Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết hai bên đạt được thỏa thuận nhân chuyến thăm Bắc Kinh lần đầu tiên của Tổng thống Myanmar Htin Kyaw, kết thúc vào ngày 11.4, theo Reuters. Do những bất đồng giữa hai nước, đường ống dẫn dầu trị giá 1,5 tỉ USD dù đã xây dựng hoàn tất nhưng vẫn nằm yên trong hai năm qua. Đường ống 770 km kéo dài từ cảng Kyaukpyu của Myanmar đến TP.Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) “sẽ sớm đi vào hoạt động”, ông Lưu tuyên bố.
Theo thỏa thuận ký kết vào ngày 10.4, Công ty PetroChina trực thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung quốc (CNPC) sẽ nhập khẩu dầu thô từ nước ngoài thông qua vịnh Bengal rồi bơm vào đường ống chuyển sang nhà máy lọc dầu ở tỉnh Vân Nam có công suất 260.000 thùng/ngày. Điều đáng chú ý là hai ngày trước khi thỏa thuận được ký kết, một tàu chở dầu đã đến Myanmar để chuyển hàng sang Trung Quốc thông qua đường ống. Tuy nhiên, một quan chức chính phủ Myanmar cho Reuters biết tàu này vẫn chưa được cấp phép cập cảng.
Trung Quốc có thể dùng đường ống chuyển khoảng 22 triệu tấn dầu thô hằng năm từ Trung Đông về nước này mà không cần phải vận chuyển qua eo biển Malacca. CNPC và chính phủ Myanmar ký kết dự án đường ống dẫn dầu hồi năm 2008 và xây dựng hoàn tất vào đầu năm 2015. Một đợt vận hành thử nghiệm đã được tiến hành vào tháng 1.2015. Nhưng kể từ đó, đường ống dẫn dầu chưa được đưa vào hoạt động chính thức do Trung Quốc - Myanmar không đạt được thỏa thuận về các điều khoản thương mại, một lãnh đạo giấu tên của Tập đoàn dầu khí Myanmar nói với tờ The Bangkok Post (Thái Lan).
|
Né Biển Đông
Giới phê bình ở Myanmar từng đặt nghi vấn về lợi ích kinh tế của đường ống dẫn dầu đối với nước này, cho rằng nó chỉ là “kênh chiến lược mới” nhằm phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc. Theo tờ Forbes (Mỹ), tránh đường vận chuyển dầu mỏ và khí đốt qua eo biển Malacca và Biển Đông là lợi ích vô giá trong mắt các lãnh đạo Trung Quốc. Khoảng 70 - 85% lượng dầu nhập khẩu hằng năm của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca, vốn là nơi có nhiều hải tặc. Bên cạnh đó, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng địa chính trị Mỹ - Trung Quốc, Mỹ có thể điều động các hạm đội của mình phong tỏa eo biển, theo Forbes. Do vậy, đường ống dẫn dầu ở Myanmar giúp Bắc Kinh loại bỏ những nguy cơ này.
Bên cạnh đó, nhiều cuộc biểu tình từng diễn ra ở Myanmar phản đối xây dựng đường ống dẫn dầu với cáo buộc đền bù giải tỏa không thỏa đáng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và môi trường. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi ở Trung Quốc do cựu Chủ tịch CNPC Tưởng Khiết Mẫn, người ủng hộ dự án, bị điều tra và lãnh án 16 năm tù giam vì tội tham nhũng vào năm 2015.
Trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 6 ngày, Tổng thống Htin Kyaw đã hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đồng thời đến thăm nhiều thành phố bao gồm Thượng Hải và Thành Đô. Hai bên ký kết 9 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực y tế, thể thao và vận tải. Khi phóng viên đặt câu hỏi về dự án xây dựng đập thủy điện Myitsone (3,6 tỉ USD) bị đình chỉ kể từ năm 2011, ông Lưu cho hay Trung Quốc và Myanmar cơ bản đạt được một thỏa thuận. “Chúng tôi mong muốn thúc đẩy dự án này theo hướng có lợi cho quan hệ song phương”, ông Lưu nói, nhưng không công bố thêm chi tiết. Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí phối hợp tăng cường an ninh ở miền bắc Myanmar giáp với Trung Quốc. “Hòa bình và ổn định ở miền bắc Myanmar là thách thức đối với chính phủ Myanmar và cả Trung Quốc”, ông Lưu lưu ý. Những đợt giao tranh ác liệt giữa quân đội Myanmar và các nhóm vũ trang ly khai tại khu vực gần biên giới với Trung Quốc hồi tháng 3 đã khiến nhiều người thiệt mạng và hàng ngàn người phải chạy nạn, đa số sang Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, theo AFP.
Bình luận (0)