Trong tiến trình tắt sóng 2G nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, mới đây Bộ Thông tin - Truyền thông đã ra thông tư về việc quy hoạch băng tần tại Việt Nam. Theo nội dung Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT ngày 30.4.2024 và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT ngày 10.5.2024, kể từ ngày 16.9.2024, giấy phép sử dụng các băng tần để phát sóng 2G (băng tần 880-915 MHz và 925-960 MHz và băng tần 1710-1785 MHz và 1805-1880 MHz) không được cung cấp dịch vụ cho các thiết bị đầu cuối 2G only (trừ thiết bị truyền tải dữ liệu M2M hoặc tại các khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhà giàn DK).
Điều này đồng nghĩa với việc tất cả các thiết bị điện thoại di động 2G only (kể cả máy hợp quy và không hợp quy) sẽ không thể truy cập mạng viễn thông và không thể dùng để liên lạc kể từ ngày 16.9.2024. Để có thể tiếp tục sử dụng sau thời điểm này, người dùng cần chuyển đổi lên thiết bị công nghệ cao hơn 4G/5G.
Vẫn còn 12 triệu thuê bao 2G trên cả nước
Nhìn vào chiếc điện thoại sắp thực sự trở thành "cục gạch", chị Nguyễn Thị Hải (33 tuổi, Bình Thuận) tỏ ra bất an. Là một lao động tự do, thu nhập không ổn định nên với chị, khoản tiền vài triệu đồng để đổi điện thoại không phải là con số nhỏ. "Nhu cầu của tôi chỉ là nghe gọi thôi, chủ yếu là gọi về cho gia đình ở quê. Giờ phải đổi sang điện thoại đời mới, vừa đắt đỏ vừa không quen". Người phụ nữ quê Bình Thuận dự định khi nào không thể dùng được nữa thì sẽ mua lại một chiếc điện thoại cũ cho đỡ tốn kém.
Ông Nguyễn Văn Minh (43 tuổi, Bình Thuận) lại có lý do khác. Mặc dù đã biết tới thông tin Nhà nước sẽ dừng sóng 2G từ trước. Tuy vậy, ông vẫn chưa đổi điện thoại mới bởi một chiếc điện thoại chỉ có tính năng nghe gọi nhưng pin "trâu" vẫn phù hợp cho đặc thù công việc kinh doanh của ông. "Điện thoại 'cục gạch' này là phương tiện làm ăn của tôi, do đặc thù công việc nên liên lạc rất nhiều, lại hay di chuyển, một chiếc smartphone đùng cái hết pin, sập nguồn là không phù hợp", ông Minh cho biết.
Tính đến tháng tháng 4.2024, Việt Nam vẫn còn khoảng 12 triệu thuê bao đang dùng 2G. Đa phần người dùng là người cao tuổi, người dân lao động tự do, và những đối tượng có thu nhập thấp. Ngoài rào cản về tài chính, họ cũng gặp khó khăn khi làm quen với một thiết bị công nghệ hiện đại, hoặc do đặc thù công việc.
Về phía các nhà mạng, phần lớn chỉ mới tiếp cận người dùng thông qua các chương trình chính sách ưu đãi cho khách hàng bằng cách tiếp xúc trực tiếp hoặc thông qua hệ thống quảng cáo truyền thông nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, bên cạnh sự nỗ lực từ các đơn vị cung cấp dịch vụ thì sự tham gia của các cấp chính quyền, các hội tại địa phương như hội nông dân, hội người cao tuổi… trong việc truyền thông tới người dân, là rất cần thiết.
Nhiều chính sách hỗ trợ người dùng chuyển đổi
Với trách nhiệm của một đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số, đồng thời là nhà mạng có số lượng thuê bao 2G lớn nhất, Viettel đã sớm đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng chuyển đổi.
Hiện tại nhà mạng đang hỗ trợ cung cấp máy 4G giá rẻ cho khách hàng với các dòng điện thoại 4G có tính năng nghe gọi cơ bản với giá chỉ từ 390 nghìn đồng/máy, giảm giá tới 50% các dòng Smartphone Samsung, chỉ còn hơn 1 triệu đồng/máy. Đặc biệt Viettel sẵn sàng tặng máy 4G khi khách hàng cam kết sử dụng dịch vụ cùng nhà mạng trong 6 - 12 tháng.
Không dừng lại ở việc trợ giá thiết bị, Viettel còn mang đến nhiều dịch vụ với chi phí hấp dẫn, giúp khách hàng sau khi chuyển đổi lên 4G sẽ được trải nghiệm những tiện ích công nghệ. Theo đó, nhà mạng sẽ dành tặng khách hàng 1 tháng miễn phí sử dụng data 4G (28GB data sử dụng trong 28 ngày) và 12 tháng miễn phí sử dụng dịch vụ truyền hình giải trí TV360 gói basic khi chuyển đổi 2G lên máy 4G bất kỳ.
Với nhiều chương trình hỗ trợ kịp thời, Viettel không chỉ khẳng định vị thế của Tập đoàn viễn thông hàng đầu Việt Nam mà còn cho thấy mong muốn trở thành người bạn đồng hành tin cậy, luôn hỗ trợ khách hàng để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghệ số.
Bình luận (0)