Đứng lên từ bom đạn

16/07/2022 08:00 GMT+7

Thành lập ngay sau ngày thống nhất đất nước, Công ty cao su Chư Păh (H.Chư Păh, tỉnh Gia Lai) được xem là một trong những công ty trồng cao su đầu tiên ở Tây nguyên. Những ngày đầu thành lập, công ty đối diện với hàng loạt khó khăn từ mối nguy bom đạn cho đến những kẻ thù rình rập.

Tiếng đạn bom trên nông trường

Ông Phạm Đình Luyến, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Chư Păh, kể rằng tiền thân của công ty là Nông trường cao su Ninh Đức được thành lập năm 1976 trực thuộc Ty Nông nghiệp tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Nông trường thành lập trên cơ sở tiếp quản 220 ha cao su trồng từ năm 1960 của chế độ cũ.

Cầu Đăk Pơ Tơng do Công ty cao su Chư Păh đầu tư xây dựng

Đức Nhật

Bộ khung của nông trường phần nhiều là bộ đội phục viên được điều động từ các nông trường ở Thanh Hóa, Nghệ An với nhiệm vụ chính là xây dựng vùng kinh tế mới. Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng hơn cả của công ty là hình thành thế trận quốc phòng - an ninh ở một vùng biên giới phía tây bắc tỉnh Gia Lai.

Huyện Chư Păh là nơi từng diễn ra nhiều trận chiến. Sau ngày đất nước thống nhất, trên mảnh đất này còn rải rác rất nhiều bom đạn sót lại. Để có những mảnh đất đầu tiên ươm giống trồng cây, cán bộ và công nhân viên nông trường lúc bấy giờ vừa phải tháo gỡ bom mìn để cải tạo vùng đất bạc màu; vừa phải xây dựng lực lượng tự vệ tại chỗ để chiến đấu, truy quét bọn phản động. Lúc bấy giờ, tình hình chưa ổn định, những toán quân Fulro cứ thoắt ẩn thoắt hiện giữa núi rừng.

Sự kiện đau lòng nhất là vào ngày 20.7.1980, Fulro đã tấn công và giết 7 người, bắn bị thương hàng chục người là cán bộ, công nhân và phá hoại nhiều tài sản của công ty.

Ngoài việc phải đối diện với bom mìn, rừng thiêng nước độc cũng đã gây không ít khó khăn, bệnh tật cho các cán bộ, nhân viên vào những buổi đầu xây dựng. Nhiều cán bộ, công nhân đã nằm lại giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn nắng gió. Những thế hệ cán bộ đầu tiên đi xây dựng nông trường đã để lại tên tuổi của mình như một dấu son trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của công ty.

Chuyện ở rừng le

Nằm cách trung tâm huyện lỵ Chư Păh gần 40 km, Nông trường cao su Hà Tây được xem là một trong những điểm sáng của công ty. Ngược về những ngày xưa cũ, ông Luyến kể rằng, trước đây xã Hà Tây là những rừng le bạt ngàn. Người dân bản địa từ lâu đã quen với lối sống du canh du cư. Cũng bởi vậy, cuộc sống chỉ xoay quanh phá rừng, đói nghèo và lạc hậu.

Hơn 10 năm làm việc ở công ty, cuộc sống của chị Blưn cùng dân làng đã có nhiều đổi thay

Đức Nhật

“Bà con không ở yên một chỗ, năm nay chọc trỉa chỗ này, mai lại chọc trỉa chỗ khác. Canh tác được vài năm, đất xấu đi thì bà con lại chuyển sang vùng mới. Bởi vậy, rừng ở đây chỉ là rừng nghèo kiệt, đất bạc màu khó canh tác”, ông Luyến kể.

Ưu đãi từ thiên nhiên đã tạo cho người dân những cánh rừng le ngút ngàn tầm mắt. Họ xem măng le như thứ sản vật mà đất trời ban tặng. Do đó việc vận động người dân chuyển đổi từ cây le sang cây cao su là một nhiệm vụ khó khăn.

“Người dân sống bằng măng le, xem măng là đặc sản. Nên ban đầu khi thấy công ty về vận động tham gia trồng, chăm sóc cao su, người dân luôn từ chối. Vì cây măng có thể giải quyết cái ăn trước mắt, còn cao su thì không”, ông Luyến nhớ lại.

Để thực hiện trồng cao su, năm 2001 công ty phối hợp chính quyền địa phương tìm đến những người uy tín để vận động. Đồng thời cũng cam kết tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế cho bà con. Không chỉ vậy, công ty còn đưa những công nhân người đồng bào thiểu số có tay nghề từ các nông trường khác về Nông trường Hà Tây làm mẫu. Khi thấy những công nhân này có thu nhập cao, người dân cũng không còn nghi ngờ nữa. Mưa dầm thấm lâu, người dân bản địa cũng bắt đầu tin tưởng và xin vào công ty.

