: Mới và lạ
>> Khát vọng trẻ 4 “dậy sóng”
>> Khát vọng trẻ" đồng hành cùng thanh niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.