Từ "ép" ở cửa khẩu đến tiến tới ép tại thị trường nội địa; từ thu mua qua các đầu nậu trong nước nay họ trực tiếp "cắm chốt" sản xuất, nuôi trồng tại các địa phương. Nhức nhối hơn cả là họ chỉ dùng "chiêu" gần như duy nhất nhưng chúng ta vẫn "sập bẫy" hết lần này đến lần khác, từ năm nọ sang năm kia.
Đó là lao vào thu mua với giá cao, bao tiêu dẫn đến thống lĩnh toàn bộ thị trường. Khi đầu ra phụ thuộc duy nhất vào họ, họ bắt đầu ép giá đến "đáy". Không bán cho họ, chỉ có nước đổ đi nên nông dân phải chấp nhận lỗ, thậm chí phá sản. Không dừng lại ở đó, họ còn "xúi" doanh nghiệp (DN) trong nước làm ăn gian lận, trộn gạo thường với gạo thơm rồi bán với giá gạo thơm... Đến mức này thì câu chuyện không còn dừng lại ở việc "buôn gian, bán lận" mà là vấn đề uy tín, thương hiệu của DN, của đất nước với thế giới. Bởi VN là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, rất nhiều nước, rất nhiều các nhà nhập khẩu, bạn bè quốc tế biết đến VN từ gạo.
Những hành động của thương lái TQ ngày càng nghiêm trọng trong khi "thái độ" và hành động của chúng ta lại không tương xứng. Mỗi lần nói đến chuyện bị thương lái ép giá, chúng ta vẫn kêu gọi sự cảnh giác của người dân và coi đây là vũ khí chủ lực. Nhưng phải khẳng định rằng, không thể đổ lỗi hay trách cứ người dân trong việc này. Họ có sản phẩm, có hàng hóa và họ muốn bán với giá cao là điều hoàn toàn chính đáng. Cũng đừng trách họ "trồng, chặt - chặt, trồng" bởi thị trường cần cái gì, họ trồng, họ nuôi cái đó. Đó là chưa kể, trước khi có chuyện thương lái TQ, không ít DN trong nước cũng "hành xử" với nông dân trong chuyện thu mua nông sản chẳng khá gì hơn. Chẳng nói đâu xa, ở Nghệ An cách đây nửa tháng, chuyện thu mua dứa "tréo ngoe" và ép giá rẻ mạt của một DN trong nước khiến cả chính quyền lẫn người dân đều bất bình.
Nói thế để thấy rằng, việc đối phó với các chiêu trò của thương lái TQ cần có sự tham gia của rất nhiều các cơ quan, ban ngành. Đơn cử như chính quyền địa phương phải tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động của thương lái TQ trên địa bàn.
Các hiệp hội ngành nghề phải đẩy mạnh kết nối, phối hợp giữa người dân - DN trong nước để giữ giá, thậm chí "ép" giá lại các thương lái TQ. Rõ ràng là hàng hóa, sản phẩm trong tay chúng ta; nông sản là thế mạnh xuất khẩu của chúng ta, DN trong nước cũng cần nguyên liệu... Tại sao để vài thương lái ở xa đến thao túng giá, quậy nát thị trường? Phải chăng là chúng ta chưa thật sự làm, hoặc làm chưa tới? Còn về dài hạn, điều quan trọng nhất để giải quyết tận gốc là phải có một quy hoạch tổng thể về nuôi, trồng song song với việc xây dựng ngành công nghiệp chế biến nông sản thật mạnh, tương xứng với sự phát triển của ngành nông nghiệp trong nước.
Sở dĩ chúng ta luôn phải "lao" theo thị trường là bởi chúng ta phụ thuộc chủ yếu vào bán thô, xuất khẩu thô. Nên khi được mùa, ngay lập tức rơi vào tình trạng dội hàng, phải chấp nhận bán rẻ, bán ế. Nếu có các nhà máy chế biến nằm trong vùng nguyên liệu, thu mua nông sản, thực phẩm để chế biến, vừa tạo giá trị gia tăng cao cho người dân, vừa tránh tình trạng rớt giá, cũng không còn phụ thuộc vào một đầu ra là thương lái TQ như hiện nay.
Là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhưng chúng ta gần như chưa có thương hiệu nông sản nổi tiếng trên thế giới, cũng do xuất khẩu thô. Vấn đề xây dựng ngành công nghiệp chế biến đã được đặt ra nhiều năm nay để giải quyết nghịch lý trên nhưng lúc này, nó càng trở nên cấp thiết khi "nạn" thương lái TQ ngày càng hoành hành, gây thiệt hại cho người dân, cho đất nước. Giải pháp ngắn hạn, dài hạn đều có. Vấn đề chỉ là, chúng ta có bắt tay vào làm hay lại vẫn hô hào như lâu nay?
Nguyên Hằng
>> Thương lái Trung Quốc thôn tính thạch dừa Bến Tre
>> Thương nhân Trung Quốc mua gom cả tôm bơm tạp chất
>> Trung Quốc thu gom tài nguyên toàn cầu
>> Trung Quốc đang “vét” gạo Việt Nam
Bình luận (0)