Giáo sư qua Mỹ năm nào và ông đã bắt đầu “hành trình” phản chiến như thế nào?
|
Việc cấm tôi xuất cảnh khiến Harvard và rất nhiều người Mỹ phải vận động Bộ Ngoại giao Mỹ làm áp lực chính quyền Sài Gòn cho tôi đi để kịp học.
Nỗ lực can thiệp diễn ra trong nhiều tuần, và việc tôi ra đi trễ vô tình gây rất nhiều chú ý, nhiều bài báo bên Mỹ viết về sự kiện này. Khi chuyến máy bay chở tôi đáp xuống phi trường Boston (Massachusetts, Mỹ), các tiếp viên đã được lệnh cho các hành khách khác ra trước. Sau đó, các cô tiếp viên hộ tống tôi ra đến đầu cầu thang và chúng tôi được các nhà báo chụp ảnh tới tấp. Họ còn phỏng vấn tôi.
Một câu hỏi là: “Anh có hãnh diện là người VN đầu tiên đến học Harvard College không?”. Tôi trả lời: “Tôi rất hãnh diện và tôi rất cảm ơn người Mỹ và Đại học Harvard đã cho tôi cơ hội. Vì sự mang ơn này tôi xin thành thật nói là tôi nghĩ chính phủ Mỹ sẽ sắp đưa quân vào miền Nam VN. Nếu điều đó xảy ra thì sẽ có một cuộc chiến tàn khốc và lâu dài có ảnh hưởng xấu cho cả Mỹ và VN, nếu không nói là toàn cầu”.
Mấy ngày sau có nhiều giáo sư tại Harvard như William Yandel Elliot (thầy của Henry Kissinger và về sau là thầy của tôi), tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) như Noam Chomsky (sau này là bạn thân của tôi), tại Đại học Boston như Howard Zinn (sau này là bạn thân của tôi và là tác giả cuốn lịch sử nổi tiếng về nước Mỹ tên gọi A People’s History of the United States)... liên lạc với tôi và hỏi tại sao có những nhận định như được trích trong các bài báo.
Sau khi tôi trả lời chi tiết thì GS Noam Chomsky, Howard Zinn, và nhiều người khác đồng ý với tôi và nói phải nên đi gấp đến các đại học ở Mỹ trình bày những phân tích và nhận định của chúng tôi để vận động sinh viên và giới trí thức, nhằm ngăn chặn việc Mỹ đưa quân vào VN.
Chúng tôi nói chuyện trong đại học vì đó là những nơi phải bảo vệ “quyền tự do học thuật” và có nhiều sinh viên quy tụ hằng ngày nên tổ chức dễ hơn. Sau vài tháng, những buổi nói chuyện như thế trở thành thường xuyên trong nhiều đại học khắp nơi trên nước Mỹ. Ngoài các đại học, chúng tôi cũng tổ chức trong các nhà thờ trên nước Mỹ vì chính quyền khó cấm đoán hay phá rối tại các nơi này.
|
Bị “đì” ở Harvard
Vào ngày 14.4.1965, ông cùng bạn bè có thể tập hợp một cuộc xuống đường 25.000 người ở thủ đô Washington D.C (Mỹ) để phản đối chiến tranh. Làm cách nào ông có thể kết nối đông người đến vậy khi qua Mỹ chưa lâu?
Nhờ những “chân rết” đã thành lập trong các trường đại học và các nhà thờ, sau khi Mỹ đưa quân vào Đà Nẵng đầu tháng 3.1965, chúng tôi kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình tại Washington vào ngày 14.4.1965. Nhiều người hưởng ứng và các nơi tổ chức quyên tiền thuê xe buýt đưa người từ các bang đến. Nhiều người tự lái xe chở bạn bè hay mua vé máy bay đến.
Ông đã tham gia sự kiện Harvard Strike (Bãi khóa Harvard) vào năm 1969. Sự kiện này đã kết thúc như thế nào và ông có bị những phiền toái gì không?
Vụ Harvard Strike kết thúc với việc đại học này đồng ý những yêu cầu của chúng tôi, trong đó có bãi bỏ chương trình huấn luyện sĩ quan trù bị (ROTC), thành lập chương trình về người Mỹ gốc Phi châu, cắt đầu tư ở Nam Phi, và ngưng việc đuổi người già và người nghèo ra khỏi các khu nhà mà Harvard đã mua. Tuy nhiên, một số sinh viên chiếm tòa nhà University Building bị đuổi. Bản thân tôi gặp nhiều khó khăn, kể không hết, trong đó có việc chính phủ Mỹ đòi trục xuất tôi. Phải tranh đấu kinh khủng lắm mới được ở lại.
