Trở thành một nhà báo chuyên nghiệp có lẽ là con đường tôi không mong đợi từ nhỏ. Giờ nếu như được “cải lão hoàn đồng” làm lại từ đầu, chưa chắc tôi chọn nghề báo, nhưng nếu phải làm một nhà báo thì tôi vẫn sẽ đi lại con đường cũ: trở thành phóng viên Báo Thanh Niên.
Trụ sở mới của tòa soạn Báo Thanh Niên - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Xin các đồng nghiệp chớ hiểu nhầm. Tôi không hề có ý định “dìm hàng” các báo khác, cũng như tôi không hề coi nghề báo vinh dự hơn nghề nông hay thợ mộc. Các nghề nghiệp hợp pháp đều vinh dự ngang nhau, nếu như người ta hành nghề một cách lương thiện.
Gần 20 năm trước, tôi rơi vào một hoàn cảnh nổi trôi bầm dập, phải tạm kiếm sống bằng nghề trình bày báo và “viết dạo” cho các báo, trong đó có Báo Thanh Niên. Tổng biên tập Nguyễn Công Khế và Phó tổng biên tập Đặng Thanh Tịnh là những người quen biết với tôi từ trước, nhưng hai anh hoàn toàn không nghĩ tôi có thể viết được báo. Bài tôi được đăng trên Thanh Niên lấy bút danh như hiện nay, các anh ấy chẳng bao giờ nghĩ đó là bài của tôi.
Một hôm, anh Vũ Trọng Kim, lúc đó là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, đến thăm gia đình tôi. Anh Kim biết tôi có khả năng làm báo, nên gợi ý tôi về Báo Thanh Niên. Tôi nói tôi không biết làm cách nào để về đó, đến xin việc chắc gì được nhận. Anh Kim bảo để anh nói cho, anh chỉ giới thiệu cho báo một người làm được việc, chứ có gửi gắm gì đâu mà ngại. Anh Kim tuy là sếp của lãnh đạo Báo Thanh Niên, nhưng là người từng tham gia phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh Đà Nẵng trước giải phóng, tôi biết rõ tính cách của anh Khế, không phải cấp trên nói gì cũng làm theo.
Quả nhiên vài tuần sau, anh Kim thông báo : “Tôi đã nói với Khế rồi, nhưng hắn làm thinh, không gật cũng không lắc”. Anh Kim là người sòng phẳng, không bao giờ áp đặt điều gì cho cấp dưới. Anh động viên tôi cứ tiếp tục viết bài cho Thanh Niên, tôi nói tôi vẫn tiếp tục viết và đề nghị anh đừng nói gì với anh Khế nữa.
Các bạn tôi, anh Nguyễn Mạnh Hùng và anh Lê Nguyên Hồng, đều là Giám đốc sở ở Đà Nẵng, là bạn anh Khế và anh Tịnh, nghe tôi có ý định về Báo Thanh Niên, cũng “nói vào”, nhưng câu trả lời vẫn là … “không gật không lắc”.
Thời gian qua đi rất lâu, một hôm tôi đến tòa soạn Hà Nội của Báo Thanh Niên để nhận nhuận bút, bất ngờ gặp Tổng biên tập Nguyễn Công Khế ở đó. Sau khi hỏi chuyện mấy câu, anh nói ngắn gọn: “Ông về Báo Thanh Niên đi”. Anh đã biết tôi có nhiều bài đăng trên Thanh Niên và thấy rõ khả năng làm được báo của tôi. Một tháng sau đó tôi chính thức trở thành phóng viên Báo Thanh Niên.
Sau này khi làm việc nhiều năm ở Báo Thanh Niên, tôi còn biết anh Khế rất dị ứng với chuyện gửi gắm trong vấn đề nhân sự, nhất là sự gửi gắm của cấp trên. 30 năm qua có nhiều lớp phóng viên, biên tập viên. Lớp người đầu tiên đa số được những người sáng lập báo tìm kiếm, mời về, các anh chị đã cùng chia sẻ khó khăn để góp phần tạo dựng nền tảng cho sự phát triển của báo sau này.
Đến khi Thanh Niên trở thành một tờ báo lớn, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đều được tuyển dụng và trưởng thành bằng con đường ngay thật. Cùng một khả năng như nhau, người được gửi gắm hay nhờ vả để đi đường tắt khó vào Báo Thanh Niên hơn rất nhiều so với người tự mình chứng minh năng lực. Việc tuyển dụng được thực hiện theo một quy trình minh bạch theo nhu cầu của từng lĩnh vực, được các bộ phận chuyên môn xem xét đề nghị sau khi người dự tuyển chứng tỏ khả năng thực sự của mình và hầu hết đều được Tổng biên tập phê duyệt.
