Sáng 11.11, phiên tòa xét xử 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi đối với bị cáo Ngô Văn Thụy (58 tuổi, nguyên Đội trưởng Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan).
Bị cáo Ngô Văn Thụy tại tòa |
LÊ LÂM |
Đây là bị cáo cuối cùng và cũng là bị cáo duy nhất bị truy tố về tội nhận hối lộ (73 bị cáo khác bị truy tố về tội buôn lậu).
Cụ thể, cáo trạng cáo buộc Ngô Văn Thụy nhận của “ông trùm” Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ (người tiêu thụ 161 triệu lít xăng do “ông trùm” Phan Thanh Hữu nhập lậu từ Singapore về VN) tổng cộng 832 triệu đồng.
Bật cười vì lời khai "tội nghiệp" trong vụ án 200 triệu lít xăng dầu lậu |
Theo cáo trạng, vào đầu tháng 1.2021, Tứ nhận được thông tin Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đang triển khai lực lượng để bắt giữ tàu chở xăng lậu trong đường dây nên báo cho Hữu. Hữu yêu cầu Tứ tìm mọi cách tiếp cận Ngô Văn Thụy.
Thông qua các mối quan hệ, Tứ có số điện thoại của Thụy. Ngày 26.1.2021, Tứ gọi cho Thụy hẹn gặp mặt, Thụy đồng ý. Điểm hẹn là một nhà hàng ở Cần Thơ. Tại đây, Tứ đưa cho Thụy 1 phong bì bên trong chứa 10.000 USD và nói “Anh Hữu nhờ em đến gặp anh để nhờ anh tạo điều kiện cho các tàu Nhật Minh của anh Hữu chở xăng về Mỹ Hòa bán cho em”.
Thụy không nhận phong bì mà trả lời “Anh không hứa”. Sau đó Thụy nói với Tứ phải đến nhà hàng Lúa Nếp (TP.Cần Thơ) ăn cơm với cán bộ trong đội của Thụy. Tứ xin đi theo và được Thụy đồng ý. Sau buổi gặp này, Tứ xin được đến nhà riêng của Thụy. Thụy đã nhắn cho Tứ địa chỉ nhà của mình (ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM).
Bị cáo Trần Ngọc Thanh |
LÊ LÂM |
Chiều 27.1.2021, Tứ cùng người tình (bị cáo Trần Ngọc Thanh) đến nhà riêng của Thụy. Sau khi ăn cơm cùng gia đình Thụy, Tứ ra về nhưng có nói với Thụy là mình có để lại ở phòng khách 1 phong bì chứa 10.000 USD và 1 thẻ ATM có 100 triệu đồng, mật khẩu là 4 số điện thoại cuối của Tứ.
Sau khi Tứ báo cáo sự việc, Hữu thấy chưa yên tâm nên điện thoại xin gặp Thụy. Chiều 29.1.2021, Hữu đến nhà riêng của Thụy đặt vấn đề nhờ Thụy tạo điều kiện giúp đỡ. Lúc này, Thụy nói: "Từ giờ đến tết anh cứ làm, ra tết em vào thì anh em mình ngồi nói chuyện".
Sau đó Hữu ra xe lấy 1 túi ni lông màu đen bên trong có 500 triệu đồng vào để trên ghế và nói "Gửi em ít quà đi Bắc. Khi nào em vào thì anh em mình nói chuyện sau" rồi Hữu chào ra về.
Đội trưởng Hải quan không thừa nhận nhận hối lộ
Tại tòa, bị cáo Thụy khai vào đầu năm 2021 nhận được tin báo về đường dây nhập lậu xăng của Phan Thanh Hữu nên cho anh em đi trinh sát. Tối 25.1.2021 thì tổ chức vây bắt nhưng không thấy tàu vào.
“Theo tin báo đêm 25.1, tàu từ biển sẽ vào nội địa nhưng chờ không thấy, đến sáng liên lạc lại thì tin báo nói chưa thấy tàu xuất hiện. Lúc này bị cáo nghĩ khả năng bị lộ rồi nên rút quân”, bị cáo Thụy khai.
Cũng theo lời khai của bị cáo Thụy, vào sáng 26.1, khi đang cùng anh em uống cà phê ở TP.Cần Thơ thì Nguyễn Đức Quyền (cán bộ Hải quan Đội 3, đồng nghiệp với Thụy) gọi tới giới thiệu Tứ với Thụy, lúc này Thụy chắc chắn đã bị lộ.
