“Trung tâm” giết mổ lậu
Nằm ở khu vực giáp ranh giữa hai quận Tân Bình và Gò Vấp, khu phố 11, P.12, Q.Gò Vấp (TP.HCM) được xem là một trung tâm giết mổ heo lậu mới nổi lên vài năm gần đây, khi "xóm chả giò" trên đường Phạm Văn Chiêu bị giải tỏa. Heo mổ tại khu vực này được gom từ khắp các quận, huyện lân cận như Hóc Môn, Q.12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú..., từ các hộ nuôi lẻ đến trại lớn. Có ít nhất 3 xe ba gác máy không biển số và 2 xe tải chuyên làm nhiệm vụ chở heo về cho các lò giết mổ. Heo của lò nào được đánh dấu trên lưng, đến trước cổng lò nhà xe thả xuống hẻm và gọi người của lò ra lùa vào chờ giết mổ.
Heo được ô tô tải, ba gác máy đi thu gom chở về giao cho các lò giết mổ lậu |
Khoảng 1 giờ sáng, xóm giết mổ bắt đầu khởi động. Không ồn ào, huyên náo bởi tiếng dao thớt, tiếng heo kêu... như nhiều người nhầm tưởng. Công nghệ giết mổ ở đây đã được "điện khí hóa". Con heo cả tạ được lùa vào một lồng sắt hoặc thắt một sợi dây ở cổ, sau đó hai kẹp điện được kẹp vào hai tai và thợ giết mổ chỉ việc đóng cầu dao điện 220V. Sau một tiếng "ục" nhỏ, con heo chết tươi. Lúc đó, những tay giết mổ chỉ cần chọc tiết, cạo lông, mổ bụng... và sau khoảng 15 phút, một heo thịt hoàn tất ra lò. Rất êm thấm, nên mấy lần chúng tôi đi ngoài hẻm cố căng tai cũng không thể biết chính xác trong lò đang mổ heo, dù đã xác định địa chỉ cụ thể.
Gọi là lò, nhưng thực chất đây chỉ là những mặt bằng hơn chục mét vuông, không máy móc, dây chuyền..., chỉ có một lò nấu nước sôi để làm lông heo và vài thùng chứa nước. Theo phản ánh của người dân, xóm heo lậu này có gần 30 lò giết mổ. Còn một người có trách nhiệm tại khu phố 11 đưa ra con số gần 20 lò, trong đó có ít nhất 5 lò giết mổ quy mô khoảng 20 con/ngày. "Thông thường, 1 ngày các lò giết mổ 2 lần. Bình quân mỗi ngày họ giết gần 200 con heo. Vào ngày thứ bảy, chủ nhật con số này còn cao hơn" - ông này nói.
Từ lò ra chợ
Sau khi giết mổ xong, đa phần các chủ lò mổ mang thịt heo ra ngay chợ dọc đường Tân Sơn để phân phối. Đoạn đường này, thuộc khu phố 11, P.12, Q.Gò Vấp, kéo dài cả cây số, có không dưới 30 sạp thịt "sỉ và lẻ". Sỉ vì từ đây, thịt heo được đưa đến các chợ bán lẻ; còn lẻ là sau thời gian bán sỉ, các sạp này tranh thủ bán luôn cho người dân quanh đó đi chợ hằng ngày.
Thời gian bán sỉ của các sạp thịt heo thường bắt đầu từ 3 giờ sáng hằng ngày. Thịt từ các lò mổ quanh đó được vận chuyển bằng xe gắn máy ra sạp. Tùy theo các mối đã đặt sẵn, thịt được pha lóc thành từng tảng nhỏ, hoặc để nguyên bên (heo xẻ dọc sống lưng làm hai) để chuyển về các chợ lẻ bằng xe gắn máy. Tất cả được làm công khai dưới ánh đèn điện sáng trưng và kéo dài chừng 2 giờ đồng hồ. Khoảng 4 - 5 giờ sáng là lúc cao điểm, chợ hoạt động nhộn nhịp với hàng chục xe gắn máy từ các chợ lẻ ra vào lấy thịt. Con đường Tân Sơn chưa kịp trải nhựa, vì thế càng thêm lầy lội, nhầy nhụa bùn đất sau những trận mưa cùng nước thải của các sạp chợ xả thẳng ra đường, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc...
Liên tục những sáng sớm hạ tuần tháng 6.2005, sau khi ghi hình sự náo nhiệt của chợ bán sỉ thịt heo, chúng tôi theo chân một số xe máy vận chuyển thịt về chợ lẻ và nhận thấy "vùng phủ sóng" tiêu thụ của chợ thịt lậu này khá lớn. Xe gắn máy chở hàng tạ thịt túa về đường Phan Huy Ích ra hướng Q.Tân Bình; ra Quang Trung về chợ Cầu Q.12, chợ đường Lê Văn Thọ, chợ đường Thống Nhất (P.11), chợ Phạm Văn Chiêu (P.12), chợ Căn cứ 26... Q.Gò Vấp. Một số xe chở thịt về nhà riêng để làm chả giò, hoặc sau đó pha, lóc nhỏ rồi mới đem ra chợ bán lẻ cho người tiêu dùng...
