Nhà thiết kế Lý Quý Khánh vừa từ Mỹ trở về và đang bắt tay chuẩn bị cho bộ sưu tập tham dự Tuần lễ thời trang Paris 2017 - sẽ diễn ra tháng 4.2017 tại Paris, Pháp. Lý Quý Khánh cho biết: “Tôi sẽ mang khoảng 40 mẫu mới nhất của mình cùng 10 người mẫu VN đến Pháp để giới thiệu với bạn bè thế giới. Bản thân tôi dù chuyên về thời trang hiện đại, chuyên dạ hội nhưng lần này ra thế giới, tôi thiết kế dạ hội theo phom dáng áo dài. Tôi muốn bạn bè biết đến nhiều hơn về thời trang VN khi kết hợp giữa truyền thống và hiện đại”.
Nhắc đến những nét mới của thời trang VN được thế giới công nhận, trong số báo Collezioni Haute Couture (tạp chí thời trang cao cấp xuất bản 4 kỳ mỗi năm của Ý tháng 9 vừa qua), bộ sưu tập của nhà thiết kế Phương My được đặt cạnh các thương hiệu đình đám thế giới như: Christian Dior, Chanel, Giambattista Valli, Versace, Valentino... Phương My cũng là thương hiệu nước ngoài duy nhất có mặt tại Tuần lễ thời trang Hàn Quốc (Korea Style Week) trong hơn 1 năm qua.
Sau 4 năm có mặt tại các tuần lễ thời trang ở Mỹ, nhiều thiết kế của Quỳnh Paris hiện được một số diễn viên, người mẫu chọn mặc để tham gia các sự kiện, trong đó có Blanca Blanco, Andrea Anderson, Jon Mack… “Tôi đang chuẩn bị khoảng 60 mẫu cho 2 tuần lễ thời trang tại Mỹ vào tháng 2 năm sau. Vấn đề của chúng ta bây giờ là sẽ giới thiệu mình đến bạn bè thế giới như thế nào”, Quỳnh Paris nói.
|
|
Chất liệu truyền thống việt được ngợi ca
Ông Matthew Road, Giám đốc sản xuất thời trang đến từ Úc, khi nhắc đến chất liệu thời trang VN đã khẳng định: “Tôi từng đến một chợ vải lớn ở TP.HCM và vẫn nghĩ vải ở VN sẽ khó xài. Nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên khi khám phá nhiều chất liệu vải tại đây quá đẹp. Tôi khẳng định nó rất tốt. Với người thiết kế, chất liệu vô cùng quan trọng để giúp thương hiệu tồn tại, phát triển. Không biết tôi nói có quá không khi đến các tiệm vải ở Hồng Kông, Thượng Hải (Trung Quốc), nhìn vải của họ không đa dạng bằng vải ở VN”.
Nhà thiết kế Võ Việt Chung trong chuyến biểu diễn tại Mỹ vào trung tuần tháng 8 vừa qua đã nhận được 2 giải thưởng thời trang do Mỹ trao tặng không chỉ nhờ những mẫu thiết kế sáng tạo mà còn nhờ chất liệu. Lãnh Mỹ A, lụa Hà Đông, mặc nưa, thổ cẩm… là những gì mà Võ Việt Chung đã mang đến thế giới qua nhiều show thời trang.
PGS-TS Lưu Anh Hùng, Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nói: “Sử dụng hoa văn thổ cẩm trên các sản phẩm thời trang cũng là một cách để văn hóa Việt đi vào đời sống thời trang thế giới. Tuy nhiên, nếu chỉ đi vào một cách lặng lẽ thì mình cũng không được nhắc tên. Phải có sự diễn giải thì cái tên VN mới được biết đến rõ ràng”. Đồng quan điểm, PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, đưa ý kiến: “Các nhà thiết kế trong nước cũng nên chú ý cách sử dụng các hoa văn họa tiết truyền thống sao cho hiện đại và đẹp, đáp ứng thị trường”.
Nhà thiết kế Quỳnh Paris khẳng định: “Lụa và Lãnh Mỹ A của VN là những chất liệu mà thế giới rất quan tâm, hiện đã được họ lựa chọn để đưa vào các sản phẩm hằng ngày”. Ngoài chất liệu, những kiểu dáng xưa mang tính truyền thống cũng được yêu thích. Ví như tại Shanghai Fashion Week 2016 (Thượng Hải, Trung Quốc), khán giả đã rất thích thú khi thưởng thức bộ sưu tập của Kelly Bùi mang tên Tonkin, lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống người Kinh Bắc. Hàng chục người mẫu ngoại quốc trình diễn những mẫu thiết kế cổ xưa của VN đã tạo nên một sự thú vị, lạ lẫm.
Có nhiều điều để nhắc đến thời trang VN và những bước tiến trong thời gian tới. Nhưng nói như nhà thiết kế Võ Việt Chung: “Chúng ta phải đẩy mạnh thời trang VN bằng việc giao lưu, giới thiệu nhiều hơn nữa để bạn bè thế giới biết đến. Thật ra, không ai tự đi tìm hiểu về thời trang của nước khác nên chúng ta cần quảng bá thương hiệu, đưa nhiều hơn nữa những gì thời trang VN đang có bằng các phương tiện truyền thông, bằng những cuộc… “đổ bộ” ra thế giới. Có như thế chúng ta mới được công nhận ở một đẳng cấp khác”.
“Họa tiết Đông Sơn đã xuất hiện trên nhiều đồ vật hàng hiệu. Chẳng hạn, chiếc đồng hồ Speake-Marin có dòng sản phẩm đặc biệt chỉ sản xuất 18 chiếc trên toàn thế giới, trên mặt có hình chim Lạc. Con số 18 cũng gắn với 18 đời vua Hùng theo truyền thuyết. Hộp nhạc Reuge Đông Sơn cũng sử dụng hoa văn trống đồng, và nền nhạc bài Tiến quân ca. Đây là cách các hãng đồ hiệu cao cấp hay làm: kết hợp văn hóa và nghệ thuật để tạo thành những câu chuyện sản phẩm thu hút. Các sản phẩm thường có số lượng giới hạn và cũng là con số may mắn. Chẳng hạn số lượng hộp nhạc là 88, và giống với 18, cả hai đều gắn với số 8 là con số may mắn theo quan niệm người châu Á. Hay số lượng điện thoại Mobiado có hình trống đồng là 100, gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ. Họ nghiên cứu rất kỹ văn hóa của một nước trước khi thực hiện sản phẩm. Vì thế, các câu chuyện sản phẩm của họ thường rất sâu chứ không hề qua quýt”.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Trường Elite PR School, Hà Nội
|
Bình luận (0)