Lễ hội Đường sách Tết Quý Tỵ năm 2013 có chủ đề Sách và 54 dân tộc. Tại buổi họp báo chiều 25.1, ông Võ Văn Long, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM (đơn vị chủ trì thực hiện), cho biết: Lễ hội Đường sách Tết Quý Tỵ 2013 diễn ra từ ngày 7 - 13.2.2013 (tức từ ngày 27 tháng chạp đến mùng 4 tháng giêng, cùng thời gian hoạt động của Đường hoa Nguyễn Huệ) tại khu vực đường Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế (Q.1, TP.HCM).
|
Lễ hội đường sách lần này có một khu triển lãm thông tin, tư liệu về đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam với gần 300 đầu sách về hình ảnh văn hóa, trang phục, địa danh, những di tích lịch sử liên quan đến 54 dân tộc anh em khắp ba miền đất nước và hình ảnh các dân tộc trên 27 mô hình “quyển sách” (mỗi mặt là một dân tộc) đặt trên đường Nguyễn Huệ (giáp với Ngô Đức Kế).
Cũng tại khu vực này còn có một điểm nhấn khác, đó là không gian trưng bày 4 bản đồ được phóng lớn: Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (đời nhà Thanh, năm 1904; trên bản đồ có ghi điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc lúc đó chỉ đến đảo Hải Nam, không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), Đại Nam thống nhất toàn đồ (Triều Minh Mạng, năm 1834; trên bản đồ có ghi Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam), Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương (năm 1940, Đài khí tượng ở Pattle - Hoàng Sa và Đài khí tượng ở Itu Aba - Trường Sa là hai đài khí tượng cấp quan trọng nhất ở Đông Dương) và An Nam đại quốc họa đồ (Jean-Louis Taberd, năm 1838; trên bản đồ vẽ quần đảo “Paracel seu Cát Vàng” - quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam); hơn 1.000 bản sách phục vụ tuyên truyền về biên giới biển đảo, 6 kệ sách có chủ đề: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Riêng khu vực sách thiếu nhi sẽ trưng bày nhiều tựa sách xưa rất quý hiếm, xuất bản từ thập niên 40 của thế kỷ 20. Khách tham quan có thể thưởng thức cà phê Trung Nguyên cùng những quyển sách hay ở khu vực Café Sách đặt tại đầu đường Mạc Thị Bưởi (giáp Đồng Khởi).
Ông Võ Văn Long cho biết thêm: “Lễ hội Đường sách tết Quý Tỵ năm 2013 có chủ đề Sách và 54 dân tộc với điểm nhấn là khu triển lãm tư liệu, bản đồ về chủ quyền biên giới biển đảo, hình ảnh Trường Sa thân yêu nhằm vun đắp lòng tự hào dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước và cổ vũ các phong trào thi đua xây dựng, bảo vệ vẹn toàn biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam”.
Đặc biệt, tại đường sách 2013, ban tổ chức đã bố trí không gian để Báo Thanh Niên triển lãm bộ ảnh mới nhất về Trường Sa với chủ đề Vì Trường Sa thân yêu nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin biển đảo của du khách và người dân TP.HCM. Những hình ảnh bình dị phản ánh được nỗ lực lớn lao, sự hy sinh cao cả của những người dân đất đảo, những người lính hải quân ngày đêm miệt mài canh giữ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Đình Phú
>> Triển lãm tư liệu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa
>> Thêm bản đồ cổ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Bình luận (0)