Hội nghị quốc tế tổ chức ở Bonn (Đức) khởi động quá trình chuẩn bị cho thời kỳ quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan, dự kiến vào năm 2014. Nó cũng đánh dấu một giai đoạn mới trong chính sách của phương Tây đối với Afghanistan.
Kết quả của hội nghị này có thể hiểu theo kiểu nào cũng được. Nói nó đã thành công cũng không sai bởi cộng đồng quốc tế đã cam kết tiếp tục hậu thuẫn Afghanistan, tăng cường viện trợ tài chính ít nhất cho tới năm 2024. Có nghĩa là hội nghị đã đạt kết quả có ý nghĩa tinh thần, chính trị và tài chính rất sống còn đối với chính thể hiện tại ở Afghanistan.
Nhưng cho rằng hội nghị thất bại thì cũng có phần đúng bởi mọi cam kết được đưa ra vẫn rất chung chung, không có tính ràng buộc, lại kèm quá nhiều điều kiện mà chính quyền Kabul khó lòng đáp ứng hết. Chẳng hạn như điều kiện về chống tham nhũng và xây dựng nhà nước pháp quyền được đưa ra cách đây 10 năm mà đâu vẫn hoàn đó. Hay như điều kiện về hòa giải dân tộc và đàm phán với tất cả các phe phái ở Afghanistan cũng vậy. Không chỉ có Taliban mà cả Pakistan cũng không tham dự hội nghị này. Sau khi quân đội nước ngoài rút đi thì chính Taliban và Pakistan mới là những nhân tố quyết định triển vọng hòa bình, an ninh và ổn định ở Afghanistan.
Chính quyền Afghanistan phải chấp nhận trả giá không nhỏ để đổi lấy cam kết hậu thuẫn của bên ngoài. Phương Tây thì buộc phải bỏ ra khoản tiền lớn để bảo vệ được chính thể ở nước này sau khi rút quân. Nói bỏ tiền để mua hy vọng thì đúng hơn vì ai mà biết được tình hình khi ấy sẽ ra sao.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)