Tôi còn chưa kịp mời nàng về nhà tôi để mở một cuốn phim mà tôi rất thích để cùng nhau xem. Tôi đã định sẽ đề cập đến việc ấy vào một dịp thuận lợi, giống cái lần ban sơ chúng tôi ngồi bên nhau trong quán cà phê ở quận 3. Nếu tôi nhớ không lầm, đấy cũng là lần hiếm hoi chúng tôi có thể trò chuyện vui vẻ. Nàng thổ lộ rằng, nàng là người thích lắng nghe hơn là nói - phụ nữ thường hay thổ lộ như vậy, và quá nhiều người trong chúng ta đang mô phỏng kiểu người mà chúng ta mong muốn, hơn là chúng ta. Nàng không hay biết, khi nói chuyện, vành môi mỏng dính của nàng cong vòng trông rất đỗi đáng yêu. Phụ nữ không cần giỏi ăn nói, vì nhan sắc sẽ thay họ làm chuyện đó. Khóe miệng bên trái của nàng có một nốt ruồi nho nhỏ. Tôi thích mê.
Tôi đang nói về việc định mời nàng về nhà xem phim. Lần nào gặp nàng tôi cũng nhủ, hôm nay mình sẽ mở lời. Nhưng, chẳng lần nào tôi làm được. Mở lời mời một người phụ nữ về nhà xem phim không phải là một việc quá đỗi khó khăn. Tôi chỉ cần bắt đầu một câu hỏi:
“Em có thích xem phim không?”.
Nàng hẳn sẽ trả lời có, hoặc ít nhất cũng chẳng thể nói “không”. Sau đấy, chúng tôi sẽ nhắc tới một cuốn phim kinh điển - thực ra là say sưa nghe nàng nói về nó. Hai bước trên, thực hiện bước nào trước cũng được. Nàng là người bình dị, tôi nghĩ mình cứ nên hỏi thẳng “Em có thích xem phim không?” thì hơn. Tuy nhiên, ngớ ngẩn là, thay vì hỏi “Em có thích xem phim không?”, tôi lại luôn nói một câu chuyện gì đó, một câu chuyện gì mà dứt khoát luôn dẫn đến một quán bia. Chúng tôi có đi uống bia với nhau đôi ba lần.
Nàng hồn nhiên không hề hiểu được, cái sự thổ lộ lần đầu tiên ngồi riêng với nhau của nàng đã đưa tôi vào một tình thế hết sức khó khăn. Tôi không yêu thích việc chiều chuộng phụ nữ theo cái cách mà những gã đàn ông tầm thường ngoài kia có thể tính toán được. Chứng minh cho nàng thấy nàng đã sai lầm thì còn tệ hơn. Vậy nên mới có chuyện, những cuộc gặp sau này, lúc thì tôi nói thật nhiều vô nghĩa, lúc thì tôi lại im lìm kịch nghệ. Chính xác là nàng đã đẩy tôi vào thảm cảnh phải thấy mình một lần nữa mô phỏng lại chính mình. Kết quả là, lúc chia tay nhau đường ai nấy về, tôi luôn âu sầu đến khó tả.
“Hôm nay không phải là ngày may mắn của tôi”, tôi nói.
Nàng ném cái nhìn tinh quái vào đâu đó giữa tâm hồn đen tối của tôi. Nhưng nàng của tôi là một người đầy lòng bao dung. Nàng chỉ ném cái nhìn chớp nhoáng khoảng một giây, như phát ra tín hiệu khẽ lay động hố sâu đen tối ấy. Rồi khuôn mặt nàng chuyển sang trạng thái hốt hoảng - một cú chuyển mềm mại tựa chiếc cằm nhỏ xinh của nàng. Nếu được phép hôn nàng, chiếc cằm là nơi đầu tiên tôi muốn đặt nụ hôn của mình lên ấy. Và từ hốt hoảng, lại một cú chuyển mềm mại khác, nàng trông thật tuyệt vọng. Vẻ tuyệt vọng nơi nàng là một gợi ý hay. Tôi hân hoan đón lấy nó:
“Tôi không thường chia sẻ những điều này với người khác. Nhưng thôi, em hãy quên những điều tôi vừa nói đi. Một lúc nào, nếu tình cờ gặp lại nhau, câu chuyện của chúng ta sẽ vui vẻ hơn”.
