Đừng rập khuôn phố đi bộ

09/08/2017 06:45 GMT+7

Nhiều chuyên gia, nhà văn hóa cho rằng nếu chỉ sao chép những thứ các phố đi bộ khác đã làm thì phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Q.Tây Hồ, Hà Nội sẽ khó hút khách.

Nếu không có gì thay đổi, ngày 19.8 sẽ đánh dấu việc Hà Nội có thêm một tuyến phố đi bộ mới tại đường Trịnh Công Sơn, Q.Tây Hồ. Con đường nằm sát hồ Tây này sẽ thành phố đi bộ từ 19 giờ 30 các tối thứ sáu, bảy và chủ nhật hằng tuần. Theo dự kiến, dọc phố có 60 gian hàng bán đồ lưu niệm, ẩm thực được dựng mô phỏng kiến trúc phố cổ Hà Nội, Hội An để phục vụ khách tham quan. UBND Q.Tây Hồ cũng sẽ mời các đội văn nghệ của các trường văn hóa - nghệ thuật tại Hà Nội tham gia biểu diễn. Các loại hình nghệ thuật truyền thống như quan họ, dân ca, múa rối nước cũng có thể được đưa vào phục vụ. “Thành phố đã giao cho UBND Q.Tây Hồ chủ trì tổ chức”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, nói.
Chủ trương hay về địa điểm và thời gian
Phó chủ tịch UBND Q.Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết đây sẽ là không gian văn hóa nghệ thuật ẩm thực với các gian hàng lưu động. Quận cũng sẽ vừa làm vừa lắng nghe để điều chỉnh cho phù hợp. Hiện tại, Phòng Kinh tế của UBND Q.Tây Hồ đã tiếp nhận đăng ký của 30 gian hàng, tổng hợp cả làng nghề lẫn quà lưu niệm. Gian hàng ẩm thực ở đây sẽ có cốm, bánh tôm Hồ Tây, xôi Phú Thượng, trà sen Quảng An. Quận cũng sẽ rà soát để không cho bán xúc xích tràn lan khu này như một số hội chợ ẩm thực đã mắc phải. “Những đặc sản trong địa bàn quận sẽ có hết”, ông Khuyến nói. Ông cũng cho biết những đơn vị cá nhân tham gia gian hàng sẽ được ưu đãi về giá mặt bằng: “Quận xác định phí theo mức của thành phố ban hành thôi. Quan trọng là để kéo mọi người đến với Tây Hồ. Đó mới là mục tiêu, để phố đi bộ tốt lên cũng chính là phát triển kinh tế cho quận”.
Họa sĩ Lê Thiết Cương, một người Hà Nội, cho rằng đây là một chủ trương hay về cả địa điểm và thời gian. “Chọn con phố đó đi bộ không ảnh hưởng nhiều đến giao thông. Khoảng thời gian được chọn cũng hợp lý”, ông Cương nói.
Không cần mô phỏng kiến trúc cổ Hà Nội
Mặc dù vậy, theo họa sĩ Cương, những chi tiết của đề án này thì còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn, ông không thể chấp nhận việc xây dựng các gian hàng đồ lưu niệm, ẩm thực phỏng theo kiến trúc phố cổ Hà Nội và phố cổ Hội An. Những ngôi nhà phố cổ thật sự đang tồn tại ở chính phố đi bộ quanh hồ Gươm. Đã có đồ thật như vậy thì hoàn toàn không cần những mô phỏng phố cổ. Thêm vào đó, các quán hàng này nếu được dựng cũng khó có thể đẹp, dựa trên kinh nghiệm từ những gian hàng du lịch nhái phố cổ từng có tại Hoàng thành Thăng Long. “Gian hàng nhái phố cổ thì không cần, kể cả nhái phố cổ Hà Nội hay Hội An đều thế. Bệnh mô phỏng này nặng quá”, ông Cương nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Mạnh, từng đoạt giải Kiến trúc sư (KTS) năm 2016 do mạng kiến trúc Ashui bình chọn, cũng cho rằng không cần phải nhái phố cổ làm gì. “Sao chép văn hóa lịch sử kiểu đó không tốt. Mình phải làm thật chứ không phải sao chép. Thậm chí là kế bên nhà thờ Đức Bà, Paris hoàn toàn có thể xây lên một công trình mới chứ không cần cái cổ. Làm cái mới tôn lên cái cổ như thế thì cái cổ mới có giá trị và cái mới mới có chỗ trong tiến trình lịch sử của đô thị”, ông Mạnh nói.
