Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần khẳng định không hy sinh môi trường lấy tăng trưởng. Thế nhưng ngay trong giai đoạn nóng bỏng của vấn đề môi trường, tỉnh Long An đã thống nhất triển khai dự án nhiệt điện than, vốn được coi như "kẻ giết người hàng loạt" tại xã Phước Vĩnh Đông, H.Cần Giuộc.
Tại VN, theo thống kê có tới 4.300 người chết yểu vì nhiệt điện than. Nghiên cứu của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho thấy, khói thải từ nhiệt điện than có thể bay hàng trăm ki lô mét, tạo bụi siêu nhỏ mà khi vào phổi sẽ gây nhiều bệnh như phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ, bệnh tim thiếu máu, ung thư phổi... Vì thế, dù nhà máy đặt ở Long An, hàng triệu người dân TP.HCM cũng không khỏi hốt hoảng nghĩ tới thảm cảnh về sức khỏe khi dự án chính thức đi vào hoạt động.
Không chỉ ô nhiễm, nhà máy nhiệt điện than đi vào hoạt động sẽ khiến VN phải tăng nhập khẩu than, góp phần tăng thêm nhập siêu, ảnh hưởng đến cán cân thương mại. Theo tính toán, đến năm 2020 chúng ta sẽ phải nhập 20 - 30 triệu tấn than phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, do nguồn than trong nước đang cạn dần. Cũng chính vì lý do này, Chính phủ đã yêu cầu không phát triển thêm nhiệt điện than, tiến tới thay than bằng khí và tiếp tục thu hút các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Vấn đề đặt ra là, tại sao nhiệt điện than ô nhiễm như vậy, tại sao các nhà máy nhiệt điện than được gọi là các dự án chết chóc nhưng vẫn "mọc" ra ở khắp nơi trên cả nước? Có 3 lý do chính. Thứ nhất, theo Quy hoạch điện VII, nếu như năm 2015 nhiệt điện than chiếm 35,1% tổng công suất cả nước thì đến năm 2020 tỷ lệ này sẽ được nâng lên 44,7% và năm 2030 là 56,1%. Quy hoạch còn "quota" nên người ta cứ thoải mái cấp phép cho các dự án này, bất chấp các cảnh báo về hệ quả của nó.
Tuy nhiên, như trên đã nói, Quốc hội và Chính phủ đã chủ trương không hy sinh môi trường đổi lấy tăng trưởng, nên việc cấp thiết là phải thay đổi quy hoạch để phù hợp thực tiễn hiện nay. Về nguồn bù đắp, VN được đánh giá là có tiềm năng phát triển điện gió, đây là lợi thế lớn để chúng ta mạnh dạn thay đổi quy hoạch này.
Thứ hai, nhiều ý kiến cho rằng đây là nguồn điện có giá thành rẻ nên dù không muốn chúng ta vẫn phải khai thác. Nhưng đây chỉ là góc nhìn hạn hẹp. Nếu tính đúng, tính đủ những thiệt hại về môi trường, chi phí y tế, chi phí xã hội thì "cái sự rẻ" của điện than không thể so sánh với những thiệt hại mà người dân, đất nước phải gánh chịu.
Cuối cùng là câu chuyện chạy đua cạnh tranh thu hút đầu tư bằng mọi giá của nhiều địa phương. Những dự án tỉ đô bỏ hoang, những nhà đầu tư ngoại ôm tiền biến mất, những dự án giết chết sông ngòi... là hệ quả của việc này. Đó là lý do, nhiều chuyên gia đang đặt vấn đề "siết" lại việc phân cấp đầu tư cho các tỉnh, thành để hạn chế tối đa các sự "đã rồi" như Formosa, Nhà máy giấy Lee & Man...
Trở lại với dự án nhiệt điện than ở Long An, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này đã thực hiện tham vấn cộng đồng thế nào? Chính quyền, người dân TP.HCM, nơi được đánh giá là sẽ chịu ảnh hưởng mạnh khi dự án đi vào hoạt động có được tham vấn đầy đủ không?...
Có rất nhiều câu hỏi cần phải làm rõ. Song, có thể khẳng định, với một chính quyền vì dân chắc chắn sẽ không đánh đổi sức khỏe người dân để lấy một dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao như nhiệt điện than.
Bình luận (0)