Đoạn, chúng tôi chia tay đi về. Một lúc nào mà tôi đã nói, nó là buổi chiều tối ngày hôm sau, khi tôi cố tình đợi nàng ở một quán cà phê quen thuộc mà nàng cùng ban nhạc của nàng hay lui tới. Quán cà phê nằm sát bên quán bar, nơi ban nhạc của nàng chơi vào mỗi tối thứ sáu. Từ ngoài đường vào đến cả quán bar lẫn quán cà phê là một con hẻm lồi lõm và đầy sỏi. Hai bên hẻm là những bờ tường nứt nẻ. Người ta treo lên chúng những giàn hoa giấy màu sắc nhạt nhòa. Tôi không thể nhớ chính xác đấy là thứ màu gì, hồng nhạt hay vàng cam? Những giàn hoa giấy rũ rượi như thể mọc từ không trung, thay vì bám đất và vươn lên. Tôi gặp nàng khi nàng đang đeo cây ghi ta sau lưng, uể oải tựa vào bức tường kia với điệu bộ trễ nải. Những bông hoa giấy lớt phớt trên khuôn mặt mỏng manh của nàng, nếu nhìn từ khoảng cách năm mét chỗ tôi đứng. Lúc ấy đang độ mùa xuân.
Tôi chọn một chỗ ngồi sát bờ tường, từ cửa rẽ phải, nhắm hướng bốn mươi lăm độ đi thẳng tới tận cùng. Nhìn thì có vẻ hơi khuất, song thực ra đấy mới là chỗ ngồi thu hút sự chú ý của khách. Người ta có thói quen dòm vào những nơi sâu kín, hoặc thầm kín, và phần đông bọn họ sau đó đều rón rén bước qua. Tôi ngước mắt lên mỗi khi có khách mới bước vào. Và nhờ thế, tôi phát hiện ra nàng không có thói quen tầm thường kia. Nàng cùng vài ba người nữa xuất hiện, khoảng nửa tiếng sau khi tôi ngồi vào bàn. Họ trông cứ hăm hở một cách ảo não như những người vừa bước qua tuổi hăm mốt. Tôi yêu tuổi hăm mốt biết chừng nào, yêu đến độ có thể sung sướng chết ngay trong một ngày rực rỡ của tuổi ấy. Cơn gió chiều run rẩy trên những cánh hoa giấy mà tôi phải thừa nhận, chúng làm tôi liên tưởng đến những con gián đi lại trong nhà mình. Trong chiếc gạt tàn, những mẩu thuốc tôi vứt đi mỗi lúc một đầy.
Nàng cuối cùng cũng đã tìm thấy tôi lúc rời quán. Buổi chiều bấy giờ là một chiếc gạt màu khổng lồ ta vẫn thấy nơi những xưởng in quần áo, gạt một màu đỏ rực từ trời tới đất, cú gạt mịn màng và nhanh chóng vừa vặn thời gian nàng bước đến chỗ tôi. Nàng nhướn hàng chân mày sắc lẹm của mình lên thay cho lời chào hỏi. Rồi nàng cứ thế ngồi xuống bên tôi. Vì cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh thế này, và tôi không thể đoán được, liệu nàng sẽ ngồi bên tôi bao lâu, lời mời về nhà xem phim của tôi đành tạm thời gác lại.
“Hút ít thuốc thôi, được không?”, nàng hỏi.
Tôi rút một điếu khác ra khỏi bao thuốc, gõ nhẹ nó xuống lòng bàn tay, những nhịp gõ khoa trương. Tôi cứ lặng yên nhìn nàng trong khoảnh khắc đó, khoảnh khắc mà nàng đợi chờ tôi sẽ cất điếu thuốc vào. Vào lúc nụ cười tự mãn mang mặt nạ e lệ sắp sửa nguệch thành một dấu phẩy, hay là logo thương hiệu của một hãng giày thể thao nổi tiếng thế giới, tôi châm điếu thuốc. Và nàng, nàng cứ ho sù sụ inh ỏi suốt cuộc hút thuốc của tôi.
Nàng bảo rằng, nàng phải đi ăn tối với bạn. Chẳng phải vì chuyện thuốc lá, tôi biết, nàng không nhỏ nhen đến thế.
“Tôi đang trong cơn muốn gặp em. Cơn này rồi sẽ qua, một tuần, một tháng, hoặc thậm chí là ngày mai, khi tôi vừa thức giấc”, tôi nói.
