Buổi làm việc xuyên suốt từ 7 giờ 30 đến gần 13 giờ, với nhiều nút thắt chính sách được tháo gỡ để đưa VN trở thành cường quốc công nghệ thông tin. Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, các doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông…
Xây dựng mạng xã hội “Made in VN”
|
Về viễn thông, gần 1 triệu km cáp quang đã được triển khai đến tận thôn, bản, xã, phường của 63/63 tỉnh/TP trên cả nước. VN trở thành một trong những nước có tỷ lệ cáp quang hóa cao nhất thế giới; sóng di động đã phủ tới 99,5% dân số (trong đó vùng phủ 3G, 4G phục vụ 98% dân số); hình thành xa lộ thông tin kết nối với toàn thế giới (băng thông quốc tế 6 Tbps).
Quyền Bộ trưởng TT-TT bày tỏ mong muốn Thủ tướng sẽ đặt mục tiêu đưa VN trở thành cường quốc phát triển phần mềm, đưa viễn thông trở lại tốp 10 quốc gia đứng đầu thế giới như giai đoạn 2008 - 2010; tốp 5 thế giới về công nghệ thiết bị viễn thông, sản xuất được vi mạch. Đặc biệt, công nghiệp quốc phòng an ninh - một lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao, đầu tư lớn, chuyên gia giỏi… VN phải nỗ lực để lọt vào tốp 20. “Một quốc gia muốn có hòa bình lâu dài và bền vững phải có vũ khí công nghệ cao”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, để trở thành cường quốc về sản xuất phần mềm, VN phải xuất khẩu được 70% sản phẩm ra thị trường thế giới, chứ không thể làm phần mềm theo kiểu gia công như hiện nay. Muốn vậy, không chỉ có điều kiện cần là 9.000 DN với tổng doanh thu 3,8 tỉ USD như hiện nay, mà phải có điều kiện đủ là có DN dẫn đầu và DN chất lượng, cỡ 10 công ty doanh thu tỉ USD thì chắc chắn “bộ mặt” của ngành sẽ khác.
Một lĩnh vực khác, quyền Bộ trưởng TT-TT cũng muốn đột phá trong cuộc cách mạng 4.0 là hệ sinh thái số, trong đó có câu chuyện của mạng xã hội. Hiện nay, doanh thu quảng cáo mạng xã hội chủ yếu rơi vào tay hai “ông lớn” Facebook và Google, với tổng giá trị 370 triệu USD (Facebook 235 triệu USD, Google 135 triệu USD). Trong khi đó, VN với 436 mạng xã hội song chỉ Zalo thực sự có tên tuổi với 40 triệu khách hàng, nhưng doanh thu cũng chỉ đạt con số nhỏ bé 7 triệu USD. Từ đó, ông Hùng kiến nghị Chính phủ có thêm biện pháp ủng hộ mạng xã hội VN, mục tiêu đến năm 2022 có lượng người dùng bằng hoặc hơn số tài khoản của Facebook (hiện khoảng 60 triệu khách hàng), chiếm 60 - 70% thị phần.
Câu chuyện nghịch lý với mạng xã hội hiện nay, theo quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT, là các mạng xã hội nước ngoài sang làm giàu, hưởng nhiều lợi ích ở VN nhưng chưa tuân thủ pháp luật, chưa đóng thuế đầy đủ, chưa thực hiện các yêu cầu an ninh mạng của Chính phủ VN. Tình trạng này đã kéo dài và không thể để tiếp tục tồn tại. Người đứng đầu Bộ TT-TT khẳng định đã đến lúc buộc phải dùng các biện pháp kinh tế hoặc kỹ thuật để quản lý mạng xã hội. Ngày 14.9, Bộ TT-TT sẽ mời Facebook sang VN để làm việc, tiếp sau đó là Google. “VN là đất nước có chủ quyền, ông sang làm ăn ở đây, làm giàu ở đây, không tuân thủ pháp luật, mà lại làm cho đất nước kém đi thì không thể được..”, ông Hùng nói tại cuộc họp.
