VN-SIPA được hợp tác thực hiện giữa Bộ Tài Nguyên và Môi trường Việt Nam và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), với sự phối hợp của các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng và hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.
"Trong bốn năm triển khai thực hiện, dự án đã đạt được tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ chính đã được chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành và GIZ thống nhất", ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhận định tại hội thảo tổng kết dự án được tổ chức tại Hà Nội hôm 31.3.
Giai đoạn I dự án khép lại với nhiều kết quả và thành tựu đáng ghi nhận trong việc hỗ trợ các bộ, ngành và chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết về khí hậu. Giai đoạn II của dự án sẽ được mở ra với những chương trình và mục tiêu mới.
Ông Tấn bày tỏ mong muốn chính phủ Đức "giúp hoàn thiện các hệ thống, quy định kỹ thuật của các ngành vì Việt Nam là nước đang phát triển nhưng thực hiện nhiệm vụ giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone ở mức tương đương các nước phát triển, và giúp thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học".
Còn ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết với sự hỗ trợ của dự án của Đức và một số đối tác khác, Việt Nam trình Đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2020 và cập nhật NDC năm 2022, đưa trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Bên cạnh đó, các khung chính sách, kế hoạch về biến đổi khí hậu nhằm đưa ra lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 cũng được xây dựng và hoàn thiện.
VN-SIPA cũng tư vấn và hỗ trợ các bộ, ngành xây dựng được 4 hệ thống Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (cấp ngành: Sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, và quản lý chất thải; xây dựng các chính sách, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, trong đó có thông tư Hướng dẫn về dán nhãn năng lượng đối với ô tô con, xe mô tô, xe máy sử dụng năng lượng điện; rà soát mức giảm phát thải khí nhà kính đối với hoạt động chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng tại năm thành phố lớn; Quy định quản lý nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO2 từ tàu bay trong hoạt động hàng không dân dụng, do Bộ Giao thông vận tải chủ trì.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, dự án cũng hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan) ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030; thực hiện NDC ngành trồng trọt, chăn nuôi...
Nhằm giảm thiểu một cách chiến lược tác động tiêu cực gây ra bởi biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu, dự án VN-SIPA cùng các đối tác phát triển còn hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và thúc đẩy thực hiện Kế hoạch Thích ứng quốc gia (NAP), và Hệ thống giám sát và đánh giá các hoạt động thích ứng cấp quốc gia.
Bình luận (0)