Năm 1969, Harvard đã ký hợp đồng xuất bản cuốn sách đầu tay của tôi, nhưng sau vụ việc trên thì họ tìm mọi cách đình trệ. Do đó, tôi đem bản thảo qua MIT cho họ xuất bản. Hình bìa sách là biểu tượng của Harvard Strike lật ngược, nhưng trông như chữ “thổ” với quả đấm phía trên vì sách nói về nông dân VN dưới thời Pháp thuộc.
Không ngừng hoạt động
Sau đó, ông tiếp tục hành trình tuyên truyền phản chiến như thế nào?
Tháng 3.1969, tôi thành lập “Trung tâm tư liệu về VN” (Vietnam Resource Center) và có ra một tờ báo hằng tháng tiếng Anh nhưng gọi là “Thời báo Gà”, vì đó là năm dậu và vì con gà có nhiều biểu tượng đặc biệt đối với văn hóa VN như không nên “cõng rắn cắn gà nhà”, không nên “bôi mặt đá nhau”... Tờ báo được gửi đến rất nhiều độc giả trên khắp nước Mỹ (với giá 5 USD mỗi năm), đến hầu hết văn phòng của các hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ Mỹ, đến các cơ quan chính phủ Mỹ như Bộ Ngoại giao và đến các tờ báo lớn ở Mỹ. Từ đầu năm 1969 đến đầu năm 1975, hầu hết các nhà báo Mỹ trước khi sang VN đều được Vietnam Resource Center hướng dẫn và cung cấp thông tin cũng như các đầu mối liên hệ ở VN.
Tôi cũng thường đi đến các trường tiểu học và trung học nói chuyện về VN và Á châu. Tôi chỉ yêu cầu các trường cho tôi đến nói chuyện từng lớp về bất cứ đề tài gì, chứ không phải về chống chiến tranh, và các em nào muốn theo tôi sang lớp khác để nói chuyện thêm thì xin trường và cô, thầy, cho phép. Với cách như vậy, mỗi ngày tôi có thể nói chuyện với mấy trăm học sinh và tạo sự hiếu kỳ cũng như quan hệ. Về sau, hàng ngàn học sinh mà tôi đã gặp trở thành những người hoạt động rất tích cực và họ đã sáng lập nhiều tổ chức rất có ích.
Ngoài các hoạt động trên, tôi và bạn bè cũng tranh thủ giới nghiên cứu về Á Đông. Giới nghiên cứu về Á châu ở Mỹ và trên thế giới thông qua Hiệp hội Sinh viên Á châu (AAS) lúc đó có khoảng 5.000 hội viên. Khi ấy, AAS còn bảo thủ và sợ sệt, không dám ra một thông cáo chống chiến tranh. Bạn tôi và tôi tranh đấu mãi, cuối cùng chúng tôi phải dẫn một nhóm khoảng 400 người tách ra khỏi AAS và thành lập tổ chức “Committee of Concerned Asian Scholars”.
Sau 1975, giáo sư quay lại VN vào lúc nào và ông có thể chia sẻ những chương trình đã tham gia tại VN?
Sau 1975, tôi xin về nước rất nhiều lần, nhưng do một số lý do tế nhị, nên mãi đến cuối năm 1979 mới được cho về. Năm 1980, tôi nghiên cứu hợp tác xã miền Nam và miền Bắc trong khoảng gần 6 tháng. Từ cuối năm 1986, tôi đã được về thường xuyên và tham gia nhiều chương trình trong những lĩnh vực chuyên môn của tôi về kinh tế và xã hội tại các viện nghiên cứu và các đại học.
Bãi khóa Harvard
Đầu năm 1969, nhiều bức xúc tồn tại ở Harvard và nhiều đại học khác trên khắp nước Mỹ bởi phong trào phản chiến dâng cao, kết hợp cùng nhiều tồn tại khác như học sinh gốc Phi gặp khó khăn do chính sách của các trường, chương trình huấn luyện sĩ quan trù bị tại đại học. Tổ chức Sinh viên đấu tranh dân chủ (Student for Democratic Society - SDS) ngày càng có nhiều hoạt động. Cao trào là ngày 9.4.1969, hàng chục sinh viên bất ngờ chiếm giữ tòa nhà chính của Đại học Harvard. Sau đó, cảnh sát tiến vào can thiệp khiến cho khoảng 50 người của cả hai phía bị thương. Dù lực lượng sinh viên không còn chiếm giữ tòa nhà nhưng diễn biến này chính là bước ngoặt cho sự kiện Bãi khóa Harvard (Harvard Strike), do ông Ngô Vĩnh Long hỗ trợ tiến hành, thu hút 10.000 sinh viên bãi khóa. Phong trào lan rộng nhiều nơi khiến Harvard phải xuống nước, chấp nhận các yêu cầu của sinh viên. Từ đây, mở ra cơ hội cho người gốc Phi ở các đại học Mỹ và chương trình huấn luyện sĩ quan trù bị tại đại học cũng bị bãi bỏ như một thành quả của phong trào phản chiến.
|
Bình luận (0)