(TNO) Không chỉ là những cá nhân xuất sắc, cộng đồng du học sinh Việt Nam ở Mỹ với hơn 16.000 người đang có những kết nối rộng khắp để hình thành một mạng lưới trí thức trẻ đoàn kết, nhiệt huyết và sáng tạo.
|
Khi những ngày biển Đông dậy sóng thì diễn đàn của du học sinh Việt ở Mỹ cũng nóng bỏng với chủ đề: Du học sinh cần làm gì để góp sức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc?
Những cuộc họp online kéo dài tới tận 2 giờ sáng, những sinh viên học ngành quan hệ quốc tế, luật quốc tế, bất kỳ ai có các mối quen biết với chuyên gia về nghiên cứu về biển Đông… đều được huy động.
Ngày 14.5, một bản kiến nghị đã được Chủ tịch Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam ở Mỹ (AVSPUS), anh Huỳnh Thế Du ký và gửi tới người đứng đầu Nhà Trắng là Tổng thống Obama cùng các nhân vật quan trọng trong chính trường Mỹ như Phó tổng thống Joe Binden, Ngoại trưởng John Kerry…
Chỉ chưa đầy 48 tiếng sau, bản Thỉnh nguyện thư (petition) đã được đăng trên Change.org và Whitehouse.gov, hàng chục ngàn người đã ký chỉ trong 1 tuần phát động.
Cùng với đó, một dự án thực hiện bộ tài liệu hỏi - đáp về chủ quyền biển Đông của Việt Nam nhằm trang bị kiến thức cho du học sinh đang hoặc sắp du học cũng được gấp rút chuẩn bị.
Trên trang web của Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ, trang sinhvienusa.org đăng bài viết nổi bật với thông điệp: “Mỗi du học sinh là một đại sứ, chúng ta cùng biến trang Facebook cá nhân trở thành kênh truyền thông cho bạn bè quốc tế”.
Hàng ngàn du học sinh đã lấy màu cờ tổ quốc, hình ảnh biển Đông làm hình nền trên avatar, họ đã post hình ảnh, video, đã share những link từ truyền thông quốc tế như CNN, BBC, The New York Time… để truyền tải thông tin đến với bạn bè ngoại quốc.
Kết nối cộng đồng
Cũng từ những dòng vận động trên Facebook và trang web chính thức của hội, kết hợp với hình thức “crowdfunding” - gây quỹ trên trang mạng Indiegogo, chỉ trong vòng một tuần, nhóm thiện nguyện của AVSPUS đã quyên được số tiền tới hơn 11.600 USD để ủng hộ đồng bào miền Trung chịu hậu quả từ hai cơn bão số 10 và 11 hồi tháng 10.2013, bằng cuộc vận động “Triệu bữa ăn gửi miền Trung thân yêu” (“Save A Lunchbox for Central Vietnam”).
Từ những post, những link, những share ấy, cộng đồng người Việt trẻ ở Mỹ đã gắn kết nhau bền chặt, và họ còn biết về nhau qua từng bài viết trên mục “gương mặt” ở trang sinhvienusa.org hay cùng giúp nhau du lịch "bụi" với các “thổ địa US”. Nếu bạn nào muốn đi du lịch giá rẻ tại Mỹ, họ có thể click vào mục Ăn nhờ ở đậu để tìm người Việt đang sống, học tập ở nơi họ sẽ tới. Dù chưa từng gặp nhau nhưng gần như chắc chắn họ có thể kiếm chỗ ngủ miễn phí hoặc có thể tìm đến nhiều điểm du lịch thú vị, giá rẻ mà chỉ “thổ địa” mới biết.