Để đưa người đồng bào vào làm công nhân, công ty đã chú trọng công tác đào tạo trên nhiều lĩnh vực. Các lớp dạy văn hóa được công ty tổ chức thường xuyên để từng bước xóa mù chữ cho công nhân. Trang bị cho họ kiến thức nền tảng để có thể tiếp thu các kỹ thuật cơ bản trong quy trình sản xuất, chăm sóc, khai thác cây cao su.

Do vậy, các lớp đào tạo cạo mủ cao su đã tăng dần tỷ lệ tham gia của học viên người dân tộc thiểu số. Khi trình độ văn hóa và tay nghề chuyên môn được nâng cao thì thu nhập và đời sống của công nhân cũng được cải thiện.

Từ khâu chăm sóc đến khai thác, những cán bộ chuyên môn của công ty đã dìu dắt hướng dẫn để công nhân vượt qua khó khăn, bỡ ngỡ của buổi ban đầu. Không ai nghĩ rằng những đôi tay thô ráp, sần sùi chỉ quen đốt rừng, phát rẫy, quen chọc lỗ trỉa lúa nương sẽ sử dụng thành thạo con dao cạo mủ cao su vốn đòi hỏi sự cần cù, tỉ mẩn.

Đến nay sau hơn 21 năm xây dựng, từ chỗ là rừng le bạc màu, công ty đã chuyển đổi và mở rộng diện tích vườn cao su tại xã Hà Tây lên hơn 1.390 ha. Trước lợi nhuận từ cây cao su, người dân trên địa bàn xã cũng đã nuôi trồng, chăm sóc hơn 400 ha cao su tiểu điền.

Đổi thay vùng sâu vùng xa

Chị Blưn (28 tuổi, làng Kon Pơ Nang, xã Hà Tây) cho biết đã làm công nhân của công ty hơn 10 năm nay. Từ ngày vào làm công nhân, cuộc sống của gia đình chị đã khởi sắc hơn trước rất nhiều. Với mức lương trên 9 triệu đồng mỗi tháng, chị Blưn được xem là người thành đạt nhất trong làng.

Căn nhà truyền thống nơi ghi nhớ công ơn của các cán bộ, công nhân đã ngã xuống trong thời kỳ xây dựng Công ty cao su Chư Păh

Đức Nhật

“Trước đây ông bà, cha mẹ mình chỉ biết trồng mì, trồng lúa, và cứ mấy năm lại chuyển làng một lần. Ngày rảnh rỗi thì đi làm thuê, làm mướn. Không có việc gì thì rủ nhau uống rượu, cuộc sống rất bấp bênh. Từ khi đi làm công nhân, dân làng có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống cải thiện rất nhiều”, chị Blưn nói.

Nói về những đóng góp của công ty, lãnh đạo UBND xã Hà Tây cho biết, xã có 9 thôn làng với 5.000 nhân khẩu. Trong đó chỉ có làng Kon Sơ Lăl là dân gốc. Còn lại 8 thôn làng khác chủ yếu là người từ các địa phương khác du canh du cư tới.

“Nếu không có công ty cao su đứng chân trên địa bàn thì xã Hà Tây không thể thay đổi như ngày hôm nay. Thời điểm đường sá đi lại khó khăn, công ty đã tiến hành nâng cấp cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm. Không chỉ vậy, công ty còn cấp, phát giống cho bà con trồng cao su tiểu điền. Từ chỗ là rừng le đất cằn, hoang hóa đến nay mỗi hộ trong xã đều sở hữu 1 vườn cao su của riêng mình. Hộ nào cũng có thu nhập 200 - 300 ngàn đồng mỗi ngày”, vị lãnh đạo UBND xã Hà Tây nói.

Ổn định sinh kế cho hàng ngàn đồng bào

Trải qua gần 47 năm xây dựng và phát triển, đến nay công ty quản lý hơn 14.000 ha cao su trong và ngoài nước. Hầu hết những vùng trồng cao su là vùng đất trống, đồi núi trọc, bạc màu nằm ở vùng sâu, vùng xa. Đây là những nơi cơ sở hạ tầng chưa phát triển, điều kiện giao lưu kinh tế - văn hóa còn nhiều hạn chế.

Công ty đang quản lý trên 2.300 công nhân. Trong đó công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%. Mỗi năm công ty đạt doanh thu trên 300 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 17 tỉ đồng.

Ghi nhận quá trình phấn đấu và thành tích đạt được của công ty, Chủ tịch nước, Chính phủ, các Bộ ngành ở Trung ương và địa phương trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó có các danh hiệu: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến công hạng nhì, ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì, ba…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.