Cũng theo ông Mạnh, các tuyến phố đi bộ cũng cần có những nét văn hóa, vẻ đẹp kiến trúc khác nhau. Chẳng hạn, Hà Nội đang có một phố đi bộ là phố sách 19.12 ở Q.Hoàn Kiếm, nó có những ki ốt sách đặc thù và người ta đến đó tham gia hoạt động sách. Trên khu phố cổ đó có chợ đêm dọc Hàng Ngang, Hàng Đào lên đến chợ Đồng Xuân. Cũng có ngã ba quốc tế ở Tạ Hiện với nhiều quán ăn và bia hơi, với món đặc trưng là chim nướng, phô mai chiên. Người ta thích đến vì nó có cái riêng. “Đưa cái gì vào trong phố đi bộ thì tùy đặc thù từng nơi. Đưa cái gì vào phố đi bộ hồ Tây thì phải theo cảnh quan hồ Tây, chứ không thể copy cái cũ. Ví dụ như người ta có thể làm các dịch vụ kết nối với mặt hồ, tạo cảnh quan hài hòa. Bài toán cảnh quan cụ thể ở đó, chứ còn mang phố cổ ra đó là trật lất. Cách nghĩ sao chép phố cổ không đúng về chuyên môn kiến trúc”, ông Mạnh nói.
Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, người đã tái tạo nhiều không gian xưa trong các chương trình biểu diễn, trong đó có Giai điệu tự hào, đưa ý kiến: “Tốt nhất là nên tổ chức cuộc thi thiết kế gian hàng cho phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Các kiến trúc sư sẽ có giải pháp xanh và gọn nhẹ để có thể sử dụng tại đây, quan trọng hơn nó cũng phù hợp với không gian xung quanh”.
Nên tạo nét riêng để hút khách tham quan
Các hoạt động đưa vào phố đi bộ Trịnh Công Sơn cũng khiến nhiều người chưa yên tâm lắm về khả năng tạo nét riêng để hút khách, đặc biệt là khách du lịch. “Quan họ, dân ca, múa rối nước mọi người có thể xem quanh hồ Gươm rồi. Cái đó không nên làm ở đây. Theo tôi nên là nhạc Trịnh và tân nhạc”, họa sĩ Lê Thiết Cương gợi ý.
Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt cho rằng Tây Hồ có khá nhiều món ngon đặc sản. “Chúng ta có nhiều món đặc sản của quận Tây Hồ như sen hồ Tây, trà sen, xôi Phú Thượng. Ngay cả làng xôi Phú Thượng cũng có một đặc sản nữa là bánh đa kê. Tuy nhiên, do nghề làm xôi có nhiều thu nhập hơn nên giờ họ chủ yếu làm xôi, bỏ làm bánh đa kê. Người bán bánh đa kê ở Hà Nội bây giờ phần nhiều lại là người ở vùng khác tới học nghề đó ở Phú Thượng, thậm chí thuê trọ tại đây luôn. Quan trọng là làm thế nào để quảng bá văn hóa riêng của vùng, như thế người ta mới cất công đến. Có thể tổ chức các hoạt động giới thiệu, dạy nấu xôi, dạy làm bánh đa kê. Cũng có thể tổ chức dạy ướp trà sen, hay cách nấu chè sen. Đây chính là điều mà ở không gian đi bộ quanh hồ Gươm chưa có”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.