Việc Bộ GD-ĐT đưa đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT với nhiều thay đổi lớn ngay trong năm nay rõ ràng là một bất ngờ, bởi nếu nhìn theo lộ trình đổi mới mà Bộ đề ra, mọi người nghĩ rằng sự thay đổi, nếu có, chỉ diễn ra sau năm 2015 - khi thực hiện chương trình sách giáo khoa mới.
Công bằng mà nói, dự thảo đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp Bộ vừa đưa ra lấy ý kiến là một sự đột phá, có nhiều ý nghĩa. Điều đó cho thấy lãnh đạo Bộ quyết tâm đổi mới, chịu khó lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, dự thảo với 2 phương án cũng còn nhiều điều gây lo ngại, đặc biệt nhiều khả năng xảy ra tiêu cực nếu không có được những khảo sát đáng tin cậy.
Ngoại ngữ là môn bắt buộc, tự chọn hay khuyến khích là một trong những điểm gây tranh luận sôi nổi. Ban đầu, theo dự thảo, đây chỉ là môn khuyến khích để thí sinh cộng thêm điểm. Nhiều ý kiến không đồng tình cho rằng như vậy sẽ không khuyến khích, tạo động lực cho học sinh học ngoại ngữ - một trong những công cụ cần thiết trong xã hội hiện nay. Ngoài ra, điều này cũng đi ngược lại với những nỗ lực phát triển dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông (chẳng hạn như Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 với kinh phí dự toán khoảng 9.400 tỉ đồng) mà Bộ kiên trì thực hiện.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng khi ngoại ngữ không là môn tự chọn hoặc bắt buộc thì sẽ thúc đẩy học sinh học và thi thực chất. Khi không bị ràng buộc về điểm số, cả người dạy và học đều không bị áp lực để học kiểu đối phó, hình thức như lâu nay. Thế nhưng, điều này chỉ có thể thực hiện được nếu cách thi và khảo sát mới lạ, đề thi ra theo hướng giúp học sinh học và phát huy đủ 4 kỹ năng nghe- nói- đọc- viết, thoát khỏi kiểu học ngoại ngữ lâu nay ít hiệu quả.
Dư luận lo âu nhiều trước quy định tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp cho những học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt và điểm xét tốt nghiệp hay xếp loại tính cả điểm trung bình năm lớp 12 sẽ tạo điều kiện cho các trường, địa phương phát sinh tiêu cực.
Do tình hình giảng dạy ở các địa phương, thậm chí ở từng trường khác nhau nên sẽ không tránh khỏi nơi này, nơi khác nâng tỷ lệ học sinh giỏi để đủ tiêu chuẩn miễn thi. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng không công bằng cho những học sinh ở trường dạy tốt học tốt thực chất. Họ sẽ bị thiệt thòi khi có thể giỏi hơn học sinh trường/địa phương khác nhưng lại không được miễn thi. Cũng như thế, nhiều người lo ngại việc tính điểm trung bình năm lớp 12 vào điểm xét tốt nghiệp sẽ khiến các trường nâng điểm học sinh trong năm học này.
Nhìn vào thực trạng giáo dục hiện nay rõ ràng những lo âu này là có cơ sở. Thế nhưng những thay đổi này là bước đi hợp lý để tiến đến đổi mới hoàn toàn cách đánh giá thi cử không toàn diện như hiện nay. Lâu nay chúng ta luôn cho rằng không thể đánh giá kết quả học tập của học sinh chỉ qua một kỳ thi mà phải là cả một quá trình. Vậy thì việc tính điểm trung bình lớp 12 vào kết quả thi tốt nghiệp là bước đệm để tiến tới xem xét kết quả của cả 3 năm phổ thông. Vấn đề còn lại là cách thức thực hiện sao cho không nảy sinh tiêu cực.
Đến đây phải nhắc lại một điều quan trọng nhất trước bất kỳ sự đổi mới nào. Đó là phải triệt để và đồng bộ. Nghĩa là những đổi mới này chỉ có giá trị thật sự, hiệu quả rõ ràng khi đi cùng với thay đổi quan niệm về cách dạy - học, đánh giá học sinh, nhà trường.
Chỉ khi nào tỷ lệ tốt nghiệp không còn là chỉ tiêu thi đua, báo cáo thành tích của từng trường, từng địa phương; việc dạy và học thực chất vì nhu cầu tự thân hơn là vì điểm số thì những đổi mới về mặt kỹ thuật này mới có giá trị.
Thùy Ngân
Bình luận (0)