Đừng tạo cơ hội cho sai phạm

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
30/08/2024 04:10 GMT+7

Việc Bộ GD-ĐT dự kiến tăng tỷ lệ xét tốt nghiệp THPT bằng kết quả học bạ 3 năm THPT gây bất ngờ với dư luận xã hội, nhưng những người "trong cuộc" đã lờ mờ nhận ra kỳ thi này có thể không còn một mục tiêu duy nhất như tên gọi của nó.

Dư luận khó hiểu bởi "làn sóng" phản ứng sử dụng kết quả học bạ trong xét tuyển đang ngày càng tăng. Chính Bộ GD-ĐT nhiều năm nay cũng thực hiện việc đối sánh giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ của từng môn. Khi mới thực hiện, Bộ GD-ĐT cũng công khai kết quả đối sánh để xã hội cùng giám sát và "nhắc nhẹ" những địa phương có kết quả chênh lệch, có điểm thi thấp hơn nhiều so với điểm học bạ cần xem lại quá trình dạy học và kiểm tra, đánh giá của mình.

Kết quả đối sánh năm nào công bố cũng khiến dư luận lo lắng bởi ở tất cả các môn, dù mức độ khác nhau nhưng điểm thi đều thấp hơn so với điểm học bạ. Ở một số môn, địa phương dẫn đầu về điểm học bạ lại gần "đội sổ" ở điểm thi hoặc ngược lại.

Phía Bộ GD-ĐT do vậy đã phải điều chỉnh giảm tỷ lệ xét tốt nghiệp THPT bằng học bạ (lớp 12) xuống 30% thay vì 50% như trước. Tuy nhiên, phương án xét tuyển sớm của các trường ĐH vẫn dùng điểm học bạ kết hợp nên lo ngại về tình trạng "chạy điểm" ở THPT vẫn hiện hữu, thách thức mục tiêu "học thật, thi thật, chất lượng thật" của ngành giáo dục.

Thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa đưa ra giải thích chính thức về dự kiến nâng tỷ lệ xét tốt nghiệp THPT bằng kết quả học bạ. Tuy nhiên, một số nhà giáo, chuyên gia giáo dục đã suy đoán việc này có thể do Bộ GD-ĐT chủ trương tăng độ khó của đề thi để các trường ĐH tin dùng kết quả ấy trong tuyển sinh nhưng vẫn muốn duy trì tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở mức cao.

Kỳ thi "2 trong 1" với tên gọi "kỳ thi THPT quốc gia" vừa dùng để xét tốt nghiệp THPT, vừa tuyển sinh ĐH thực hiện từ năm 2015 đem lại một số điểm tích cực nhưng rồi dần bộc lộ nhiều hạn chế, tiêu cực phải liên tục điều chỉnh. Đỉnh điểm là sai phạm chấn động trong chấm thi ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… trong kỳ thi năm 2018. Việc những người có trách nhiệm chấm thi ở địa phương câu kết nhau nhằm nâng khống điểm thi của hàng nghìn thí sinh thời điểm đó là vì kết quả thi ấy được hầu hết các trường ĐH dùng để tuyển sinh chứ không phải gian lận để tốt nghiệp THPT.

Năm 2019, Bộ GD-ĐT đã quyết định "trả lại tên" cho kỳ thi này là thi tốt nghiệp THPT và tuyên bố các trường ĐH tự chủ tuyển sinh theo đúng tinh thần của luật Giáo dục ĐH. Đến năm nay, Bộ lại đánh giá việc xét tuyển sớm trước khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT của các trường ĐH "bộc lộ nhiều bất cập, tiêu cực"… Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng phụ trách về vấn đề thi cử của Bộ GD-ĐT, đã nhiều lần phát biểu tỏ rõ mong muốn các cơ sở giáo dục ĐH lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Còn các trường ĐH thì cho rằng họ muốn đề thi tốt nghiệp THPT phải phân hóa cao hơn nữa, đáp ứng mục tiêu đa dạng của các trường ĐH trong tuyển sinh.

Dù vậy, độ tin cậy của một kỳ thi không phải chỉ căn cứ vào đề thi. Bài học xương máu trong vụ sai phạm chấm thi năm 2018 khiến lãnh đạo sở GD-ĐT và cán bộ khảo thí ở một số địa phương vướng vòng lao lý vẫn cần phải nhắc lại để tăng tính cảnh báo và ngăn chặn, thay vì tạo cơ hội cho sai phạm lặp lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.