Tại hội thảo, Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) báo động về chất lượng dược liệu. Liên tục từ 2012 - 2015, qua kiểm tra chất lượng dược liệu trên thị trường và trong bệnh viện đã phát hiện nhiều dược liệu bị giả, dược liệu kém chất lượng.
Chẳng hạn như: phòng phong, cam thảo, hòe hoa, thỏ ty tử (lẫn nhiều tạp chất); ba kích (mốc bên trong). Đặc biệt một số dược liệu như: kim ngân hoa, phòng phong, uy linh tiên, khương hoạt, hoàng bá, tế tân, tần giao, đan sâm, xuyên khung, phòng đẳng sâm... nghi ngờ bị chiết hoạt chất. Ngoài ra, còn tình trạng các dược liệu nhuộm chất màu như hồng hoa nhuộm bột và màu; hoài sơn nhuộm bột màu vàng; đan sâm nhuộm màu đỏ.
Trong các cơ sở điều trị, phát hiện hàng loạt dược liệu sai loài so với quy định trong Dược điển VN và danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền ở mức báo động. Phần lớn các cơ sở khám chữa bệnh sử dụng dược liệu chưa được chế biến theo đúng quy định.
Theo ước tính của cơ quan quản lý, phần lớn (80%) dược liệu nhập từ Trung Quốc, với khoảng 300 - 400 tấn mỗi tuần, trong đó có những dược liệu chỉ là nông sản không đảm bảo chất lượng. “Trước đây, dược liệu nào không trồng được thì mới nhập, còn bây giờ nhập cả bèo cái tía dù loại này rất dễ trồng, nhập về giá rất rẻ nhưng không biết chất lượng. Trong các bệnh viện, trình độ cán bộ, năng lực kiểm nghiệm còn kém”, lãnh đạo Cục Quản lý y, dược cổ truyền cho hay.
Không chỉ chất lượng bị buông lỏng, giá dược liệu cũng đang ngoài tầm kiểm soát. Theo phản ánh của PGS-TS Trần Văn Ơn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty DK Pharma (Bộ Y tế), hàng chục dược liệu trúng thầu tại các bệnh viện chênh lệch giá trung bình 6 lần, trong đó 20 dược liệu có giá chênh lệch đến 10 lần. Cụ thể: bạch biển đậu: giá 20.000 - 256.200 đồng/kg (chênh lệch cao hơn 12,8 lần); đăng tâm thảo: 100.000 - 2.436.000 đồng/kg (chênh lệch 24,4 lần); hậu phác: 34.500 - 1.003.800 đồng/kg (29 lần)...
Bình luận (0)