Đừng tự hại mình

05/07/2012 08:48 GMT+7

ĐBSCL là 1 trong 3 đồng bằng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH). Đã có nhiều kịch bản về BĐKH được xây dựng, nhiều hội thảo được tổ chức, nhiều giải pháp thích ứng được đưa ra… và mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã công bố kịch bản BĐKH mới nhất của Việt Nam. So với các kịch bản cũ (2009) thì phiên bản mới này cảnh báo những tác động nặng nề hơn.

Kịch bản mới tính tới mốc 2100, ở cấp độ trung bình mực nước biển dâng cao 1 m sẽ có 20% diện tích TP.HCM và 39% diện tích ĐBSCL bị ngập. Tỉ lệ dân số bị ảnh hưởng của từng khu vực tương ứng là 9% và 35%. Trong trường hợp xấu hơn, mực nước biển có thể dâng 2 m và khi đó sẽ có tới 92% ĐBSCL bị chìm trong nước, 36% diện tích của TP.HCM cũng bị ngập.

Trong những năm gần đây, cụm từ “BĐKH” đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, kể cả ở Việt Nam và trên thế giới. Việc đưa ra các kịch bản để có giải pháp ứng phó phù hợp là cần thiết. Song, nhiều nhà khoa học cũng khuyến cáo “cần phải tỉnh táo” trước các kịch bản trên. Cần phải hiểu rằng, BĐKH xảy ra từ từ trong một quá trình kéo dài nhiều năm chứ không ập đến như một cơn bão hay sóng thần. Chính vì vậy, mọi người cần hết sức tỉnh táo trước các kịch bản BĐKH, để có cách thích ứng khôn ngoan nhất.

Các nhà khoa học cũng khuyến cáo, các giải pháp công trình không phải là cách thích ứng hiệu quả vì công trình nào cũng có tuổi thọ và không có gì chắc chắn rằng nó sẽ chống chọi được với tự nhiên. Điều đó sẽ làm tiêu hao nguồn lực xã hội khi đầu tư vào đó. Nếu chúng ta không tác động gì hết, thiên nhiên sẽ có cách tự cân bằng riêng của nó. Khi chúng ta tác động càng nhiều bằng các giải pháp “công trình” cũng đồng nghĩa với việc ta đang triệt tiêu cơ chế “tự cân bằng” của tự nhiên. 

Chỉ có cách thích nghi bền vững nhất là dựa vào thiên nhiên và tôn trọng các quy luật của chính nó bằng các giải pháp phi công trình.

Bảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.