Trong khi ở miền trung nước Mỹ nhóm của Nguyễn Minh Hiển cần mẫn xây dựng mạng lưới Ăn nhờ ở đậu thì ở miền nam, Nguyễn Hữu Hoàng, nghiên cứu sinh ngành Nông nghiệp ở Đại học Florida lại đang cùng nhóm bạn triển khai dự án đào tạo kỹ năng mềm trực tuyến. Nhóm của Hoàng nhận được một khoản kinh phí hỗ trợ ban đầu cũng như nguồn nhân lực chủ chốt từ AVSPUS để triển khai dự án xây dựng bài giảng trực tuyến nhằm đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh Việt trên toàn thế giới.
Chat qua Skype, Hoàng bảo: “Nhiều bạn em đang du học ở nước khác cũng ghen tị với tụi em vì tại Mỹ, khi có dự án mang lại ý nghĩa với cộng đồng, chúng em sẽ được hỗ trợ từ AVSPUS. Sự hỗ trợ đó rất ý nghĩa bởi nó bao gồm cả tài chính, chất xám và các mối quan hệ”.
Dù mới ra đời được 1 năm (thành lập từ tháng 6.2013) nhưng chiến lược kết nối cộng đồng một cách bài bản, sáng tạo và sức ảnh hưởng rộng khắp chính là dấu ấn trưởng thành của Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ.
Nói về bước phát triển nhảy vọt của hội, anh Huỳnh Thế Du giải thích: “Hội hoạt động theo nguyên tắc phi tập trung, nếu ai có ý tưởng hay đề xuất và được ủng hộ thì người đó sẽ tự lập nhóm và triển khai, những người còn lại sẽ hỗ trợ hoặc cùng thực hiện. Vì quy mô của hội trải rộng trên toàn nước Mỹ, Việt Nam và nhiều nơi khác nữa nên các cuộc họp đều tổ chức online. Mục tiêu của AVSPUS là xây dựng cộng đồng thanh niên, sinh viên Việt Nam ở Mỹ trở thành một cộng đồng gắn kết, tương trợ lẫn nhau, cùng đoàn kết phát huy sức mạnh tập thể đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước”.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường: “Tôi cho rằng sự ra đời và phát triển của Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam ở Mỹ trong vòng 1 năm qua không chỉ thể hiện nguyện vọng thiết tha của đông đảo lưu học sinh Việt Nam tại Mỹ đoàn kết, gắn bó, cùng chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ nhau ở nơi xa quê hương đất nước. Đây còn là bằng chứng sinh động nhất về sự trưởng thành và lớn mạnh cả về lượng và chất của cộng đồng thanh niên - sinh viên Việt Nam ở Mỹ. Chính các bạn thanh niên, lưu học sinh đã tự phát triển về tổ chức, lập ra nhiều chi hội ở các bang, gắn kết được đa phần lưu học sinh học tập ở Mỹ, thậm chí cả các cựu lưu học sinh, và mở rộng mạng lưới, quan hệ với các hội thanh niên - lưu học sinh ta ở các nước khác. Tôi luôn thích thú theo dõi các hoạt động sôi nổi của các bạn thanh niên, lưu học sinh, từ văn hóa, thể thao đến các công trình nghiên cứu thiết thực, các cuộc thi như Hành trình nước Mỹ, sự kiện Vòng tay nước Mỹ, trang tin www.sinhvienusa.org, các buổi webminar bổ ích… Tôi luôn tin rằng mỗi bạn lưu học sinh là một “Đại sứ lưu động” đại diện cho một nước Việt Nam đổi mới và đang thực sự hội nhập quốc tế”. |
Káp Thành Long
>> Du học sinh Việt Nam tại Nga tuần hành hướng về biển Đông
>> Du học sinh và kiều bào tại Sydney biểu tình phản đối Trung Quốc
>> Vụ giàn khoan Trung Quốc: Thanh niên, du học sinh Việt tác động tới công chúng Mỹ
>> Du học sinh Việt Nam ở Úc kêu gọi ký tên vào kiến nghị thư gửi LHQ
>> Du học sinh làm thêm ở Mỹ
>> Du học sinh Việt lập mạng 'ăn nhờ ở đậu' tại Mỹ
Bình luận (0)