Khi thịt giết mổ lậu đã về đến chợ lẻ, người bán cứ vô tư bày lên bàn để bán cho người tiêu dùng theo yêu cầu. Phía người tiêu dùng hình như cũng vô tư không kém, chỉ quan tâm đến cân đủ hay thiếu, thịt tươi hay ôi... mà rất ít người thắc mắc miếng thịt mình mua có an toàn hay không, đã được kiểm dịch hay chưa... Nhưng suy cho cùng cũng khó trách người tiêu dùng, bởi trách nhiệm thuộc về các cơ quan kiểm dịch. Đáng tiếc, trong rất nhiều ngày chứng kiến cảnh mua bán nhộn nhịp tại chợ bán sỉ thịt heo lậu, chúng tôi không ghi nhận được sự có mặt của cơ quan chức năng. Còn người bán lẻ, họ biết nguồn thịt là heo giết mổ lậu nhưng vẫn thích lấy vì "giá mềm hơn và thịt nóng hơn. Còn lấy heo từ lò giết mổ có kiểm dịch phải chờ đợi lâu, thịt bị bầm dập và giá cao hơn".
Dân bức xúc, chính quyền... bó tay
Bày bán công khai thịt heo lậu tại các chợ bán lẻ
Một cán bộ hưu trí cho biết ở khu phố 11, P.12, Q.Gò Vấp có 21 tổ dân phố với trên 10.000 dân. Hệ thống cấp thoát nước ở đây gần như không có, nước sinh hoạt dùng giếng khoan hộ gia đình, còn nước thải thoát ra theo đường tự thấm là chính (một số tuyến đường, hẻm có làm cống thoát nhưng chưa đấu nối được với hệ thống thoát nước chính). Trong khi đó, tình trạng giết mổ heo lậu, xả trực tiếp nước thải thấm xuống lòng đất từ nhiều năm nay đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt. "Nước sinh hoạt ở cả 21 tổ dân phố đều bị ô nhiễm. Nhiều tổ dân phố như 211, 197... nước giếng khoan bơm lên có mùi hôi, tanh nhưng người dân vẫn phải dùng" - vị cán bộ hưu trí này bức xúc. Cũng theo vị cán bộ này thì: "Ở đây, người ta giết cả heo chết, heo bệnh vì lợi nhuận. Người dân đã nhiều lần phản ánh lên phường, rồi trong các cuộc họp hằng tháng với lãnh đạo phường, lần nào cán bộ khu phố cũng phản ánh nhưng từ nhiều năm nay mọi chuyện vẫn thế. Giờ thì dân cũng nản, buông xuôi!".
Phải chăng chính quyền địa phương không có phản ứng gì trước những bức xúc của người dân? Thực tế ngược lại. Ông Nguyễn Hữu Đồng, Phó trưởng khu phố 11, cho biết chính quyền địa phương cũng rất bức xúc, nhiều lần tổ chức lực lượng phối hợp giữa công an, thú y đi kiểm tra; bắt và phạt các cơ sở giết mổ heo lậu. phường còn lập một "đường dây nóng" để tiếp nhận thông tin, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Đáng lưu ý, ông Đồng cho biết cán bộ thú y vẫn thường xuyên xuống chợ thu tiền sát sinh (?), chứ không phải không biết. Theo ông Đồng, sở dĩ chưa xóa được các điểm giết mổ heo lậu vì các lò luôn biến tướng, đối phó và hầu hết lại là người nhập cư, đến thuê địa điểm giết mổ... nên rất khó quản lý; mặt khác khi bắt được các lò đang giết mổ quả tang cũng chỉ phạt hành chính nên "lờn thuốc". Tuy nhiên, nhiều người dân lại cho rằng có sự bao che của một số người có trách nhiệm tại địa phương. "Mọi chuyện cứ diễn ra công khai, dân ai cũng biết. Nhưng hễ chính quyền hay cơ quan chức năng xuống kiểm tra là các lò lại biết trước, ngưng hoạt động" - một sĩ quan quân đội, từng làm công tác khu phố bức xúc.
Hầu hết thịt heo lậu đều nhiễm vi khuẩn gây bệnh Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn TP.HCM có gần 250 điểm giết mổ gia súc trái phép, chủ yếu là giết mổ heo lậu... Bình quân, mỗi đêm có từ 30 - 35 tấn thịt heo giết mổ lậu ra lò. Theo bác sĩ Trần Phi Long - Trưởng trạm Thú y H.Hóc Môn, TP.HCM, hầu hết các điểm giết mổ heo lậu nằm trong khu dân cư, tại các hộ gia đình và rất mất vệ sinh vì giết mổ trực tiếp ngay trên nền nhà lầy lội, dơ bẩn; có nơi còn sử dụng nước ao, hồ để cạo lông, rửa thịt. Người trực tiếp giết mổ không được khám sức khỏe, thịt sau khi giết mổ được vận chuyển bằng đủ mọi phương tiện từ xe đạp, xe máy, ba gác chạy phơi ra đường không đảm bảo vệ sinh; các chủ lò mổ, cá nhân giết mổ, người buôn bán phần lớn không quan tâm đến an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mà chủ yếu là chạy theo lợi nhuận... Ngoài việc sử dụng heo không qua kiểm dịch để tăng lợi nhuận, các điểm giết mổ heo lậu còn thu mua heo bệnh, heo chết (như điểm giết mổ heo lậu ở P.9, Q.Tân Bình sử dụng heo con chết để chế biến heo sữa quay rồi bỏ mối, đã từng bị xử lý). Tình trạng thịt, đầu, lòng heo được giết mổ xong để lăn lóc trên sàn nhà đầy nước lẫn với dịch máu, phân... hôi thối; huyết heo thì được chứa trong những bình nhựa rất dơ, thậm chí có nơi còn chất thịt ngay cạnh nhà vệ sinh! Do heo được giết mổ trong điều kiện như vậy nên khi xét nghiệm kiểm tra, hầu hết như thịt heo của các điểm giết mổ heo lậu đều bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Thanh Tùng |
Phóng sự của Minh Đức - Hoài Nam
Bình luận (0)