6 năm sau ngày hoàn thành, chợ du lịch văn hóa Cổ Loa, một tòa nhà 2 tầng, thiết kế dạng vòm, xung quanh là kính, khung đỡ được cách điệu hình mặt trống đồng đã xuống cấp mà chưa được sử dụng, dù đã đấu thầu hai đợt.
Cửa kính bị tháo trộm, công trình vệ sinh vỡ nát, cửa sắt ngoài cổng hoen rỉ, góc sân trở thành nơi tập kết xe chở rác.
Theo một số người dân trong khu vực, trước tết Tân Mão 2011, chợ được Tổng công ty thương mại Hà Nội mượn cho chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, sau đó tiếp tục trở thành nơi tập bóng chuyền và làm đám ma, đám cưới, hỏi của người dân phố chợ.
Ông Nguyễn Khải Hòa, ở xóm Chùa, xã Cổ Loa cho biết: “Khi làm chợ, chẳng ai thông báo gì với dân, khi làm xong mới gọi loa mời đấu thầu kiốt nhưng chẳng ai thuê nên bỏ hoang”.
Ông Bách, ở xóm Mít nói thêm: “Nói là chợ văn hóa, du lịch nhưng chỉ tháng giêng và tháng hai âm lịch mới có một ít khách du lịch, còn lại cả năm vắng vẻ thì bán hàng cho ai”.
Tại đền thờ An Dương Vương, một bảo vệ đền lắc đầu: “Buôn thúng bán mẹt ở đây còn kiếm được vài đồng, chứ trong chợ ai đến mà mua bán”.
|
Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ Phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch huyện Đông Anh xin giấu tên chia sẻ: “Chợ xây không hợp lý nên chưa hoạt động được là đương nhiên. Vì đỗ xe trong khu di tích thì làm sao ra chợ mà mua đồ lưu niệm. Nếu bắt xe du lịch đỗ ở ngoài, khu vực bến xe buýt Cổ Loa bây giờ và đi bộ vào trong may ra mới có người vào chợ”.
Tuy nhiên, cán bộ này nhận định: huyện có ý định khôi phục Loa Khẩu (di tích Miệng Ốc), cách đó vài chục mét, khi đó may ra chợ mới hoạt động được.
Để xây dựng chợ du lịch văn hóa Cổ Loa, chợ Sa đã tồn tại hàng trăm năm phải di dời ra chợ Sa mới cạnh bờ sông Hoàng. Nhưng người dân trong khu vực không quen vì xa khu dân cư nên tự họp chợ ngay ở đầu cầu bắc qua sông.
Bà Nguyễn Thị Hoa, ở xóm Vang, Cổ Loa bày tỏ: “Chợ du lịch là đất chợ Sa cổ của các cụ ngày xưa, khi xây chợ du lịch thì họ đuổi chúng tôi ra đây. Ngồi ngoài này nắng lắm nhưng cũng phải chịu, ngồi đây mới bán được hàng”.
Từ dự án xây dựng chợ du lịch, Cổ Loa mất đi chợ truyền thống nhưng lại có đến ba cái chợ trong bán kính chưa đầy 100m gồm một chợ du lịch văn hóa bỏ hoang, chợ Sa mới không thu hút người dân và chợ cóc mất mỹ quan, cản trở giao thông trên cầu, lối đi vào khu di tích.
Một người làm thơ ở Cổ Loa là ông Nguyễn Đăng Thuyết, nhà ở xóm Mít, có thơ viết rằng: “Trăm đời chợ ở với làng/Mà nay chợ phải lang thang cuối đường”. Hễ nhắc đến chợ Sa, ông Thuyết lại bực bội: “Các ông làm dự án có biết rằng chính cái chợ Sa truyền thống 5 ngày họp một phiên, bán cả trâu bò, lợn gà... là văn hóa chứ còn gì nữa”.
Kỳ lạ là chợ du lịch văn hóa Cổ Loa phục vụ du lịch văn hóa, nhưng ngành văn hóa Đông Anh không quản lý bởi chưa được bàn giao. Sang Phòng Kinh tế, đơn vị quản lý các chợ trên địa bàn thì Phó phòng Hoàng Mạnh Lâm cho biết: “Nên đi hỏi ban quản lý dự án vì việc đề xuất xây dựng chợ không phải của huyện, xây xong mới chuyển giao cho huyện quản lý. Phòng Kinh tế cũng chỉ biết Đông Anh có cái chợ ấy nhưng không hoạt động thì quản lý cái gì?”.
Đặt vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng chợ, ông Lâm khẳng định: “Các chợ hiện quá gần nhau nên khó chuyển đổi, nếu chuyển thành nhà văn hóa cũng khó vì công trình được thiết kế cho chợ, không thay đổi được”.
Vì thế, ngôi chợ văn hóa xây dựng tiền tỉ nay vẫn gần như vô thừa nhận như lời một cán bộ huyện Đông Anh giấu tên: “Thành phố xây chợ, sau đó giao cho huyện, quản lý không hiệu quả, huyện giao cho xã, xã giao cho thôn”.
Hương Huyền
Bình luận (0)