Các nước phương Tây bắt đầu thay đổi lập trường sau khi Nga tiến công tại vùng Kharkiv, miền bắc Ukraine. Kyiv giờ đây có thể sử dụng vũ khí từ các nước Mỹ, Anh hay Đức để tấn công vào lãnh thổ Nga gần biên giới Kharkiv.
Dù Washington quy định không sử dụng tên lửa ATACMS đánh đất Nga, cũng như giới hạn phạm vi tấn công xung quanh Kharkiv, đây vẫn là bước tiến quan trọng trong lập trường của phương Tây để Ukraine phòng thủ được các cứ điểm ở miền bắc.
Được phương Tây bật đèn xanh, Ukraine giải bài toán bom lượn Nga
Ukraine được "tháo gọng kìm"
Các nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở tại Mỹ, cho rằng việc cung cấp các hệ thống phòng không của phương Tây và quyết định dỡ bỏ các hạn chế có thể bật đèn xanh cho Ukraine đẩy lùi các đợt tập kích bằng tên lửa và bom lượn của Nga vào thành phố Kharkiv.
“Những thay đổi chính sách này sẽ cho phép lực lượng Ukraine sử dụng các hệ thống do phương Tây cung cấp để tấn công những khu vực mà Nga dàn trận để đánh Ukraine, ở vùng biên giới và không phận Nga”, báo cáo ngày 2.6 của ISW có đoạn.
Nhóm nghiên cứu nói khả năng Ukraine bắn hạ chiến đấu cơ của Moscow ở tiền tuyến trong những trận đánh trước đây cho thấy Kyiv có khả năng bảo vệ Kharkiv và đáp trả chiến thuật bom lượn của Nga.
Bom lượn là mối đe dọa đối với lực lượng Ukraine trong suốt phần lớn cuộc chiến và càng đe dọa hơn vào thời gian gần đây, khi Nga sử dụng để tấn công Kharkiv. Máy bay của Nga có thể khai hỏa từ khoảng cách an toàn trong không phận của mình, ngoài tầm bắn của phòng không Ukraine.
Cách duy nhất để ngăn bị ném bom là đánh chặn máy bay Nga. Với việc mới được tấn công sâu vào lãnh thổ và nhận vũ khí viện trợ, Kyiv giờ đây có thêm nguồn lực và phạm vi hoạt động để đối phó với mối đe dọa.
“Lý tưởng nhất là ngăn máy bay xuất kích, song để dự phòng, một hệ thống tên lửa đối không (SAM) như Patriot có thể được đặt gần tiền tuyến hơn để bắn hạ chiến đấu cơ trước khi thả bom”, ông Matthew Savill, Giám đốc khoa học quân sự tại Viện các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh có trụ sở tại London, nhận định.
Ông cho rằng việc phục kích bằng SAM có thể mang đến thách thức với Nga, vốn trước đây tự tin các chiến đấu cơ sẽ an toàn miễn còn ở trong không phận nước này. Ở chiều ngược lại, điều này có thể đặt hệ thống phòng không vào rủi ro bị nhắm mục tiêu.
Vì sao Mỹ không cho Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa ATACMS?
Cục diện vẫn khó đoán
Ông Savill nói những thay đổi chính sách mới đây của phương Tây chưa hẳn là giải pháp hoàn hảo và việc cho Ukraine mở rộng phạm vi tấn công là không đủ để kết thúc cuộc chiến. Bản thân Mỹ cũng đã hạn chế về loại vũ khí và phạm vi Ukraine được tấn công lãnh thổ Nga.
Các quan chức Mỹ lưu ý rằng Washington vẫn có thể thay đổi chính sách, song điều đó phụ thuộc vào tình hình chiến trường. Liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có tiếp tục nới lỏng chính sách vũ khí cho Ukraine hay không vẫn là dấu hỏi.
Phát biểu tại Prague, Cộng hòa Czech ngày 31.5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine là “thích ứng và điều chỉnh khi cần thiết để đáp ứng những gì đang diễn ra trên chiến trường, đảm bảo Ukraine có những gì họ cần đúng thời điểm”, với ví dụ thực tế là phản ứng của Washington trước tình hình tại Kharkiv.
Ukraine đã tận dụng những chính sách nới lỏng của phương Tây và từng bước cho kết quả. Vào ngày 3.6, Kyiv cho biết đã phóng rốc két từ hệ thống M142 HIMARS của Mỹ nhằm vào các cơ sở và khí tài phòng không của Nga ở vùng Belgorod, gần biên giới Kharkiv. Truyền thông và những đơn vị chuyên thu thập dữ liệu tình báo nguồn mở cũng thông tin Ukraine đã bắn trúng hệ thống phòng không S-300/S-400 của Nga, được hoán cải để tấn công các mục tiêu mặt đất ở Kharkiv.
Bình luận (0)