Đường vành đai TP.Tân An đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công |
ẢNH: BẮC BÌNH |
Tỷ lệ đất đai đô thị quá ít so với vai trò tỉnh lỵ
TP.Tân An là đô thị trung tâm về chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - xã hội và quốc phòng, an ninh của tỉnh Long An. Tuy nhiên, Tân An hiện chỉ có khoảng 27% trong tổng số đất đai (81,9 km2) là đất đô thị, còn lại đa số là đất nông nghiệp, một tỷ lệ nhỏ là đất chuyên dùng. Dân số 145.120 người, mật độ dân số đạt 1.771 người/km² - một tỷ lệ cư dân dày đặc, chen chúc ở các khu phố nhỏ hẹp và đa phần không đảm bảo các vấn đề về môi trường, đa số các nhà đầu tư không mặn mà… dẫn đến tỷ lệ người không có việc làm còn cao.
Tuy TP.Tân An là đô thị trung tâm của tỉnh, là địa phương có các tuyến giao thông thủy bộ quan trọng đi qua như QL1, QL62, sông Vàm Cỏ Tây… nhưng xét về giá trị kinh tế, thương mại, dịch vụ, tốc độ phát triển hiện tại thì Tân An còn khá khiêm tốn so với các huyện trong tỉnh như Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, thậm chí là Cần Đước.
Thực trạng của đô thị Tân An là nỗi trăn trở trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ qua của các cấp lãnh đạo tỉnh, thành phố và cộng đồng cư dân nơi này. Để Tân An trở thành đô thị xứng tầm với vị thế của mình, năm 2011, Tỉnh ủy Long An đã ban hành Nghị quyết đặc thù (NQ 02/NQTU) về “Xây dựng và phát triển TP.Tân An giai đoạn 2011 đến năm 2020”, góp phần từng bước xây dựng và phát triển TP.Tân An đạt đô thị loại I trong tương lai gần.
Để cụ thể việc triển khai Nghị quyết đặc thù của Tỉnh ủy, năm 2015, HĐND tỉnh Long An thông qua Nghị quyết 215/NQ-HĐND về đầu tư Đường vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây. Chủ trương này vừa ban hành đã nhận được sự đồng thuận rất cao, ủng hộ nhiệt tình trong nhân dân. Bởi, dự án này là cơ sở quan trọng giúp chính quyền TP.Tân An quản lý tốt cảnh quan, kiến trúc, quy hoạch xây dựng, tạo ra quỹ đất để chỉnh trang và mở rộng nội thành, nâng cao mật độ đô thị. Đây là tuyến đường huyết mạch giúp giảm tải giao thông trong nội thị… góp phần đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân thành phố nói riêng và tỉnh Long An nói chung.
Phục vụ lợi ích chung của cộng đồng
Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, dự án Đường vành đai TP.Tân An là 1 trong 3 công trình trọng điểm của Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An khóa X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) và tiếp tục trở thành 1 trong 3 công trình trọng điểm tại Đại hội XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
Dự án Đường vành đai TP.Tân An có chiều dài hơn 22,35 km, mặt đường rộng 33 m (bao gồm mặt đường và hành lang), qua địa bàn H.Thủ Thừa và TP.Tân An. Điểm đầu giao với ngã tư Mỹ Phú (H.Thủ Thừa), điểm cuối tại nút giao QL1 - Tỉnh lộ 833, TP.Tân An. Trên địa bàn TP.Tân An, dự án Đường vành đai đi qua các xã Lợi Bình Nhơn, An Vĩnh Ngãi, Bình Tâm, Nhơn Thạnh Trung, các phường Khánh Hậu, Tân Khánh, P.7, P.5. Quy mô xây dựng: 6 làn ô tô, hệ thống cầu trên tuyến, hệ thống cống thoát nước, hệ thống chiếu sáng công cộng… được chia thành 9 gói thầu do Sở GTVT Long An làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 1.533 tỉ đồng. Về cơ cấu vốn, chủ yếu từ nguồn ngân sách, nguồn vốn vay ODA.
Trong các văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của UBND tỉnh Long An, ngoài phạm vi mặt đường 33 m, dự án còn có phần phân khu chức năng 20 m x 2 bên đường, tùy từng vị trí. Đây là các phân khu chức năng có mục đích tạo sự đồng bộ phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP.Tân An.
Bình luận (0)