Dùng mật không “bổ ngang” cũng “bổ dọc”?

08/02/2010 14:22 GMT+7

Tôi được người bạn cho một miếng mật gấu và dặn mỗi ngày uống chừng nửa hạt gạo sức khỏe sẽ được tăng cường, ngủ ngon, tiêu hóa tốt... Bạn tôi đã dùng rất nhiều loại mật khác nhau từ mật rắn, mật trăn, mật cá lóc... và cho rằng loại mật nào cũng tốt cho sức khỏe. Theo bác sĩ, điều này có đúng không? T.Nga (TP.HCM)

Mật trăn, mật heo, mật bò, mật rắn đều được dùng làm thuốc chữa bệnh, nhưng mật gấu được đánh giá là tốt hơn cả và đắt tiền. Tuy nhiên, cũng cần nắm rõ dược tính của chúng trước khi sử dụng. Khi dùng trên lâm sàng, các loại mật động vật đều được cảnh báo là cần phải có sự chỉ định của thầy thuốc, không nên tùy tiện sử dụng.

- Mật gấu được ghi nhận có tác dụng tốt trên hệ tiêu hóa, tim mạch, chữa viêm khớp, viêm xoang, tiểu đường, cao huyết áp, chống mệt mỏi và làm thuốc giảm đau hiệu quả, đặc biệt là đau do ung thư.

- Mật trăn vị đắng, tính lạnh, có độc, tác dụng trừ thấp, tiêu viêm, giảm đau, bồi bổ cơ thể.

- Mật lợn vị đắng tanh, tính lạnh, tác dụng giảm đau, tiêu sưng, sát khuẩn, kích thích tiêu hóa.

- Mật cá lóc, cá trắm chữa đau họng, mắt mờ, mắt có màng, trẻ con ứ đờm, hen suyễn.

Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng làm thuốc và chữa được một số chứng bệnh như sách cổ ghi nhận, theo y học cổ truyền, mật được xem là vị thuốc chữa bệnh chứ không phải thuốc bổ. Nếu dùng mật với mục đích bổ dưỡng sức khỏe và nâng cao thể lực như một số người quan niệm là hoàn toàn sai lầm. Hiện nay nhiều người tìm mua mật gấu, mật trăn, mật cá lóc, cá trắm ở các chợ rồi nuốt sống. Cũng không ít trường hợp bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu, có trường hợp tử vong do suy gan, thận, suy hô hấp và trụy tim mạch dẫn đến hôn mê do nuốt mật cá sống. Vì là thuốc nên khi uống phải trị đúng bệnh và đúng liều lượng, nhất thiết phải có sự chỉ dẫn và theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa.

Riêng mật gấu, hiện nay trên thị trường giá thành rất cao. Theo PGS Nguyễn Khắc Hiếu thuộc Viện Công nghệ sinh học, có hai loại mật gấu ngựa và gấu chó. Mật gấu ngựa mới được dùng làm thuốc. Để tăng lợi nhuận, các hộ nuôi thường lấy mật nhiều lần bằng kim tiêm, do đó có thể gây nhiễm trùng cho gấu và làm giảm chất lượng của mật. Người tiêu dùng không thể phân biệt được mật tốt, xấu. Vì vậy việc sử dụng bừa bãi hoặc tự ý có khi không hiệu quả mà còn bị nhiễm bệnh khác, do các chất chuyển hóa xuất hiện trong mật gây độc trên gan và thận. Sử dụng nhầm mật gấu chó hoặc các loại mật cá, heo, vịt, ngan, ngỗng còn có thể bị viêm gan hoặc nhiễm các loại ký sinh trùng do các con vật này ăn hoặc uống mật của các động vật bị nhiễm bệnh.

Mật gấu ở dạng viên hoặc bột mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần khoảng một hạt gạo (0,05g) để chữa bệnh; để tẩm bổ thì lấy 0,5g pha trong 1/2 lít rượu nếp trắng uống trong 30 ngày. Cũng cần chú ý không nên dùng cho các bệnh nhân bị viêm loét dạ dày, sỏi mật và phụ nữ có thai.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.