Trước đó, các tài sản này đã được phong tỏa sau khi các cơ quan chức năng nhận được khiếu nại của ông Hà Khắc Huy, một khách hàng đã mua căn hộ PetroVietnam Landmark. Ông Huy đã khởi kiện đòi tiền Công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC Land) chủ đầu tư dự án do dự án bị đình trệ quá lâu và đã thắng kiện chủ đầu tư. Tuy nhiên, do quá trình thu hồi nợ diễn ra quá lâu, nên ông này đã yêu cầu phong tỏa tài sản của chủ đầu tư để tránh tình trạng doanh nghiệp tẩu tán tài sản.
Ngoài quyết định phong tỏa dự án của Chi cục Thi hành án Q.2, Tòa án Nhân dân TP.HCM cũng đã tuyên mở thủ tục phá sản đối với Công ty PVC Land từ một đơn kiện khác của bà Trần Thị Châu Giang, một khách hàng khác mua căn hộ tại đây. Bà Giang đã thắng kiện và được công ty trả lại tiền đợt đầu là 300 triệu đồng.
Theo ý kiến của các luật sư, quyết định tạm dừng phong tỏa dự án PetroVietnam Landmark của cơ quan thi hành án là đúng trình tự của luật Phá sản.
Theo đó, khi tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản, quyết định phong tỏa tài sản phải bị hủy để chuyển hồ sơ vụ việc về tòa giải quyết. Sau khi có quyết định dừng phong tỏa dự án, chủ đầu tư được tiếp tục hoạt động, nhưng phải chịu sự giám sát của thẩm phán và quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, luật Phá sản cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động như: cất giấu, tẩu tán, cho tặng tài sản; thanh toán khoản nợ không có bảo đảm... Trong vòng 30 ngày nếu chủ đầu tư cung cấp chứng cứ chứng minh được tài chính của mình có khả năng trả nợ, không lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán thì thẩm phán không ra quyết định mở thủ tục phá sản và ngược lại.
Bình luận (0)