Ngôi làng độc đáo
Bản Hoa Tiến cách TP.Vinh, trung tâm tỉnh lỵ Nghệ An, gần 160 km về phía tây bắc. Hoa Tiến nằm lọt giữa cách đồng, bốn bề được bao bọc bởi sông, suối. Gần 500 gia đình của Hoa Tiến đều là người Thái, phần lớn sinh sống trong những căn nhà sàn truyền thống bằng gỗ.
Những ngôi nhà sàn ở đây được bao quanh bởi vườn cây trái. Nhà sàn gồm hai tầng, tầng trệt để nông cụ, củi, gỗ còn tầng trên gồm 3 - 5 gian, trong đó gian ngoài cùng nằm sát cầu thang chính dùng để tiếp khách, uống rượu cần, bàn thờ, các gian bên trong là nơi sinh hoạt của gia đình. Nhà sàn của người Thái ở Hoa Tiến kích thước có thể khác nhau nhưng kết cấu đều giống nhau. Cột và khung nhà được làm bằng các loại gỗ tốt, nóc nhà có 4 mái, gồm 2 mái chính, 2 mái phụ ở hai đầu hồi và được lợp bằng lá cọ hoặc ngói. Sàn nhà tầng 2 được lát bằng gỗ tấm, bằng tre, mét. Mặt tiền tầng 2 có hàng lan can bằng gỗ bao phía ngoài. Cầu thang đều có 9 bậc.
Từ những năm 1990, Hoa Tiến đã được tỉnh Nghệ An quy hoạch để bảo tồn văn hóa người Thái. Đến nay, người Hoa Tiến vẫn giữ được gần như nguyên vẹn phong tục tập quán, tiếng nói, kiến trúc nhà cửa, nếp sống, sinh hoạt, trang phục của người Thái xưa. Ông Cầm Bá Mừng (74 tuổi), một người dân ở Hoa Tiến, nói đời sống kinh tế đã thay đổi rất nhiều, nhưng phong tục, tập quán ở đây vẫn thế. "Chúng tôi phải gìn giữ vì đó là hồn cốt của bản làng, nó đẹp và vẫn phù hợp với cuộc sống hiện đại", ông nói.
Khác với những bản người Thái khác sống trên cao đều phát rẫy trồng lúa, ở Hoa Tiến dân bản lại trồng lúa nước. Cánh đồng vây quanh bản có hàng chục chiếc guồng được dân bản làm bằng tre, nứa lấy nước tự động để tưới cho ruộng đồng, tạo nên khung cảnh rất bình yên và đẹp mắt.
Giữ hồn thổ cẩm
Năm 1992, một nhóm cán bộ của Bảo tàng Dân tộc học VN đến Hoa Tiến để tìm hiểu, khảo sát hoa văn thổ cẩm truyền thống của người Thái ở đây. Họ bất ngờ và bị chinh phục bởi chất liệu vải, hoa văn độc đáo của thổ cẩm Hoa Tiến. Một đề án khôi phục, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến đã ra đời sau đó không lâu. "Chúng tôi cũng bất ngờ vì sản phẩm của mình lại gây được sự chú ý của những người có chuyên môn. Từ đó, chúng tôi xác định mình phải giữ được hồn và làm tăng giá trị của thổ cẩm", nghệ nhân dệt thổ cẩm Sầm Thị Bích nhớ lại.
Năm 1995, bà Bích cùng một số nghệ nhân, thợ dệt trong vùng chính thức bắt tay thực hiện đề án để nâng tầm thổ cẩm của Hoa Tiến. May vá, thêu thùa là việc làm thuần thục của mọi phụ nữ Thái, nên việc thực hiện đề án không có gì khó khăn. Từ những khung dệt thô sơ làm bằng những thanh tre, nứa, người phụ nữ Thái đã dệt nên những tấm thổ cẩm với nhiều loại hoa văn để trang trí cho từng loại sản phẩm. Thổ cẩm được dệt hoàn toàn bằng tay nên độ chặt lỏng, mềm cứng của sản phẩm đều được điều chỉnh một cách tinh tế.
Hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Tiến ra đời, do bà Bích là chủ nhiệm. Nhận ra giá trị của thổ cẩm Hoa Tiến, nhiều người trong bản tham gia hợp tác xã. Vẫn là các công đoạn thủ công: trồng dâu nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải. Vải thổ cẩm của Hoa Tiến được nhuộm bằng các nguyên liệu tự nhiên, được thu hái trong vườn hoặc từ cây rừng, như: bùn non, cây cỏ mực, nghệ, lá mục vôi, lá hom, lá mượt, lá bang, cắm phông, gỗ mít… Đến nay, người Hoa Tiến đã chế được 52 màu thủ công để nhuộm cho nhiều chất liệu (vải tằm thô, lụa, vải bông, vải linen). Sản phẩm thổ cẩm đã nâng giá trị hàng dệt Hoa Tiến lên thành loại hàng thời trang cao cấp.
Các con gái của bà Bích cũng trở thành những người rất tích cực trong việc quảng bá thương hiệu và thổ cẩm Hoa Tiến ra thế giới. Năm 2015, chị Sầm Thị Tình, con gái bà Bích, mở một cửa hàng thổ cẩm Hoa Tiến tại Hà Nội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của bản mình. Chỉ sau một thời gian ngắn, sản phẩm dệt Hoa Tiến đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường và nay đã vươn đến các nước: Úc, Đức, Pháp, Nga, Lào, Thái Lan, Canada… Nhiều du khách nước ngoài khi đến VN đã tìm đến Hoa Tiến để được trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm và mua sắm.
Ngoài những sản phẩm truyền thống như váy, áo, khăn piêu, đến nay bà Bích và hai con gái là Sầm Thị Tình, Sầm Thảo Trang đã thiết kế, gia công nhiều sản phẩm có giá trị như: khăn dệt tơ tằm, khăn lụa, túi ví, giày dép thổ cẩm, thú bông và các sản phẩm trang trí trong nhà như vỏ gối, khăn trải bàn. Thổ cẩm Hoa Tiến không chỉ mang giá trị văn hóa độc đáo của người Thái bản địa mà còn mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương.
(còn tiếp)
Bình luận (0)