Dừng đèn đỏ và… chết oan - Kỳ 3: Giải ra sao bài toán khó quy hoạch?

Đình Phú
Đình Phú
08/01/2019 15:00 GMT+7

Đủ loại xe đi chung làn đường; đường giao thông tới đâu khu dân cư 'mọc' lên tới đó; khu vực cảng, dân cư và khu sản xuất công nghiệp đan xen nhau khiến 'bức tranh' giao thông trở nên 'hỗn loạn'.

Đi tìm chiến lược tối ưu…

Đề cập đến vấn đề này, KTS - chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nếu làm đường dành riêng cho xe máy và đường riêng cho ô tô (tính chung xe container, xe tải, xe bồn…) vẫn chỉ là giải pháp tình thế và trước mắt; chưa thật sự là một giải pháp tối ưu trong việc quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng, đặc biệt đối với các đô thị có đông dân cư như TP.HCM, Hà Nội…

Áp lực giao thông ngày càng căng thẳng, đặc biệt đối với đô thị TP.HCM 13 triệu dân ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Chiến lược tối ưu dành cho bức tranh giao thông đô thị hiện nay, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, là phải cấp thiết đầu tư, nâng cấp, phát triển mạng lưới giao thông công cộng đồng bộ (metro, xe buýt, xe điện…), hiện đại, thuận tiện, giá rẻ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng cao theo nhịp độ phát triển kinh tế. 

“Chúng ta không thể cấm xe máy hay cấm xe ô tô cá nhân. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tính toán hạn chế nó với lộ trình phù hợp, hạn chế nó tại những khu vực đô thị 'đất chật người đông' và có hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh", KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Có đường thông thoáng để đi, an toàn là mơ ước của nhiều người dân ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Đừng bỏ bê quy hoạch, đầu tư

Tại TP.HCM, đô thị được phát triển trên nền đô thị hiện hữu có từ hàng chục năm trước. Do vậy, về mặt quy hoạch, phát triển luôn đối mặt với nhiều bất cập về hạ tầng: nhà cửa dồn nén, phân bố dày đặc trong phạm vi hẹp; đường giao thông nhỏ và khó mở rộng; mật độ dân số và cường độ lưu thông của phương tiện cao; khu vực cảng, dân cư và khu sản xuất công nghiệp đan xen nhau…  
Bầu chọn
Theo bạn, giải pháp nào để giải quyết tình trạng "đủ loại xe đi chung làn đường"?

Giải “bài toán khó” này, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng bây giờ muốn hạ tầng giao thông TP.HCM lập tức hiện đại như Nhật Bản, Singapore, Mỹ… là bất khả thi.

Do vậy, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, có 2 giải pháp cơ bản và cần phải thực hiện đồng bộ ngay từ bây giờ, cũng như trung hạn và dài hạn.

Thứ nhất, tập trung đầu tư hoàn chỉnh các đường vành đai để từng bước “tách” xe container, xe tải, xe bồn ra khỏi nội đô (giải pháp vốn, quy hoạch...). “Chiến lược” này đi kèm với việc phân bố lại khu dân cư, khu sản xuất công nghiệp, khu vực cảng…
Ùn tắc, kẹt xe cũng gây nhiều áp lực đối với lực lượng chức năng, đặc biệt là CSGT phải lo điều tiết ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Thứ hai, đối với khu vực nội đô, cần cấm hẳn xe container, xe tải, xe bồn vào giờ cao điểm. Trên những làn đường hỗn hợp (cả xe máy và ô tô con), thì tùy vào tuyến đường phù hợp, tính toán làm dải phân cách để góp phần tránh được tình trạng “đi chung” rồi thường trực nguy cơ ô tô húc xe máy từ phía sau, đặc biệt là lúc dừng đèn xanh đèn đỏ (giải pháp kỹ thuật và ý thức giao thông...).

“Những việc này không phải chúng ta không hình dung ra được, mà vấn đề quan trọng là hành động. Đừng bỏ bê quy hoạch, đầu tư, bởi đầu tư cho giao thông cũng là đầu tư cho tương lai”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

Cơ quan chức năng nói gì?

Theo một cán bộ Sở QH - KT TP.HCM, đồ án quy hoạch đô thị, giao thông của TP.HCM đã được phê duyệt và đang từng bước thực hiện, đã tính toán đến các yếu tố đặc biệt quan trọng: phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, phát triển đô thị vệ tinh để giãn dân, di dời cảng ra khỏi nội đô... Trong đó, quy hoạch và xây dựng các đường vành đai để hạn chế xe tải, container, xe bồn vào nội đô.
Từ năm 2016 đến nay, nội đô TP.HCM xảy ra nhiều vụ xe container, xe bồn, xe tải cán chết người đi xe máy ẢNH: T.N
Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, TP.HCM đã quy hoạch 3 đường vành đai. Trong đó, vành đai 1 (nay là đường Phạm Văn Đồng) đã hoàn chỉnh, có làn đường dành riêng xe máy.
Đối với đường vành đai 2, bắt đầu tư ngã tư An Sương (H.Hóc Môn) - QL1 - vòng xoay An Lạc (H.Bình Chánh) - Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ (Q.7) - Võ Chí Công (Q.2) - ngã tư Bình Thái (Q.9) - Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) đã được triển khai nâng cấp, xây dựng mở rộng, và đang hoàn thiện đoạn qua địa bàn Q.9, Q.Thủ Đức để khép kín.
Đối với đường vành đai 3 (giáp ranh các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An) dài khoảng 97 km, có kết hợp với các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Long Thành - Dầu Giây, QL22; hiện đã thi công, hoàn chỉnh một số đoạn, như đoạn Tân Vạn (Đồng Nai) - Mỹ Phước (Bình Dương)...
Ông Trần Quang Lâm cho hay theo quy hoạch, thì các tuyến vành đai đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, do có khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nên vành đai 2 và vành đai 3 đang tiếp tục được đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.