Nhưng tôi đã trực tiếp chứng kiến trường hợp một người tôi quen, xin vào Báo Thanh Niên, lẽ ra anh này có thể được tiếp nhận làm biên tập viên tin tức, vì anh ta có khả năng đó, nhưng khi trình lên thì Tổng biên tập bảo: “Trường hợp này để lại xem đã. Anh ta có đến nhờ vả tôi”. “Để lại xem đã”, có nghĩa là từ chối. Việc bổ nhiệm và đề nghị bổ nhiệm (đối với các chức danh phải đề nghị lên cấp trên) cũng hoàn toàn dựa theo năng lực và phẩm chất thực tế.
Trong xã hội đầy dẫy hiện tượng “chạy việc”, “chạy chức”, “chạy quyền” hiện nay, cái quy trình “đầu vào” nói trên có thể lạ lẫm đối với “người ngoài”, nhưng đối với người của Báo Thanh Niên, nó đã trở thành tập quán, thành truyền thống. Và chính tập quán, truyền thống đó khiến cho việc làm nghề báo ở Báo Thanh Niên thật sự là làm một nghề lương thiện, một nghề có tương lai. Tôi biết chắc, Tổng biên tập, các Phó tổng biên tập và các anh chị giữ các chức danh khác trong Báo Thanh Niên hiện nay ai cũng đi lên bằng chính khả năng của mình, chẳng có ai biết “chạy”.
Những người lương thiện nếu làm sản xuất sẽ làm ra hàng thật, nếu đi buôn sẽ không bán hàng giả. Còn một nhà báo lương thiện thì phức tạp hơn nhiều, bởi vì một bản tin không chỉ phải là tin tức thật mà còn phải là tin tức hữu ích, cho người đọc, cho cộng đồng, cho đất nước. Hơn nữa, một ổ bánh mì làm bằng bột mì thật bột nở thật thì ai ăn cũng thấy ngon, còn một bài báo viết lên sự thật thì không phải ai cũng nuốt trôi.
Vì vậy mà người ta nói đến sứ mệnh của báo chí, đến bản lĩnh, đến sự dũng cảm của nhà báo. Nhưng xin lưu ý, điều này cũng không có nghĩa là làm nghề báo cao quý hơn các nghề khác, bởi vì một thợ lặn đòi hỏi tố chất và bản lĩnh để chịu được áp suất cao, còn thợ nề thì không, nhưng không thể nói anh thợ nề ít cao quý hơn anh thợ lặn. Tự coi nghề báo cao quý hơn các nghề khác là đã tự giảm đi ít nhiều sự lương thiện của mình rồi.
Cái tập quán tuyển người ở Báo Thanh Niên đã góp phần tạo ra các nhà báo lương thiện và khuyến khích, dung dưỡng sự lương thiện đó. Do đó, những sản phẩm do họ làm ra, tức là những bài báo, là món ăn vừa miệng và bổ ích của người đọc. Đó cũng là lý do Thanh Niên từ chỗ một bản tin, đã nhanh chóng trở thành một tờ báo có số lượng phát hành hàng đầu VN và luôn luôn giữ được vị trí đó, cả trên báo in lẫn báo điện tử, dù sự phát triển của internet và công nghệ đang thách thức sự tồn tại của báo in.
(còn tiếp)
Mời bạn đọc góp ý
Hôm nay (19.10), tòa soạn Báo Thanh Niên chính thức làm việc tại trụ sở mới ở địa chỉ 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM (đoạn giữa đường Bà Huyện Thanh Quan và Cách Mạng Tháng 8).
Tòa nhà có quy mô 12 tầng được bố trí là nơi đón tiếp bạn đọc, khách hàng của báo đến giao dịch; các phòng làm việc của phòng ban chức năng, tòa soạn hội tụ của báo, gồmThanh Niên nhật báo (báo giấy), Tòa soạn Thanh Niên điện tử tiếng Việt tại địa chỉ www.thanhnien.vn và các ấn phẩm điện tử tinnong.thanhnien.vn, ihay.thanhnien.vn, saigonamthuc.thanhnien.vn, thegioixe.thanhnien.vn, thanhniennews.com; 3 tầng hầm có chức năng để xe với hệ thống xếp xe ô tô tự động thông minh, là một trong số ít những công trình đầu tiên ở TP.HCM được đầu tư tính đến thời điểm hiện nay.
Báo Thanh Niên chân thành cám ơn những tình cảm quý báu của bạn đọc đã dành cho Thanh Niên thời gian qua và mong muốn được tiếp tục đón nhận những ý kiến góp ý để không ngừng nâng cao chất lượng tờ báo. Những ý kiến, những câu chuyện chia sẻ, những bài viết của bạn đọc có thể gửi về tòa soạn tại địa chỉ mới như trên hoặc địa chỉ email: gopy@thanhnien.com.vn.
Thanh Niên
|
Bình luận (0)