Dùng bã trái cây để giúp người dân miền Trung

07/11/2020 14:48 GMT+7

Mỗi tuần đều đặn 3 lần, chị Nguyễn Thị Thanh Lam (34 tuổi, sống tại Hà Nội) ghé đến cửa hàng nước ép trái cây để xin bã. Chị Lam bảo xin bã về cứu giúp đồng bào miền Trung khiến ai cũng ngỡ ngàng, ngạc nhiên.

Chị Lam làm gì với số bã trái cây vốn dĩ là rác này? Và bã trái cây có thể cứu giúp được gì cho người dân miền Trung sau đợt mưa lũ?

Rác là tài nguyên

Mới đây, trên trang Fanpage của cửa hàng nước ép trái cây True Juice có đăng tải câu chuyện bã ép giúp được gì cho miền Trung, nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ yêu môi trường và muốn làm điều gì đó hỗ trợ cho đồng bào miền Trung đang chịu nhiều thiệt hại vì mưa bão. Trong bài viết có đoạn: “Có thể bạn cũng như mình, sẽ lập tức bật ra câu hỏi trong đầu. Chúng mình từng tận dụng bã ép cho rất nhiều mục đích khác nhau, từ bón cây đến đắp mặt nạ, hay chế thành nguyên liệu trong các món ăn hấp dẫn nhù bánh quy, pancake, đế pizza, nhân burger… Nhưng chúng mình chưa từng nghĩ đến việc đống bã ép sặc sỡ của hàng nghìn chai nước ép mỗi ngày sẽ có lúc được “khăn gói” vào tận miền Trung, dưới một vai trò thật mới là bột phân hủy để dọn dẹp, vệ sinh môi trường sau lũ”.

Nhóm Liên minh nông nghiệp tử tế tiến hành làm Mevi và dung dịch IMO rồi bàn giao và hướng dẫn bà con thao tác sử dụng để xử lý môi trường

NVCC

Câu chuyện này xuất phát từ chị Nguyễn Thị Thanh Lam, khi mỗi tuần đều đặn 3 lần chị đều đến xin bã ép trái cây để về làm bột phân hủy giúp người dân miền Trung vệ sinh môi trường và xác động vật sau mưa lũ. Và đối với chị rác luôn là tài nguyên rất hữu ích nếu ta biết cách khai thác và tái sử dụng.

Chia sẻ với phóng viên, chị Lam cho biết từ khi chị tham gia vào nhóm Liên minh nông nghiệp tử tế, chị được thầy dạy cho cách xử lý rác thải, lọc nước, chăm sóc đất đai và các biện pháp nông nghiệp khác như chăn nuôi, chuồng trại... và cả chăm sóc sức khoẻ con người. Trong số các kiến thức học được thì có phương pháp Mevi có thể tạo ra được loại bột giúp phân hủy các chất hữu cơ nhanh chóng. Từ đó giúp giảm bớt mùi hôi, và hạn chế tác động ô nhiễm lên nguồn đất và nước.

Bã hoa quả trộn với bột và cám gạo, thêm đường, thêm men rượu

NVCC

Hỗn hợp trên được ủ kín khí cho lên men và trong quá trình này hỗn hợp thơm ngát mùi rượu

NVCC

Hỗn hợp được hong khô

NVCC

Khô hoàn thiện và sẵn sàng để gửi vào miền Trung để tiếp tục hướng dẫn bà con xử lý

NVCC

“Lúc này ở miền Trung nước đang bắt đầu rút, xác trâu bò lợn gà... chết bắt đầu lộ ra. Bình thường bà con sẽ chôn xác xuống rồi rắc vôi bột lên để dọn dẹp. Tuy nhiên do đất lúc này vẫn ướt, xác bị ngâm lâu, giờ chôn xuống sẽ lâu phân hủy, quá trình phân hủy chậm như thế cộng thêm việc số lượng xác chết “khổng lồ” sẽ khiến cho đất và nguồn nước bị ô nhiễm, nếu gặp điều kiện thuận lợi sẽ gây dịch bệnh cho con người. Bây giờ nếu mình rải thêm bột Mevi lên thì xác sẽ phân hủy nhanh hơn”, chị Lam chia sẻ.

