“Cách đây 20 năm, nhà nước mới chấp nhận công ty sản xuất, hãng phim tư nhân. Và dòng phim độc lập thực sự chỉ xuất hiện khoảng 10 năm trước. Chúng ta mới có những cái mầm đầu tiên, phải tìm cách để chúng lớn lên, được hiển lộ như các nước khác đã làm, chứ đừng vừa có đã vùi dập ngay”, đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận.
Ông Di là một trong những đạo diễn, nhà sản xuất trong nước, bên cạnh những vị khách nước ngoài đến từ Liên hoan phim (LHP) quốc tế Berlin (Đức) và Busan (Hàn Quốc) tham gia hội thảo trực tuyến Ai góp ý giơ tay 2 (ngày 2.10).
Phim Cha và con và… của Phan Đăng Di được chọn tranh giải chính thức tại LHP Berlin năm 2015 |
TL |
Để phim đi đến đích xa nhất có thể
Cách đây 2 năm, phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy đoạt giải New currents (Những làn sóng mới) tại LHP Busan từng bị cho rằng “có những thông tin tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị”. Anh không hiểu vì sao bộ phim bắt đầu với tinh thần vô tư của chàng trai mới hơn 20 tuổi lại bị suy diễn đến mức như vậy. “Chất liệu để tôi tạo nên Ròm chính là cuộc sống của gia đình mình tại xóm lao động ở khu Thị Nghè (TP.HCM)”, Huy nói.
Chúng ta cần có nhiều phim với nhiều giọng điệu hơn, điện ảnh đa tiếng nói hơn, nhiều biểu đạt mới hơn. Đó mới là cách để đưa phim Việt ra thế giới nhiều hơn
“Tôi xem phim ở mặt hình ảnh, âm thanh, nhịp dựng của phim và cảm nhận được sự chân thành, tính tác giả, tính sáng tạo. Đó là những yếu tố khiến tôi xúc động trong trái tim và tâm trí. Thực sự, khi xem, tôi không nghĩ gì đến chính trị hay câu chuyện văn hóa này kia, mà chỉ nhìn nhận ở giá trị nghệ thuật như khi xem xét những bộ phim đến từ những quốc gia khác”, ông Park Sungho, Giám tuyển LHP Busan, cũng là người đã lựa chọn Ròm tham dự một trong những LHP hàng đầu châu Á này, nhìn nhận. Đạo diễn Phan Đăng Di thì cho rằng đã đến lúc “VN cần thiết phải có bộ tiêu chí riêng như ở những LHP lớn khi duyệt phim dự quốc tế, cần hiểu thực tế của các nhà làm phim, cần tạo điều kiện để phim đi đến đích xa nhất có thể”.
Cần những tiếng nói đa dạng
Lịch sử điện ảnh thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp phim được giải thưởng quốc tế nhưng lại vướng kiểm duyệt ở ngay đất nước của nhà làm phim. Nhà báo Lê Hồng Lâm nhắc lại nhiều bộ phim của những đạo diễn nổi tiếng điện ảnh Hoa ngữ, trong đó có thể kể đến Bá vương biệt Cơ của Trần Khải Ca từng bị cấm chiếu, dù giành giải Cành cọ vàng của Cannes năm 1993. Một năm sau đó, bộ phim Phải sống của Trương Nghệ Mưu thắng giải Grand Prix cũng vướng vào kiểm duyệt… Ngoài ra, nhiều phim của các đạo diễn như Khương Văn, Lâu Diệp, Giả Chương Kha, Vương Tiểu Soái cũng bị kiểm duyệt hà khắc. Sau này, nhiều bộ phim đã được nới lỏng kiểm duyệt và cho phép phát hành với sự đón nhận của công chúng trong nước.
