Đừng để camera làm sứt mẻ tình cảm cô trò trong giờ học trực tuyến

29/11/2021 16:37 GMT+7

Năm học 2021-2022 đã đi qua 3 tháng hoàn toàn học trực tuyến . Đồng hành cùng các con suốt 3 tháng qua và bản thân cũng đang dạy trực tuyến, tôi nhận ra điều gây ám ảnh cho người học có lẽ là chuyện bật tắt camera.

Cô trò căng thẳng, gây gắt với nhau vì camera

Có đôi lúc tôi cảm nhận được rằng chính cái camera vô tri vô giác đó làm cho thầy cô và học sinh phải căng thẳng, gay gắt với nhau.

Phần lớn học sinh không muốn và không cảm thấy thoải mái nếu phải bật camera trong giờ học

đào ngọc thạch

Trong giờ học trực tuyến của cô con gái học lớp 6, rất nhiều lần tôi nghe các thầy cô nhắc em A bật camera lên, em B tại sao lại không bật camera, em C tại sao lại quay camera lên trần nhà…Thậm chí đến giờ sinh hoạt lớp mỗi cuối tuần, giáo viên chủ nhiệm lại một lần nữa nhắc tên những em bị giáo viên bộ môn phản ánh không bật camera trong giờ học. Các em lý nhí trả lời lý do vì sao mình không bật camera. Em thì nói camera bị hư, em lại nói quên bật. Không khí giờ sinh hoạt lớp bỗng trở nên căng thẳng.

Tôi có một cô bạn đang làm giáo viên chủ nhiệm ở trường tư thục. Bạn cũng gặp khủng hoảng với nhiệm vụ ổn định lớp đầu mỗi buổi học, nhắc nhở các em học bài cũ và không được quên bật camera. Nghe bạn nhắc nhở hết em này đến em khác, có lúc hơi to tiếng mà tôi thấy thương cho cả bạn lẫn các em học sinh.

Đối với các học sinh trung học, thầy cô tin rằng chiếc camera có thể giám sát được việc các em có tập trung chú ý nghe giảng không hay làm việc khác trong giờ học. Thế nhưng thực tế là kể cả có bật camera đi chăng nữa thì nếu các em muốn xem YouTube, TikTok hay nhắn tin, chơi game, các em có đủ các chiêu trò để qua mặt thầy cô.

Nhiều em bật cùng lúc nhiều cửa sổ rồi thu nhỏ màn hình của lớp học lại, mở nhỏ âm thanh và ung dung xem YouTube, TikTok mà không sợ thầy cô phát hiện. Bởi quan sát qua camera của lớp học các thầy cô vẫn thấy học trò của mình đang ngồi thẳng lưng, mắt nhìn vào màn hình, còn màn hình đó là cửa sổ nào trên mấy cửa sổ cùng lúc hoạt động trên máy tính thì không có camera nào giám sát được.

Bố mẹ bận đi làm, không giám sát được việc học của con cái, nếu các em không có ý thức tự giác thì dù thầy cô hay cả giám thị nữa có theo dõi kỹ từng em một cũng chẳng thể biết chính xác rằng các em ngồi đó nhưng tâm hồn đang để đâu.

Học sinh không thoải mái khi bật camera

Đối với lớp sinh viên của tôi, trước mỗi buổi học tôi đều dành khoảng 5 phút để nói chuyện về tình hình thực tế mà các em đang trải qua. Tôi chỉ yêu cầu các em bật camera 2 lần: đầu giờ học và cuối giờ học để chào nhau. Trong giờ học tôi thường xuyên đặt câu hỏi để các em trả lời vào "chat box" hoặc phát biểu, hoặc thả tim, thả "like" cho ý kiến nào các em thấy đúng.

Có học sinh học bằng điện thoại nên nếu bật camera thì tốn nhiều dung lượng 3G/4G, âm thanh không rõ…

đào ngọc thạch

Trong cuộc khảo sát tôi tiến hành ở 2 lớp học, kết quả khảo sát liên quan đến việc bật tắt camera trong giờ học khá tương đồng nhau. Ở lớp thứ nhất, có 81% sinh viên không muốn và không cảm thấy thoải mái nếu phải bật camera trong giờ học. Lớp thứ hai có 97% sinh viên trả lời không cho câu hỏi “Theo bạn, có nên yêu cầu sinh viên bật camera trong suốt buổi học trực tuyến?”; 84% sinh viên trả lời không cho câu hỏi “Bạn có thấy thoải mái nếu phải bật camera trong suốt buổi học?”. Có 76% sinh viên gặp những khó khăn vì chất lượng lượng mạng và thiết bị học.

Lý do cho việc các em không muốn bật camera trong lúc học là vì nhà chật nên bố mẹ, anh em sẽ bị lọt vào khung hình, hoặc phòng ốc không đẹp làm các em không thấy tự tin, chất lượng mạng yếu, có em học bằng điện thoại nên nếu bật camera thì tốn nhiều dung lượng 3G/4G, âm thanh không rõ…

Dưới góc độ là một phụ huynh tôi chia sẻ với sự lo lắng của thầy cô khi phải dạy mà không nhìn thấy học trò mình đang làm gì. Dưới góc độ là giáo viên, tôi cho rằng chúng ta buộc phải chấp nhận việc học trực tuyến sẽ không thể nào đảm bảo chất lượng như học trực tiếp.

Thay vì quá tập trung chú ý đến chuyện bật tắt camera trong lớp học, chỉ cần thầy trò quy ước với nhau nếu một buổi học gọi đến tên 3 lần mà không thấy trả lời thì xem như vắng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.