Biến bã trái cây trở nên hữu ích

Để làm được bột phân hủy này, chị Lam cho biết bã hoa quả cho thêm bột hoặc bã cà phê cộng với đường và men rượu. Hỗn hợp này sẽ lên men dưới tác động của nấm men và các vi sinh vật. Đây sẽ là môi trường cho các nấm men và vi sinh vật sinh sôi, rồi khi nó đạt cực đỉnh, sẽ sấy khô nó ở mức nhiệt 50 độ, đưa nó về trạng thái ngủ để bảo tồn rồi gửi vào miền Trung. Vào đó các bạn ở miền Trung sẽ mang rải bột lên các bãi chôn lấp xác động vật, chuồng trại... gặp điều kiện thuận lợi (có nước, có chất hữu cơ, nhiệt độ thường) thì nấm men và các vi sinh vật sẽ hoạt động lại và bắt đầu phân hủy xác, với số lượng lớn lợi khuẩn và nấm men có lợi thì ngoài việc giúp phân hủy xác, Mevi cũng sẽ giúp đưa môi trường vi sinh vật có trong đất về trạng thái cân bằng hơn.

Những chai nước tẩy rửa sinh học IMO

NVCC

“Việc ứng dụng Mevi vào xử lý rác hữu cơ và xác động vật hoặc làm sạch môi trường vốn là việc mà các thành viên Liên minh vẫn làm thường xuyên ở nhà, ở vườn, ở trang trại của mình. Nay thấy miền Trung bị như vậy thì ai trong tụi mình cũng đều hiểu là miền Trung cần Mevi. Những ngày này nhóm Liên minh nông nghiệp tử tế ở trong miền Trung cũng đã bắt đầu giúp dân dọn dẹp ô nhiễm”, chị Lam kể.

Theo chị Lam thì ngoài Mevi, các thành viên trong Liên minh nông nghiệp tử tế còn áp dụng thêm IMO. Đây cũng là một phương pháp xử lý môi trường và cũng được làm từ cây lá, hoa quả, men vi sinh và men rượu. Nếu Mevi mạnh về khả năng phân hủy xác thì IMO mạnh về khả năng khử mùi trong không khí. Ở các bãi chôn lấp, nhóm sẽ rắc Mevi lên đất và xịt thêm IMO vào không khí.

Không ai nghĩ bã ép trái cây lại có thể chế tạo thành bột phân hủy giúp đồng bào miền Trung sau mưa bão

Điều đặc biệt, Mevi hoàn toàn có thể làm từ các nguyên liệu khác, nhưng chị Lam muốn tận dụng rác thải. Như vậy, mục đích hạn chế ô nhiễm môi trường của chị được thực hiện hai lần, 1 là giải quyết bã ép rau củ, 2 là giải quyết ô nhiễm do xác động vật.

Thực ra chị Lam hoàn toàn có thể ủng hộ tiền vào quỹ cứu trợ thay vì bỏ tiền và công sức làm bột phân hủy. Tuy nhiên, chị Lam nhận thấy hành động này còn có ý nghĩa góp phần lan tỏa thông điệp về rác thải và môi trường.

 “Giúp bà con thế này, họ sẽ tò mò đó là thứ gì mà giúp phân hủy nhanh, giúp hết mùi hôi, rồi mình có cơ hội đưa phương pháp đó tới bà con. Vừa đỡ tốn tiền mua phân bón, vừa đỡ xả rác, vừa giúp ích cho đất đai vì bà con sẽ không cần phải bón phân vô cơ nữa, không phải dùng thuốc trừ sâu hay diệt cỏ nữa”, chị Lam giãi bày.

Rất vui vì bã nước ép cũng có thể giúp được miền Trung

Là chủ nhân của dự án khởi nghiệp nước ép trái cây True Juice, Trần Thanh Huyền cũng đã tìm kiếm nhiều giải pháp để có thể xử lý và tận dụng được lượng bã thải ra mỗi ngày của công ty. Nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa tìm được giải pháp thích hợp, nên khi nhận được lời ngỏ ý xin bã của chị Lam, Thanh Huyền rất vui mừng và hạnh phúc: “Mình đã từng đề cập đến các vườn rau đối tác và một số bên có thể tiếp nhận để xử lý. Tuy nhiên do đặc thù của bã là sản phẩm hữu cơ và tươi, nếu không vận chuyển và xử lý luôn thì dễ thối hỏng chứ không tích trữ được nên việc vận chuyển hàng ngày cho bã tới vườn rau là khá khó khăn, do đó chưa xử lý được toàn bộ 100% bã. Nên khi biết được hoạt động mà chị Lam đang làm, mình thật sự rất vui và ủng hộ chị hết mình. Không chỉ hạn chế tối đa rác thải ra môi trường, mà đặc biệt khi có thể kịp thời hỗ trợ cho vùng đồng bào miền Trung đang khó khăn vì mưa lũ. Mình rất cảm kích trước những hành động đơn giản nhưng thiết thực đó và sẵn sàng chung tay góp sức”.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.