Phát triển từ khâu nghiên cứu, thiết kế đến chế tạo, xuất khẩu
Trực tiếp điều hành buổi làm việc, chăm chú lắng nghe các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành tặng ngành TT-TT 10 chữ: “Trung thành, tận tụy, sáng tạo, phục vụ, tận tình”. Thủ tướng đánh giá cao những quyết tâm, hoài bão và khát khao của tập thể Bộ TT-TT, đứng đầu là quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa VN trở thành cường quốc về công nghệ, viễn thông, đặc biệt đặt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. “Quyền Bộ trưởng mới đã đoàn kết thống nhất anh em tập trung tập hợp lực lượng CNTT. Thay mặt Chính phủ, Ban Tuyên giáo T.Ư, biểu dương đánh giá cao sự cố gắng lớn lao của cán bộ nhân viên trong toàn ngành cũng như lãnh đạo Bộ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, ngành còn tồn tại một số mặt hạn chế, yếu kém như triển khai quy hoạch báo chí chậm. Quản lý báo chí, mạng xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập. Tình trạng báo chí bị thương mại hóa với việc đăng tải thông tin, hình ảnh thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục, tác động tiêu cực, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí. Thông tin phản bác, xử lý khủng hoảng truyền thông chưa kịp thời.
Công tác tham mưu cơ chế, chính sách vẫn còn những trường hợp chậm, chất lượng chưa cao, thậm chí còn để xảy ra sai sót, vi phạm. Việc phân bổ băng tần viễn thông phục vụ phát triển, hoàn thiện chất lượng dịch vụ mạng 4G, tiến tới 5G còn lúng túng, chậm trễ (tốc độ mạng 4G tại VN đứng thứ 75 trên thế giới). VN là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới, một trong các nước đứng đầu về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện, tuy nhiên còn lúng túng, bị động trong việc khắc phục.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông từ khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo để nước ta chuyển từ nước nhập khẩu thành nước sản xuất các sản phẩm này, từ gia công phần mềm cho nước ngoài thành phát triển phần mềm. Ứng dụng công nghệ cao để ngày càng có nhiều sản phẩm CNTT mang nhãn hiệu “Made in VN”, đưa nước ta thành cường quốc về CNTT, hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển thông minh trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Công nghiệp CNTT không chỉ sản xuất các sản phẩm dân dụng mà còn phục vụ quốc phòng, an ninh như vệ tinh viễn thám, ra đa, thiết bị bay không người lái, hệ thống chỉ huy điều khiển...; triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Khẩn trương triển khai quy hoạch báo chí
Góp ý với Bộ TT-TT, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng đề nghị Bộ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thông tin truyền thông nhằm khắc phục một số hạn chế hiện nay như: tình trạng vi phạm tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí; hoạt động của các trang tin điện tử, công ty công nghệ cung cấp thông tin và công ty truyền thông; tồn tại trong vấn đề tên miền; việc xử lý sai phạm chưa đủ sức răn đe…
Cùng với đó là khẩn trương thực hiện quy hoạch báo chí nhằm tạo điều kiện để các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Tiếp tục sắp xếp lại hệ thống các nhà xuất bản cho phù hợp với tình hình hoạt động. Đặc biệt, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh đến yêu cầu cần xây dựng chính sách “kinh tế báo chí”, “kinh tế xuất bản” phù hợp để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, các nhà xuất bản hoạt động thuận lợi hơn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Chỉ ra những bất cập trong chính sách, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cũng đề nghị khắc phục tình trạng “bảo hộ ngược” đối với các nhà cung cấp mạng xã hội xuyên biên giới sao cho khuyến khích các DN trong nước phát huy tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực này, qua đó tăng sức cạnh tranh với các mạng xã hội nước ngoài để thu hút người dùng. Đi liền với đó là nâng cao tính chịu trách nhiệm pháp lý đối với người sử dụng mạng xã hội trong việc cung cấp thông tin; khắc phục nạn tin giả, gây tâm lý hoang mang, hậu quả nghiêm trọng trong xã hội.
|
Bình luận (0)