Đưa nước Nga thoát khỏi “cơn say”

04/01/2010 23:57 GMT+7

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev quyết tâm tiến vào một mặt trận mà nhiều người tiền nhiệm của ông đã thất bại - dẹp bỏ nạn nghiện rượu.

Những quy định mới về giá rượu ở Nga đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2010. Kể từ năm nay, giá tối thiểu cho một chai vodka nửa lít là 89 rúp (khoảng 54 ngàn đồng), theo BBC. Giá bán này vẫn còn khá rẻ nhưng đó là bước đầu tiên trong một chiến dịch lâu dài của ông Medvedev nhằm ngăn chặn nạn nghiện rượu vốn đã trở thành căn bệnh thâm căn cố đế của người Nga.

Một thống kê gần đây của Bộ Y tế Nga cho thấy số lượng các ca tử vong vì rượu tăng cao nhất trong tuần đầu tiên của tháng 1. Thông thường, các “đệ tử Lưu Linh” giảm uống rượu vào tháng 2 nhưng lại bắt đầu tiêu thụ mạnh trở lại vào các dịp lễ lớn như Lễ Phục sinh và Ngày Chiến thắng phát xít 9.5.

“Nỗi hổ thẹn của đất nước”

Người Nga luôn xem uống vodka là một nét văn hóa truyền thống và vấn đề nghiện rượu không phải chỉ mới xuất hiện gần đây. Tuy nhiên, số lượng rượu tiêu thụ tại nước này ngày một gia tăng ở mức đáng báo động với nhiều nguyên nhân như sự chán nản sau khi Liên Xô sụp đổ, đời sống khó khăn, đặc biệt tại các vùng hẻo lánh ở Viễn Đông và nhất là hậu quả của suy thoái kinh tế khiến nhiều người mất việc làm và chỉ biết “nâng chén tiêu sầu”. Thống kê của chính phủ cho thấy, tính theo đầu người, mỗi người dân tiêu thụ gần 18 lít rượu hằng năm, cao gấp 2 lần so với mức Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là nguy hiểm cho sức khỏe con người. Hiện Nga có tới 3 triệu người nghiện rượu nặng.

Ngay từ hồi tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Medvedev đã bắt đầu tuyên truyền cho chiến dịch giải quyết tệ nạn này. Ông gọi nghiện rượu là “nỗi hổ thẹn của đất nước” và đe dọa an ninh cũng như sự phát triển của quốc gia. Ông cũng tuyên bố quyết tâm giảm 1/4 lượng rượu tiêu thụ trên đầu người vào năm 2012.

Dân số Nga hiện khoảng 142 triệu người và mỗi năm khoảng 500.000 người tử vong vì rượu. Theo báo cáo của chuyên san y tế The Lancet, các bệnh liên quan tới rượu gây ra hơn 50% các ca tử vong tại Nga ở độ tuổi 15 - 54 trong thập niên 1990. Ngoài ra, các vụ giết người, tự tử và tai nạn do say xỉn cũng giết chết 43% nam trong độ tuổi lao động.

Tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga hiện là 61,83 tuổi, thấp hơn cả những nước nghèo như Bangladesh và Honduras, theo AFP. Tổng thống Medvedev hiểu rằng nếu giảm được tệ nghiện rượu, ông sẽ có thể cải thiện sức khỏe, tuổi thọ, năng suất lao động của người dân và từ đó nâng cao GDP của Nga.

Hiểm họa từ rượu lậu

Tuy nhiên, muốn triệt tiêu nạn nghiện rượu, Moscow phải đối phó mối nguy rượu lậu, vốn bắt đầu xuất hiện từ giữa thập niên 1980. Khi đó, nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã có những biện pháp rất mạnh tay để chống nghiện rượu như cắt giảm sản xuất vodka và cấm bán thức uống có cồn trước 2 giờ chiều. Tuy nhiên, từ đó lại nảy sinh các xưởng cất rượu lậu mọc lên như nấm, đặc biệt tại vùng Siberia. BBC dẫn lời một số chuyên gia cho hay vodka lậu chiếm tới 50% lượng tiêu thụ của người dân. Vodka trái phép được sản xuất từ những nguyên liệu cồn hóa học dùng để sản xuất nước hoa hạng thấp, dược phẩm, thậm chí cả nước chùi rửa và được bán với giá rẻ mạt. Mỗi năm ở Nga có khoảng 35.000 người thiệt mạng vì ngộ độc rượu kém chất lượng.

Sergei, một người đàn ông trung niên nằm thoi thóp trong một bệnh viện tại thành phố tây bắc Pskov, trong hơi thở nặng nhọc và đứt quãng, ông nói với BBC khi cơn nghiện nổi lên, ông và các bạn nhậu luôn mua rượu mạnh giá rẻ mà không hề nghĩ tới mình đang uống thuốc độc: “Bọn tôi chỉ biết rằng loại rượu này như thiêu cháy môi và cổ họng của mình”. Khoa thận tại các bệnh viện vùng Siberia và Viễn Đông luôn đầy ắp bệnh nhân ngộ độc rượu. Đôi khi họ nằm tràn ra cả hành lang. “Người ta đồn rằng khi giải phẫu xác của những người chết vì rượu lậu, các bác sĩ thấy gan của họ nát thành từng mảnh”, Sergei nói. Cho tới nay, các biện pháp chống vodka trái phép hầu như chưa đạt hiệu quả, BBC dẫn lời thanh tra cảnh sát chuyên phụ trách bắt rượu lậu của thành phố Pskov - Yevgeny Kuleshov. Vodka lậu khiến loại rượu này sụt giá, làm nỗ lực tăng thuế đánh vào rượu vodka sản xuất hợp pháp lại càng khó khăn hơn.

Trận chiến cam go

Tổng thống Medvedev đã có một bước đi dũng cảm khi tấn công vào ngành công nghiệp rượu bia. Hơn 20 năm trước, ông Gorbachev đã thành công trong việc kiểm soát thói quen uống rượu của người dân nhưng thu nhập quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề và làm nền kinh tế gần như kiệt quệ. Sự ủng hộ của dân chúng đối với ông cũng sụt giảm rõ rệt và góp phần lớn dẫn đến những thất bại về sau.

Hiện ông Medvedev đang kêu gọi thông qua các dự luật quản lý chặt  chẽ hoạt động bán bia, vodka cùng nhiều đồ uống có cồn khác. Ông đề nghị phạt nặng các cửa hàng bán rượu cho người dưới 18 tuổi; giới hạn lượng đồ uống có cồn là 330 ml mỗi đơn vị; trên hộp đựng bia, rượu phải có khuyến cáo về sức khỏe và chúng phải chiếm diện tích ít nhất 20% mặt hộp. Giới quan sát đánh giá chiến dịch này sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các nhân vật quyền lực của ngành rượu bia. Hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng các biện pháp trên chỉ có thể giải quyết bề nổi mà thôi. Nhà phân tích Dmitry Oreskhin nói với BBC rằng việc tăng giá rượu chỉ là một “chiêu thức” chính trị hơn là thực sự cố gắng triệt tiêu tệ nạn. Chỉ có một quá trình lâu dài thay đổi nhận thức văn hóa và thái độ của người dân với rượu cũng như cải thiện được đời sống của họ thì mới có thể thật sự khiến nước Nga “tỉnh táo” hơn.

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.