Chủ tọa hỏi: “Bị cáo có nghi ngờ ai không?”. Bị cáo Thụy đáp: “Thưa không”. Bị cáo Thụy khai khi tổ chức vây bắt rất bí mật, kể cả 2 đội phó cũng không biết. “Theo bị cáo, đường dây buôn lậu xăng này tồn tại được chắc chắn có mối quan hệ rất nhiều, nên bị cáo giữ bí mật, đợi đến khi tàu vào đến nội địa mới báo cho các lực lượng khác để phối hợp”, Thụy khai.
“Cụ thể là quan hệ với ai, từ cửa biển đi vào phải qua lực lượng nào”?, chủ tọa hỏi. “Ngoài biển vào phải qua biên phòng, quản lý thị trường, công an”, bị cáo Thụy đáp.
Bị cáo Nguyễn Hữu Tứ (bên trái) và Phan Thanh Hữu tại phiên tòa |
LÊ LÂM |
Chủ tọa tiếp tục hỏi: “Vì sao bị cáo lại đồng ý gặp bị cáo Tứ?”. “Vì bị cáo muốn khai thác xem ai là người tuồn tin ra cho Tứ”, bị cáo Thụy đáp.
Đối với phần quà gồm phong bì 10.000 USD và thẻ ATM có 100 triệu đồng mà Tứ đưa cho Thụy “nhờ giúp đỡ”, bị cáo Thụy khai lần đầu gặp ở Cần Thơ, Thụy đã từ chối, “Lần 2 gặp tại nhà bị cáo, mục đích chỉ uống nước nói chuyện thôi không quà cáp gì. Nếu Tứ đưa quà cáp là bị cáo mời về luôn. Qua mấy hôm mới phát hiện bị cáo Tứ để lại phong bì gồm 10.000 USD và thẻ ATM trong đôn ghế”, Thụy khai.
Về túi quà 500 triệu đồng của bị cáo Hữu, Thụy khai hôm đó Hữu tới nhà và nói có chút quà tết cho đơn vị, trước đó 2 người chưa quen biết nhau, “Bị cáo nói đơn vị nào giúp được cho anh mà quà tết, không quà cáp gì hết”. Cũng theo bị cáo Thụy, mấy hôm mới thấy trong bọc đen đó có 500 triệu đồng.
Vì sao khi phát hiện tiền của Tứ và Hữu để lại bị cáo không mang trả? Chủ tọa thắc mắc. Bị cáo Thụy nói: “Thời điểm đó cơ quan đang làm nhiều vụ khác, khoảng 30 vụ, bị cáo nghĩ túi tiền 500 triệu đồng là của giám đốc công ty nào đó, tính để sau tết xem của ai rồi trả lại”. “Nhưng bị cáo có báo cơ quan không?”, Chủ tọa hỏi. “Thưa không”, bị cáo Thụy đáp.
Về phần quà của Tứ, bị cáo Thụy nói “Trước sau gì cũng bắt, bị cáo tính trong quá trình tiếp xúc Tứ sẽ tìm cách trả lại số tiền 10.000 USD cùng thẻ ATM có 100 triệu đồng”.
Khi HĐXX hỏi còn lời gì trình bày nữa không, bị cáo Thụy nói: “Bị cáo nhận thức được việc các bị cáo đến nhà đưa tiền mà bị cáo không báo đơn vị, sau đó bị cáo sử dụng làm việc riêng là vi phạm pháp luật. Bản thân đã đánh mất tất cả, đây là bài học đau xót, mong HĐXX xem xét cho bị cáo còn những năm tháng cuối đời về với gia đình”.
Tham gia thẩm vấn bị cáo Thụy, Viện KSND hỏi: “Vì sao lại đồng ý cho Tứ, Hữu tới nhà?”. Bị cáo Thụy, nguyên đội trưởng chống buôn lậu khai: “Việc doanh nghiệp vào nhà là thường xuyên. Trong quá trình làm việc thì rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp tìm tới nhà xin làm nhẹ tay, hoặc báo cáo việc làm sai phạm của đơn vị khác”.
Bình luận (0)