'Đường cong' không mềm mại của giá điện

29/06/2020 04:22 GMT+7

Nóng không kém đợt nắng nóng kéo dài nhất trong 27 năm qua lúc này chính là tiền điện của hàng loạt hộ gia đình.

Chuyện đúng - sai vẫn đang được thanh, kiểm tra nhưng thực tế, cách tính giá điện quá phức tạp hiện nay khiến nhiều khổ chủ có muốn tự kiểm tra cũng không dễ. Đáng nói, cũng vì cách tính tiền điện có tới 6 bậc nên sử dụng điện chỉ cần nhích lên vài số, số tiền phải trả có khi đội lên gấp đôi.
Giá điện sinh hoạt hiện được chia thành 6 bậc, trong đó hai bậc đầu là từ 0 - 50 kWh và 50 - 100 kWh không có nhiều khác biệt, số lượng hộ tiêu thụ điện dưới 100 kWh cũng không nhiều. Thế nhưng đề xuất gộp 2 bậc đầu thành 1 đã được đưa ra cách đây hơn 5 năm đến nay vẫn không thay đổi. Ở các bậc tiếp theo, “bước nhảy” cũng rất khó hiểu. Ví dụ, ở bậc 1, 2 khoảng cách là 56 đồng/kWh nhưng khoảng cách giữa bậc 2 và 3 lên tới 280 đồng, giữa bậc 3 và 4 đột ngột vọt lên 522 đồng/kWh. Những tưởng bước nhảy sẽ tiếp tục “tịnh tiến” nhưng giữa bậc 4 và 5 bỗng giảm còn 298 đồng/kWh và giữa bậc 5 và 6 thì chỉ còn 93 đồng/kWh.
Nếu nhìn vào “bước nhảy” này, chủ trương càng dùng nhiều điện càng phải trả giá đắt cũng không hẳn. Các bậc thang lộn xộn, khi kéo giãn ra, khi gấp khúc lại ngắn ngủn, không theo một quy luật nào. Chính vì cái “đường cong” không mềm mại này, giá điện đã khiến nhiều hộ gia đình ngã ngửa khi sản lượng điện tiêu thụ tăng ít nhưng số tiền đóng lại tăng vọt vì lỡ nhảy bậc. Ví dụ đang ở bậc 3 - mức tiêu thụ điện phổ biến mà lỡ “trượt chân” sang bậc 4, bậc có bước nhảy cao nhất trong biểu giá lũy tiến thì số tiền đóng đương nhiên sẽ tăng vọt... Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn tới bức xúc khi nhận hóa đơn tiền điện của nhiều hộ trong thời gian vừa qua.
Về logic, cái gì nhiều tầng nấc, nhiều cung bậc đều rối rắm. Biểu giá điện quá nhiều bậc hiện nay cũng không ngoại lệ. Không chỉ gây khó khăn trong quản lý, ghi chỉ số công tơ mà như nói trên, người sử dụng điện cũng rất khó kiểm tra nếu nghi ngờ. Thế nhưng phương án 1 giá điện vốn được thừa nhận là minh bạch, dễ áp dụng, dễ quản lý, kiểm tra và giám sát lại bị loại ngay từ trong đề án vì theo ngành điện, nếu áp dụng mục tiêu bảo vệ người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và khuyến khích việc tiết kiệm điện sẽ không thực hiện được. Trong bối cảnh không đủ điện hiện nay, đây là cái cớ để ngành điện duy trì biểu giá nhiều bậc. Có điều ít ai để ý, điện sinh hoạt chiếm chưa tới 30% tổng sản lượng điện tiêu thụ. Có tính giá điện cao thì sử dụng điện tiết kiệm cũng không bao nhiêu. Trong khi điện là mặt hàng tác động đến toàn dân, việc tăng - giảm (thực tế chỉ có tăng) bất kể lúc nào cũng ảnh hưởng trực tiếp đến mâm cơm của mỗi gia đình. Chưa kể bên cạnh điện sinh hoạt, còn có khá nhiều nơi để tiết kiệm. Ví như điện cho sản xuất, chiếm tới 60% sản lượng điện tiêu thụ. Siết ở các ngành tiêu hao điện năng lớn như sản xuất giấy, thép, xi măng... không chỉ tiết kiệm được điện mà còn góp phần bảo vệ môi trường...
Đề án sửa biểu giá điện đang xin hoãn vì dịch Covid-19, chưa biết bao giờ mới áp dụng. Nhưng nếu vẫn duy trì các “đường cong” không theo quy luật thì tiền điện tăng “đúng quy luật” (như giải thích của ngành điện) chắc chắn sẽ còn đốt nóng dư luận. 1 giá, 2 giá, 3 giá... thì điều quan trọng nhất vẫn phải bảo đảm tính thuận tiện, minh bạch để người dân dù có đóng tiền cao, cũng không bức xúc như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.