Đường piste bị “đắp chiếu”
Báo Thanh Niên trong năm 2016 và 2017 đã có một số bài viết về sự xuống cấp nghiêm trọng của đường piste sân Mỹ Đình - một trong hai hạng mục quan trọng nhất của một sân vận động, bên cạnh hạng mục mặt cỏ phục vụ bóng đá. Nhưng đến thời điểm hiện tại, hạng mục này vẫn trong tình trạng hỏng hóc, không thể tổ chức được các giải thi đấu điền kinh quốc tế, quốc nội và đang là mối lo lớn của ban tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2018 vì dự kiến môn điền kinh sẽ diễn ra tại đây vào tháng 11 tới.
Đường piste sân Mỹ Đình được đưa vào sử dụng từ SEA Games 22 năm 2003 mà tuổi thọ của lớp cao su phủ đường piste vào khoảng từ 5 - 7 năm. Chính vì vậy, nhiều năm liền đường piste này bị “đắp chiếu” dài hạn, với lý do không có tiền nâng cấp, tu sửa.
Bộ VH-TT-DL đã từng đề nghị khu liên hợp có tờ trình lên Bộ để Bộ có cơ sở trình tiếp lên Chính phủ, xin cho phép nhà thầu được tạm ứng 29 tỉ đồng và không phải chịu lãi suất. Số tiền 29 tỉ đồng là do Bộ Xây dựng làm công tác kiểm tra và dự thẩm. Nguồn kinh phí nằm trong ngân sách tập trung của nhà nước dành cho Bộ VH-TT-DL chứ khu liên hợp không thể kham nổi.
|
|
Trong văn bản báo cáo Tổng cục TDTT, khu liên hợp cho biết tổng doanh thu từ năm 2013 - 2017 hơn 317 tỉ đồng, tổng chi hơn 228 tỉ đồng, thuế doanh nghiệp phải nộp gần 20 tỉ đồng. Chênh lệch thu chi sau khi nộp thuế hơn 69 tỉ đồng, trong đó trích lập quỹ phát triển sự nghiệp hơn 17 tỉ đồng, trích lập các quỹ (khen thưởng, phúc lợi, ổn định thu nhập) gần 14,5 tỉ đồng; bổ sung chi sự nghiệp hơn 36 tỉ đồng. Lãnh đạo khu liên hợp cho biết, vì là đơn vị phải tự hạch toán nên khu liên hợp phải có nhiều phương thức kinh doanh khác nhau để lấy kinh phí duy tu, bảo trì sân Mỹ Đình (gồm cả mặt sân, chống lún sụt ở khán đài...), nuôi bộ máy nhân sự của toàn bộ khu liên hợp. Những khoản thu được từ tiền cho thuê đất không đủ để trích ra duy tu đường piste mà chỉ đủ để bảo dưỡng mặt sân chính vào khoảng vài tỉ đồng. Năm 2017, lợi nhuận trước thuế của khu liên hợp là hơn 19 tỉ đồng, trong khi tiền làm lại đường piste nhiều hơn con số này 20 tỉ đồng.
Vấn đề đặt ra ở đây là những con số kê khai của khu liên hợp đã được cơ quan nào thẩm định, kiểm tra hay chưa, liệu có sự thất thoát nào hay không? Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT, Kiểm toán Nhà nước hay Bộ Tài chính và một số cơ quan liên ngành khác đã thực hiện công tác thanh, kiểm tra một loạt hợp đồng cho thuê mặt bằng ngắn hạn, dài hạn mà khu liên hợp đã ký với nhiều đơn vị từ năm 2012 hay chưa?
Theo thống kê, năm 2017, khu liên hợp đã thực hiện 5 hợp đồng liên doanh liên kết với 5 doanh nghiệp, thực hiện 24 hợp đồng thuê mặt bằng tại khu đất quy hoạch thể thao trong nhà với 13 doanh nghiệp, thực hiện 21 hợp đồng thuê mặt bằng ngắn hạn khu đua xe đạp lòng chảo và khu khách sạn với 8 doanh nghiệp. Còn từ năm 2018, khu liên hợp đã thanh lý các hợp đồng cho thuê, liên doanh, liên kết ngắn hạn, theo chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL. Vậy tất cả những hợp đồng và nguồn thu này ai sẽ giám sát và thẩm định kiểm tra để tránh thất thoát đến nỗi không có tiền nộp tiền thuê đất và duy tu sân bãi?
Bình luận (0)