Rau “tẩm” thuốc độc
Trời lạnh nhưng trên các vựa rau ở ngoại thành Hà Nội như Tây Tựu, La Cả, La Tinh, Thịnh Liệt, Vân Canh… người trồng rau vẫn đông nghịt. Những ruộng rau xanh nõn nà. Chỗ đang thu hoạch, nơi lại vừa trồng.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đi thực tế thì phát hiện dọc các bờ mương, đầu thửa ruộng, đâu đâu cũng la liệt vỏ, bao bì các loại thuốc kích thích, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ dạng vỉ, lọ nhỏ. Trong đó có loại ghi “cho rau tươi màu, mau lớn”, “đẹp như mơ, hiệu quả bất ngờ”, “quả chín đều” bằng tiếng Việt. Lại có những loại ghi hoàn toàn bằng chữ Trung Quốc, bên cạnh in hình các bó rau cải, rau muống, cà chua, đu đủ… xanh tươi, ươm vàng, nõn nà.
Ở làng Đại Mỗ (Từ Liêm - Hà Nội), bên cạnh trồng đào bán tết, người dân còn tranh thủ trồng rau cải. Chị Hạnh, một chủ trồng rau cho biết, hiện đang là chính vụ rau cải nhưng không “đánh thuốc” sẽ bị bọ nhảy đá nát hết rau. Chị kể, càng về cuối năm, sức tiêu thụ rau càng mạnh. Thậm chí trồng ra bao nhiêu cũng không đủ bán.
“Nhưng bây giờ sâu bọ nhiều. Một mặt phải bón thật nhiều phân đạm. Mặt khác mình phải sử dụng thuốc để kích thích rau vọt lên. Bọ nhảy, sâu bọ cũng không thể ăn kịp được”, chị nói.
Tuy nhiên theo chị Hạnh, bị “đánh thuốc” nhiều nhất là những cánh đồng rau muống. Trước đây, rau muống chỉ trồng nhiều vào mùa hè, nhưng bây giờ trồng quanh năm. Về mùa đông, các loại rau muống, mồng tơi sinh trưởng rất chậm, để bình thường phải sau 15 - 20 ngày mới thu hoạch lại, thậm chí không kịp lên đã bị sâu bọ ăn sạch nên để thu hoạch liên tục phải đánh thuốc liên tục, cứ 2 - 3 ngày một lần.
Chúng tôi lần xuống cánh đồng rau muống, nơi một phụ nữ đang đeo găng tay, bịt khăn kín mặt, đeo bình thuốc ở sau lưng phun mù mịt xuống thửa ruộng. Ở đầu bờ, có một đống vỉ thuốc vừa bóc vỏ. Ngoài một số thuốc trừ sâu, bọ nhảy, có một gói thuốc với dòng chú thích “mập cây, duy trì màu xanh”. Đặc biệt, có một lọ thuốc loại 50ml, vỏ nhựa màu nâu đen (độc hại) bằng tiếng Trung Quốc. Chúng tôi hỏi là thuốc gì, chị lấp lửng trả lời rằng đó là… thuốc trừ rệp!
Một nông dân đang thu hoạch rau tên Thu cho biết, loại thuốc kích thích này hoạt tính mạnh, chỉ dùng trên rau muống, rau bí, rau cần... và thường được nông dân gọi với tên “thuốc tăng phọt của Trung Quốc”, có giá bán 5.000 đồng/gói. Mỗi lần dùng, họ pha vào nước rồi phun lên rau.
Hỏi tại sao không sử dụng thuốc trong danh mục, chị Thu lấp lửng: “Thì nó cũng như các loại thuốc kích thích khác, tác dụng hơn mà giá lại rẻ. Với lại, lâu nay ai cũng dùng loại thuốc này rồi”. Hỏi mua ở đâu, chị Thu ậm ừ: “Cứ vào các cửa hàng bán thuốc trừ sâu trong làng La Cả hỏi mua thuốc kích thích của Trung Quốc là có ngay”.
Rau nhà ăn phải trồng riêng
La Tinh, La Cả là hai làng chuyên trồng rau muống. Bà Hoạt, một người dân La Cả, cho biết 4 - 5 năm nay ở đây bỏ hẳn lúa để chuyển sang trồng rau muống, bán quanh năm vì trồng rau lãi bằng 10 lần lúa. Hàng ngày, cứ 3 giờ sáng, cả làng lại dậy, xách đèn pin ra đồng cắt rau muống để kịp giao cho các lái ở ngoài Hà Đông đưa vào nội thành Hà Nội. Ánh đèn sáng rực cả cánh đồng.
“Bao nhiêu rau cũng bán hết. Có hôm còn không hái kịp, tính ra, mỗi ngày bà thu về ít cũng 200.000 đồng tiền lãi”, bà khoe. Hai mẹ con bà cứ sáng đi hái rau, chiều lại tranh thủ đi “đánh thuốc”. Bà kể, ngày nào cũng phải “đánh thuốc” rau mới lên kịp. Hôm nào “tế nhị” pha chế sẵn ở nhà rồi mới đeo bình ra phun. “Chỗ nào là rau của nhà để ăn thì chúng tôi phải trồng riêng, để hẳn một ô cho khỏi dính thuốc”, bà tiết lộ.
Đành rằng nông dân đang phải làm việc một cách lam lũ, cực nhọc nhưng việc thản nhiên dùng hóa chất cấm, độc hại để phun lên rau vì mục đích kiếm lời, coi thường tính mạng người sử dụng là không thể thông cảm được.
Chị Thủy, một người dân ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết: “Ở đây, hàng ngày có rất nhiều người chở rau ở các vùng quê đem ra bán. Họ tiết lộ, rau bí cũng bị “đánh thuốc”. Để ngọn rau nhanh dài ra, non mơn mởn thì ngâm thẳng vào âu nước pha loãng thuốc. Có khi chỉ sau một đêm ngọn rau đã dài ra tới 2 - 3 gang tay. Trong khi rau bí là loại hiện nay có rất nhiều người dân mua về”.
Tương tự, rau cần và giá đỗ hiện cũng đang là loại bị người trồng “đánh thuốc” một cách tràn lan.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)