Đường Trường Sơn - kỳ quan của lòng yêu nước

24/08/2011 14:36 GMT+7

(TNTS) Cách đây gần 15 năm, có đoàn khách Bắc u từ Sài Gòn du lịch xuyên Việt. Lúc qua Nha Trang, một vị khách đột ngột hỏi: “Không hiểu tại sao VN có bề dày lịch sử hào hùng mà không có công trình nào để lại cho đời ngưỡng mộ? Trung Quốc có Vạn lý trường thành, Campuchia có Angkor, Ai Cập có kim tự tháp…”. Tôi hơi hoảng vì câu hỏi cắc cớ. Sau vài giây bối rối, tôi cười xởi lởi: “Các bạn tự tìm hiểu xem sao? Trước khi rời VN, tôi sẽ trả lời”.

Sau khi hỏi bạn bè, đồng nghiệp và tự chiêm nghiệm, suy nghĩ, trên đường ra sân bay Nội Bài, tiễn khách về châu u, tôi trả lời: “Tổ tiên chúng tôi không lấy xương máu của nhân dân làm nên những công trình để khoe mẽ và phục vụ cho thiểu số thống trị. Cách đây chưa xa, cha anh chúng tôi, với khát vọng độc lập tự do và giải phóng dân tộc, bằng mồ hôi, nước mắt, xương máu và cả tuổi thanh xuân của mình đã làm nên con đường Trường Sơn (ĐTS) huyền thoại dài gấp 3 lần Vạn lý trường thành. Nhờ con đường lịch sử này, chúng tôi đã giành được thắng lợi, thống nhất giang sơn. Có dịp, mời các bạn trở lại, tôi sẽ rất vinh dự đưa các bạn dạo chơi trên con đường huyền thoại này”. Nghe vậy, mọi người đều vỗ tay tán thưởng.

 
Ảnh: flickr 

Lúc đó nói đại, ai dè mấy năm sau con đường được khởi công, mang tên Hồ Chí Minh. Có mặt từ những ngày đầu khảo sát tour với anh em nhà báo, gần 10 năm trôi qua, tôi vẫn giữ nguyên cảm xúc rạo rực trào dâng mãnh liệt khi lần đầu đặt chân lên ĐTS. Nhiều lần trở lại, lần nào cũng có những phát hiện lý thú và cảm động.  Trung thu 2002, Lửa Việt cùng Báo Thanh Niên mở “Tuần hội trung thu trên đường Hồ Chí Minh”. Lần đầu tiên trẻ em dọc ĐTS được vui đón trung thu thật hoành tráng. Hành trình suốt 2 tuần lễ, vừa khám bệnh phát thuốc, vừa tặng quà và tổ chức vui chơi, được Vietbook công nhận guinness “Tuần hội trung thu lớn nhất Việt Nam”. Hằng năm, nhóm anh em tham gia tuần hội vẫn họp mặt cùng ôn lại những kỷ niệm của chuyến đi tuyệt vời. Nhớ những lần đường sạt lở, phải quay lại đi đường vòng. Nhớ mấy lần xe mắc lầy, phải nhờ công binh hỗ trợ. Nhớ lần hư xe phải chạy về xuôi chở thợ lên sửa. Nhớ những bà mẹ hiền hòa, những em bé ngây thơ hồn nhiên chân chất. Nhớ cảm nhận bồi hồi khi đứng trước bia lưu niệm của đoạn cuối ĐTS ở Dak Bukso (Đắk Nông). Rồi các địa danh một thời lừng lẫy, chấn động cả nước Mỹ và thế giới như Đăk Tô, Tân Cảnh, Phượng Hoàng, Ngọc Hồi, Đak Pô Kô, Đăk Glei, Lò Xo, Cổng Trời, Khâm Đức, A Tép, A Roàng, A Lưới, Đăk Rông, Khe Sanh, Làng Vây, Tà Cơn, đường 9, Đá Đẽo, Khe Gát, Khe Ve, Khe Giao, Đồng Lộc, Tân Kỳ… Mỗi địa danh là một kỳ tích của khát vọng độc lập.

 
Ảnh: Lưu Quang Phổ

ĐTS - người Mỹ gọi là đường mòn Hồ Chí Minh, gắn với binh đoàn Trường Sơn hay đoàn 559 vì thành lập tháng 5.1959. Tên gọi Trường Sơn xác định địa danh - dãy Trường Sơn chạy dọc miền Trung, có địa hình hiểm trở nhất Đông Nam Á. Núi cao, rừng rậm nhiệt đới, rất ít dân cư. ĐTS vốn là những lối mòn đi lại trong rừng, từng được sử dụng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau 1954, chính phủ Việt Nam cộng hòa, được Mỹ hậu thuẫn đã phủ nhận hiệp định Geneve, đàn áp dã man những người yêu nước mà đỉnh điểm là Luật 10.59. Nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập đoàn 559 để xây dựng ĐTS với 440 người, mang phiên hiệu Tiểu đoàn giao liên D301 do Thượng tá Võ Bẩm (sau này là Thiếu tướng) chỉ huy. Nhiệm vụ của đoàn là mở đường hành quân với phương châm “Đi không dấu - nấu không khói - nói không tiếng”. Năm 1960, quân số đoàn tăng lên 6.000 người với 2 trung đoàn là E70 và E71, chưa kể các lực lượng bảo vệ và dân công Việt – Lào. Thời gian này, ĐTS chỉ để chuyển quân, còn vũ khí được chuyển bằng đường biển. Khi đường biển bị cắt đứt, ĐTS đảm nhận luôn. Ban đầu hàng vận chuyển bằng xe đạp thồ và xe bò. Cuối năm 1961 mới có xe cơ giới. Tháng 4.1965, đoàn 559 có 24.000 người gồm 6 tiểu đoàn vận tải ô tô, 2 tiểu đoàn xe đạp thồ, 1 tiểu đoàn đường thủy, 8 tiểu đoàn công binh và 45 trạm giao liên. Mỗi trạm giao liên cách nhau 1 ngày đường đi bộ, khoảng 40km. ĐTS không ngừng được nâng cấp và mở rộng về mọi mặt, sang tận cả nam Lào và đông Campuchia. Binh đoàn có 6 sư đoàn trực thuộc, 4 trung đoàn vận tải, 2 trung đoàn đường ống dẫn dầu (ĐTS ngầm dưới mặt đất), 3 trung đoàn phòng không (có cả pháo cao xạ 100mm), 8 trung đoàn công binh và các trung đoàn cầu, thông tin, vận tải đường sông… Riêng lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) có 4 đoàn, gần 10 ngàn người. Mỗi tháng bình quân chuyển được từ 30-40 ngàn quân và trên 50 ngàn tấn hàng. Trước đây hành quân bộ mất hơn 3 tháng, nay chỉ cần 10 ngày. Dù bị đánh phá ác liệt, tỷ lệ hàng hóa hao hụt chưa bao giờ quá 5%!