Ông Park Sungho cho hay năm 1999 được coi là năm ghi dấu lịch sử với văn hóa và điện ảnh Hàn Quốc khi chính phủ quyết định thay vì kiểm soát đã chuyển sang hỗ trợ, trong đó xóa bỏ cơ chế kiểm duyệt và thay vào đó là phân loại độ tuổi khán giả xem phim. “Trước đó, nhà làm phim tự động làm phim theo cách vừa lòng chính phủ, chứ không phải khán giả. Và như thế, phim Hàn Quốc đã bị đè bẹp trước những bộ phim của Hollywood”, ông Park Sungho nói, và cho biết chính sự thay đổi này của chính phủ đã tạo nên sự thay đổi và sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, bởi “nhà làm phim đã có thể kể những câu chuyện đa dạng hơn, khoáng đạt hơn và mang văn hóa đất nước mình đến với thế giới”.
Theo nhà báo Lê Hồng Lâm, chính sự thay đổi mang tính cách mạng này đã giúp điện ảnh Hàn Quốc hái quả ngọt tại những LHP quốc tế. “Họ mang đến những bộ phim không ngại cực đoan khi chạm đến những vấn đề trước đây vốn bị coi là nhạy cảm như tình dục, bạo lực và thể hiện mỹ cảm, giá trị nghệ thuật, văn hóa, triết học trong đó. Dù gây sốc nhưng điện ảnh Hàn đã được thế giới nhìn nhận”, ông Lâm nói. Còn đạo diễn Phan Đăng Di bày tỏ: “Mình tương đối dễ dàng với phim nước ngoài mà lại áp đặt khuôn mẫu an toàn với phim Việt, dẫn đến cách biểu đạt ít ỏi. Chúng ta cần có nhiều phim với nhiều giọng điệu hơn, điện ảnh đa tiếng nói hơn, nhiều biểu đạt mới hơn. Đó mới là cách để đưa phim Việt ra thế giới nhiều hơn”.
Phim Ròm chiến thắng ở hạng mục New currents tại LHP Busan 2019 |
Nếu chậm, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đi mất
Theo ông Park Sungho, để điện ảnh Hàn Quốc phát triển, chính phủ còn quan tâm đến việc hỗ trợ tài chính cho điện ảnh. Một nửa trong số khoảng 300 phim Hàn Quốc ra rạp mỗi năm trước thời điểm Covid-19 được nhận hỗ trợ vốn từ quỹ của chính phủ. Trong khi đó, vừa chịu áp lực lớn từ kiểm duyệt, nhà làm phim độc lập VN còn khổ cực đi tìm tài chính cho phim mà không có sự hỗ trợ nào từ nhà nước. Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc chỉ biết “thèm thuồng” khi nhìn một nhà làm phim Thái Lan khoe chiếc vé máy bay được cơ quan nhà nước hỗ trợ đi tham dự LHP Locarno (Ý). Khi VN chưa có nổi Quỹ Điện ảnh (đã được quy định trong luật Điện ảnh từ năm 2006), giải pháp của nhiều nhà làm phim độc lập là tìm đến quỹ điện ảnh nước ngoài, hay hợp tác quốc tế (ngay cả với nhà làm phim thương mại cũng vậy).
“Hiện tại, thị trường điện ảnh trong nước đang phát triển nóng, nhu cầu về phim Việt nhiều hơn, nhưng chúng ta bị thiếu nhân sự. Việc thuê nhân sự nước ngoài là đương nhiên”, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc nói. Bên cạnh đó, điện ảnh cũng cần nguồn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên việc hợp tác này cho thấy nhiều nhiêu khê, trong nhiều trường hợp lại vô tình đẩy nhà làm phim vào tội vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, phim Ròm khi đã quay xong hết, cần hỗ trợ về phần hậu kỳ, nhà sản xuất Việt kiều Bảo Nguyễn đã đề xuất tham gia tìm nguồn tiền và nhân sự. Nhưng việc đề tên Bảo Nguyễn trên credits (danh đề) trên phim cũng có nghĩa là nhà làm phim đã vi phạm pháp luật, vì phim đã không duyệt kịch bản do “có yếu tố nước ngoài”. Cùng tình huống tréo ngoe như trên, theo đạo diễn Phan Đăng Di, việc trình duyệt kịch bản thường mất nhiều thời gian, dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài có thể bỏ đi vì không chờ được. “Cần để nhà sản xuất trong nước ký cam kết và chịu trách nhiệm, thay vì yêu cầu kiểm duyệt kịch bản”, đạo diễn Phan Đăng Di nói.
Bình luận (0)