Đừng để mỗi giờ học toán là một nỗi hãi hùng: Phải thay đổi từ thi cử

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
10/11/2022 07:05 GMT+7

GS Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình môn toán trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cho rằng nhân tố quyết định cần giải quyết là cách thức thi cử, nếu không tất cả mục tiêu đổi mới sẽ 'đổ xuống sông xuống biển'.

Toán học không được trở thành “xa xỉ phẩm”

GS Đỗ Đức Thái cho rằng để học sinh (HS) không sợ học toán thì nguyên tắc căn bản trong giáo dục là phải tạo dựng được niềm tin cho người học và cho cha mẹ HS về giá trị toán học đem lại cho cuộc đời đứa trẻ sau này. Nếu không tạo dựng được điều đó thì sẽ biến toán học trong trường phổ thông thành một thứ cưỡng bức, buộc phải học do điểm số, do thi cử. Khi HS học để đối phó thì gắn liền với tâm lý sợ hãi.

GS Đỗ Đức Thái

Hà Ánh

Điều thứ hai, để thuyết phục, minh chứng học vấn toán học là cần thiết thì chương trình môn toán ở phổ thông phải thay đổi, phải đi theo hướng đem lại sự thiết thực cho cuộc đời HS sau này.

Chương trình môn toán 2018 đã cố gắng chuyển đổi thể hiện ý đồ, triết lý đó với 2 tinh thần lõi: học toán để thông minh hơn và để có năng lực giải quyết vấn đề tốt hơn. Chương trình môn toán cố gắng thực hiện để cho HS thấy những kiến thức mà HS được học, được trang bị ở nhà trường phổ thông xuất phát từ thực tiễn, là khái quát, phổ quát những hiện thực thực tiễn và nó sẽ quay trở lại giải quyết những vấn đề thực tiễn chứ không phải là sản phẩm của một tư duy trừu tượng, của một thứ từ “trên trời rơi xuống”.

Nếu tiếp tục chương trình biên soạn một đằng mà thi cử một nẻo thì dẫn tới tình trạng có thể ví là “một người xúc đất đổ vào còn một người xúc đất đổ đi”.

GS Đỗ Đức Thái

Trong nhà trường phổ thông, toán là một trong những môn học tốt nhất cho phép chúng ta khơi nguồn sáng tạo cho người học. Vì vậy, tôi luôn nhấn mạnh: toán học dứt khoát phải được dạy và dành cho mọi người, mọi trẻ em trên mọi vùng miền. Toán học dứt khoát không được trở thành xa xỉ phẩm dành riêng cho một số nhóm HS.

Ông đánh giá ra sao về tính khả thi mà những mục tiêu của chương trình đề ra vào được SGK và đến bài giảng, giờ dạy toán của giáo viên (GV)?

Tôi thấy rằng các bộ SGK đã cố gắng thể hiện tinh thần đó của chương trình. Cũng không thể nói mọi việc đã được thể hiện một cách thấu đáo, vẫn còn điều này, điều khác SGK chưa truyền tải được hết mục tiêu mà chương trình theo đuổi.

Từ SGK đến bài giảng của GV thì đúng là vẫn còn một khoảng cách, nhưng theo thời gian, tôi tin rằng các thầy cô sẽ quen hơn, lưu tâm đến vấn đề đó hơn… Ban soạn thảo chương trình môn toán năm 2018 nói riêng và toàn thể chương trình phổ thông 2018 nói chung mong muốn các thầy cô thay đổi cách giảng dạy.

Môn toán theo chương trình mới cho học sinh thấy những kiến thức được trang bị ở nhà trường xuất phát từ thực tiễn

ĐÀO NGỌC THẠCH

Cách thi trắc nghiệm, mẹo mực là vô cùng tai hại

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về cách thức thi cử, cách các phụ huynh, nhà trường chuẩn bị cho kỳ thi này khiến môn toán trở thành nỗi khiếp sợ của HS. Ông có cho rằng cách thức thi cử là quan trọng?

Nhân tố quyết định mà theo tôi nếu không giải quyết được thì tất cả những gì tôi vừa nói ở trên sẽ “đổ xuống sông xuống biển” hết. Đó là vấn đề thay đổi và đánh giá giáo dục.

Việc thi trắc nghiệm môn toán như chúng ta đang tiến hành ở kỳ thi THPT quốc gia là vô cùng tai hại. Nếu muốn biến chương trình thành hiện thực cuộc sống thì phải được thể hiện qua bài giảng của GV chứ quyển SGK nó không thể biến thành hiện thực được. Thế nhưng bài giảng của GV, giờ học của HS lại phụ thuộc rất nhiều vào chuyện nay mai, cuối năm, cuối cấp con sẽ thi cái gì. Không một GV nào dám dạy những thứ hay ho mà kỳ thi không đề cập đến.