Trong 16 năm tồn tại, 120.000 người (từ bộ đội đến TNXP và dân công hỏa tuyến) đã làm nên ĐTS - kỳ quan của lòng yêu nước, góp phần quyết định vào thắng lợi cuối cùng, giải phóng đất nước. Hệ thống ĐTS gồm 5 đường dọc, 21 đường ngang, tổng chiều dài hơn 20.000 km! Trong đó có 3.140 km đường kín - xe chạy ban ngày dưới tán rừng - hàng ngàn cầu, cống ngầm cùng 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu. Gần 6.000 ngày đêm hoạt động, ĐTS đã chuyển được hơn 1 triệu tấn hàng, đưa đón hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc ra Bắc, vận chuyển cơ động 10 sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị công binh kỹ thuật vào Nam. Từ 1965 - 1972, Mỹ huy động hơn 730.000 lượt máy bay, đánh phá hơn 150.000 trận, ném xuống ĐTS gần 4 triệu tấn bom đạn (gấp 20 lần quả bom nguyên tử ở Hiroshima). Hơn 20 ngàn người hy sinh, đa phần do sốt rét, phù tim, phù phổi, kiết lỵ, trụy tim mạch, suy kiệt… vì quá gian khổ. Hơn 30 ngàn người bị thương, chưa kể các di chứng nặng nề của chất độc da cam và dioxin...

Trong lịch sử VN, chưa có địa danh nào để lại khối lượng đồ sộ tác phẩm văn học, nghệ thuật bất hủ như ĐTS. Từ chiếc gậy TS đơn sơ mà hiệu quả đến đôi dép cao su, còn gọi là dép râu, giản dị mà ăn đứt các loại giày - ủng cao cấp của Mỹ (chỉ dép râu mới chịu đựng được mọi ẩm ướt, bùn lầy để vượt xa ngàn dặm) đều đi vào văn, thơ, phim ảnh, nhạc, họa...

Kusu Jeong - cô bạn thân Hàn Quốc, tiến sĩ lịch sử VN đã ở VN mấy chục năm và đi khắp đất nước, chỉ mơ ước: “Được đi trên ĐTS năm xưa, chứ không phải đường mới trải nhựa”. Nhiều bạn bè tôi ở nước ngoài cũng mong ước tương tự. Dọc ĐTS năm xưa có vô số điểm tham quan kỳ thú. Thác Monique (Quảng Nam) - nơi vua Shihanouk và hoàng hậu Monique dừng chân nghỉ ngơi và tắm thác trên hành trình về lại Campuchia. Suối Bang (Quảng Bình) - suối khoáng nóng nhất VN, đến 105oC. Quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng với rất nhiều hang động. Lam Kinh của Lê Lợi và thành nhà Hồ của Hồ Quý Ly ở Thanh Hóa… Thiết nghĩ cũng cần phải có ngay bảo tàng thực về ĐTS. Du khách sẽ hành quân bằng Motolova qua các đường kín, vượt các trọng điểm đánh phá rồi hành quân bộ với dép râu và gậy TS. Khách được ngủ giữa rừng với những trải nghiệm thật sự của tuyến lửa.  Sẽ thực hành “đi không dấu - nấu không khói - nói không tiếng”.  Sẽ học cách mắc võng, mắc “tăng” chống mưa, cách bắt cá thủ công và nhận diện các loại rau rừng ăn được, cách chống vắt, chống muỗi, trị côn trùng và rắn cắn… Sẽ gặp lại những nhân vật huyền thoại như: A Lang Bhuoch - người mù tải đạn ở Tây Giang - Quảng Nam; chị La Thị Tám - anh hùng ở Ngã 3 Đồng Lộc, nhiếp ảnh gia Lê Minh Trường… cùng rất nhiều người đã trực tiếp làm nên ĐTS. Những ai vượt qua thử thách, chiến thắng bản thân sẽ được các tư lệnh năm xưa: Thiếu tướng Võ Bẩm, Thiếu tướng Bùi Đình Ấm… tận tay trao giấy chứng nhận và huy hiệu TS huyền thoại…

Làm được như vậy, tôi tin là ĐTS sẽ trở thành thương hiệu du lịch độc đáo, đảm bảo không đụng hàng. Và tại sao không nghĩ đến việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận “ĐTS là di sản thế giới”?.

Nguyễn Văn Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.