Dự luật nói trên được chính phủ Đức thông qua hôm 13.10 và sẽ sớm được trình lên quốc hội nước này phê duyệt. Nếu dự luật được ban hành, công dân có hành vi chụp, phát tán ảnh upskirting (chụp ảnh từ dưới váy lên) hay ảnh người chết do tai nạn sẽ trở tội phạm hình sự và người phạm tội có thể nhận mức án lên đến 2 năm tù giam.
Trong số hai hành vi được hình sự hóa nói trên, việc chụp và phát tán ảnh chụp dưới váy được công chúng và truyền thông quan tâm hơn cả. “Chụp ảnh dưới váy của phụ nữ là một sự lạm dụng và phi lý đối với không gian cá nhân của họ”, Bộ trưởng Tư pháp Christine Lambrecht tuyên bố. Trong một tuyên bố hồi tháng 9, người đứng đầu bộ Tư pháp Đức cũng nhấn mạnh: “Thuật ngữ upskirting che giấu sự xâm nhập ghê tởm vào quyền riêng tư của phụ nữ... Đó là lý do tại sao chúng tôi quyết tâm giải quyết vấn đề và thay đổi tình trạng pháp lý”.
|
Theo trang DW, các nỗ lực để hình sự hóa hành vi chụp ảnh upskirting ở Đức được khởi xướng bởi Ida Marie Sassenberg và Hanna Seidel đến từ thành phố Ludwigsburg, miền nam nước Đức. Hai phụ nữ nói trên đã đưa ra một bản kiến nghị trực tuyến vào tháng 4 năm nay thu hút hơn 90.000 chữ ký đồng tình. “Điều kinh tởm nhất về upskirting là bạn thậm chí có thể không nhận ra điều đó đã xảy ra”, Hanna Seidel nói với DW hồi tháng 8. “Bạn có thể bị chụp lại khi đang đứng trên thang cuốn trong siêu thị, trong tàu điện ngầm hoặc tại một buổi hòa nhạc. Và bạn không biết điều gì sẽ xảy ra với các bức ảnh - liệu chúng sẽ được tải lên một trang web khiêu dâm, diễn đàn internet hay ai đó dùng để thỏa mãn bản thân bằng cách nhìn ngắm chúng”, người này nói về các mối nguy tiềm tàng của hình thức chụp ảnh “biến thái” này.
Trước Đức, nhiều quốc gia khác như: Anh, Pháp, Ấn Độ, Phần Lan… cũng đã thông qua luật tượng tự như trên. Trước khi được hình sự hóa tại Đức, hành vi chụp và phát tán ảnh upskirting tại nước này chỉ được xem là phạm pháp nếu kèm theo đó thủ phạm có có những hành vi đụng chạm thân thể hay lời lẽ xúc phạm.
Không chỉ có upskirting, chụp và phát tán ảnh người chết do tai nạn cũng sớm bị cấm tại quốc gia này. Nói về hành vi trên, ông Steffen Seibert - phát ngôn viên của Chính phủ Đức cho biết nội các nước này đồng tình rằng việc chụp ảnh người chết là hành vi bị coi là xúc phạm họ. Đặc biệt, việc chụp ảnh các nạn nhân ra đi trong các vụ tai nạn rồi phát tán chúng trên mạng là hành vi phạm pháp. Trang DW dẫn lời Bộ trưởng bộ Tư pháp nước này: “Chúng ta cần phải tránh việc những người thân phải chịu đựng thêm nỗi đau đớn, khổ sở từ chuyện hình ảnh của cha mẹ hay con cái đã qua đời của họ bị lan truyền khắp nơi”.
Bình luận (0)