Cách thức thi trắc nghiệm khiến cho HS nếu không phải khoanh do “làm tắt, nghĩ tắt, bỏ qua bản chất” thì sẽ là khoanh bừa. Các em chọn đáp án mà chẳng hiểu cốt lõi bản chất của vấn đề đó. Như vậy, lối thi trắc nghiệm không những không góp phần rèn luyện mà còn làm hỏng phẩm chất của HS. Dạy HS trung thực là một trong 6 phẩm chất bắt buộc của chương trình phổ thông mới. Hãy để HS trung thực và có trách nhiệm khi làm bài thi của mình, hãy để các em có môi trường kết nối học cùng trải nghiệm.

Chúng ta phải dồn sức để làm sao quyết tâm thay đổi được thi cử. Việc thi bằng hình thức trắc nghiệm, Hội Toán học VN đã có văn bản, làm việc rất kiên quyết với lãnh đạo Bộ GD-ĐT để phản ứng việc này nhưng mọi việc vẫn rơi vào im lặng.

Thí sinh tham gia làm bài thi môn toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

đào ngọc thạch

Kể cả thi tự luận thì theo ông, những bài toán mẹo mực để thi tuyển HS giỏi có cần thiết không?

Tôi cho rằng kể cả việc thi tuyển sinh vào trường chuyên, thi HS giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển đi thi Olympic toán quốc tế thì những đề thi tôi thấy ngày càng trở nên lắt léo. Nói như GS Phùng Hồ Hải là rất đúng, nó là tổng hợp của 2 - 3 bài toán dồn vào một bài. Nó không làm cho HS thông minh hơn và không đánh giá được độ thông minh của HS. Cũng cần phải thay đổi triệt để chỗ ấy.

Tuy nhiên, khi xây dựng chương trình thì người làm chương trình cũng phải đề ra những thay đổi về kiểm tra đánh giá để có thể phù hợp với mục tiêu chương trình mới?

Chúng tôi chỉ có thể đưa ra những nét đại cương nhất về đánh giá thôi, còn chương trình không thể quy định quá chi tiết như: việc thi lớp 12 thì theo hình thức gì, dạng bài như thế nào… Bởi chương trình là một văn bản khoa học, chỉ đạo về mặt chương trình, còn chuyện thi cử thì liên quan đến quản lý nhà nước về kiểm định, đánh giá, bảo đảm chất lượng.

Nếu tiếp tục chương trình biên soạn một đằng mà thi cử một nẻo thì dẫn tới tình trạng có thể ví là “một người xúc đất đổ vào còn một người xúc đất đổ đi”. Và cái xẻng đổ vào thì rất nhỏ mà xẻng đổ đi thì rất lớn.

Đề thi tốt nghiệp THPT mà có những câu cho rằng để phân hóa HS lại được viết một cách mẹo mực thì rất tác hại tới tư duy toán học của HS và vượt xa đòi hỏi của chương trình 2018 đặt ra. Chúng tôi không bao giờ đòi hỏi cách kiểm tra đánh giá như vậy. Người làm đề thì lý giải nếu tất cả đều 10 điểm thì biết chọn ai. Tuy nhiên, điều cần làm là ra đề để phân loại được HS theo đúng tinh thần của chương trình mới, đó là đánh giá năng lực, tư duy… mà tôi đã nói ở trên.

Đặc điểm môn toán theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Môn toán ở trường phổ thông góp phần hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực HS; phát triển kiến thức, kỹ năng then chốt và tạo cơ hội để HS được trải nghiệm, áp dụng toán học vào đời sống thực tiễn; tạo dựng sự kết nối giữa các ý tưởng toán học, giữa toán học với thực tiễn, giữa toán học với các môn học khác. Để hiểu và học được toán, chương trình toán ở trường phổ thông cần bảo đảm sự cân đối giữa “học” kiến thức và “áp dụng” kiến thức vào giải quyết vấn đề cụ thể.

Môn toán là môn học bắt buộc và được phân chia theo 2 giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản: giúp HS nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lý, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ học tập tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: giúp HS có cái nhìn tương đối tổng quát về toán học, hiểu được vai trò và những ứng dụng của toán học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến toán học để HS có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này, cũng như có đủ năng lực tối thiểu để tự mình tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời. Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, trong mỗi năm, những HS có định hướng khoa học tự nhiên và công nghệ được chọn học một số chuyên đề.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.