Là một người từng mắc Covid-19, tôi có hàng loạt câu hỏi muốn được giải tỏa như: khi khó thở thì cần làm gì, nên tập luyện bộ môn gì để nhanh hồi phục, chế độ ăn uống cụ thể ra sao, nếu các triệu chứng kéo dài thì thăm khám ở đâu, chi phí khám bao nhiêu… Gọi cho y tế phường thì được hướng dẫn đến các bệnh viện.
Tại phòng khám di chứng hậu Covid-19 ở Bệnh viện Chợ Rẫy |
KHÁNH TRẦN |
Tôi lục tìm trên internet và mạng xã hội, đập vào mắt là muôn bài viết về các dấu hiệu thường gặp sau khi mắc Covid-19, kèm theo cách điều trị từ hiện đại cho đến dân gian. Nhiều hội, nhóm hỗ trợ F0 trên Facebook cũng truyền nhau những “bài thuốc” được giới thiệu là phác đồ của bác sĩ nọ, chuyên gia kia nghiên cứu dành riêng cho người Việt Nam.
Nhiều bệnh viện, trường đại học chuyên về y khoa cũng đăng tải các khuyến cáo, hướng dẫn để sớm vượt qua. Nhưng giữa dòng thông tin chính thống, luôn có một lượng lớn thông tin mơ hồ, phản khoa học mà người dân bình thường khó nhận biết thật - giả. Chưa kể, nhiều bài viết, khuyến cáo còn rất chung chung, trong khi cơ địa, tiền sử bệnh tật mỗi người mỗi khác.
Từ đầu dịch đến ngày 15.3, cả nước có hơn 6,5 triệu ca nhiễm. Nếu đối chiếu với số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính 10 - 20% bệnh nhân Covid-19 trải qua các triệu chứng kéo dài sau khi khỏi bệnh, thì có gần 1 triệu người đã và đang đối diện với các triệu chứng của hậu Covid-19 với mức độ nặng nhẹ khác nhau, và con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Bên cạnh phòng chống dịch, có lẽ ngành y tế cần thành lập một ban chuyên về khắc phục di chứng hậu Covid-19, trong đó công khai địa chỉ, giá dịch vụ để người dân không bị hoang mang, rối bời trước những “bài thuốc” truyền miệng.
Bình luận (0)