“Ừ em biết. Vậy ngày thứ bảy, rảnh rỗi thì mình gặp nhau nhé?”.
“Thật khó khăn để nói ra những điều đó. Em đi trước đi”. Tôi không nhìn nàng.
Nàng đứng lên và rời khỏi tầm mắt tôi.
Tôi cứ đứng thật gần quầy bar trong lúc ban nhạc của nàng biểu diễn, không biết bao lần. Hẳn là phải nhiều hơn tôi có thể nhớ cho đến khi nàng nhận ra và nhoẻn miệng cười với tôi ở tại quán cà phê này. Ba lần nhoẻn cười hết thảy thì cả hai đã có cuộc trao đổi nói giản dị với nhau.
“Em có hát tối nay không?”, tôi không chắc mình có cười khi hỏi câu ấy. Tôi biết lịch diễn của nàng.
“Dạ không”, nàng thỏ thẻ.
Rồi những câu chuyện bớt giản dị đi. Nàng phớt lờ tôi vài hôm - khi ấy tôi nghĩ, những câu hỏi “Em có hát tối nay không?”.
“Chúng có ta vài điểm chung, về bản chất, đúng không? Hoặc chỉ em nhận ra điều đó. Vì em có phản xạ né những người giống em, triệt tiêu luôn sự giao tiếp với người ấy. Nhưng em thừa nhận, sức hút từ họ đối với mình rất lớn. Kiểu vẫn để mắt tới, nhưng không có bất cứ kết nối nào. Em mới uống vài ly trước đó nên giờ thiệt mệt”, một lần nọ, nàng đột nhiên nói, lưu loát bất thường.
“Quan tâm ai đó không làm mình kém giá trị đi. Một khi hết quan tâm, miễn cưỡng cũng không được. Nhưng thực ra khi ý thức về bản thân rõ ràng như thế sẽ có cái hay. Nó giúp mình không chạy theo cái gì cả. Vì mình hiểu mọi thứ đều là một vòng tuần hoàn. Đến rồi đi. Cứ bình tĩnh quan sát những cảm xúc đó thôi. Và tận hưởng nó, nếu nó giúp cho cuộc sống mình phong phú hơn”. Lúc nói những lời này, tôi không biết rằng việc mời nàng về nhà mình xem phim chẳng thể cứ tự nhiên mà thốt ra. Nàng chỉ cười ngượng ngùng.
Hai nỗi cô đơn trước lúc nàng đến và sau khi nàng đi là hai nỗi cô đơn hoàn toàn xa lạ. Nỗi cô đơn thứ hai có mùi thơm phảng phất trên da thịt nàng.
***
Chúng tôi rốt cuộc không gặp nhau vào ngày thứ bảy. Nàng bận đột xuất, phải đi hát show giúp ai đó. Lời mời về nhà xem phim của tôi vẫn nằm yên trong vùng tăm tối của chính mình. Tôi đã định nếu nàng nhận lời, tôi sẽ mở Điềm mật mật lên cho nàng xem. Điềm mật mật hay Almost all a love story hay Như một chuyện tình, tôi thích gọi là Điềm mật mật. Tôi tha thiết muốn nàng về nhà xem phim cùng, nhưng nhất thời tôi chỉ nghĩ ra được Điềm mật mật.
Nàng không giống nhân vật nữ trong Điềm mật mật. Nàng chả bao giờ để lộ ra cho người khác biết rằng nàng muốn gì. Nhưng nàng cứ quanh quẩn bên tôi, nhỏ bé và tổn thương. Như việc nàng vẫn kiên nhẫn ho sù sụ khi tôi đốt lên một điếu thuốc. Song tôi biết, nàng chả khác gì con mèo tinh quái đang cố cạy nắp thùng rác ra. Nàng sẽ bỏ lại những vấn vương trong đó sau khi làm bừa bộn hết lên. Rồi thỉnh thoảng, nàng lại đến thăm tôi.
Mùa xuân đã trút hơi thở cuối cùng lên những giàn hoa giấy tàn úa. Khi mùa xuân nói lời tạm biệt, tôi không ở trong con hẻm đó. Nàng gọi cho tôi, đang lúc tôi ngồi ngay ngắn xem lại cuốn phim Hana - Bi của Kitano tại nhà. Tôi nói rằng, mình đang ở một quán cà phê trên đường Đồng Khởi làm việc.
“Em vừa tập nhạc xong. Đang chuẩn bị về đây”.
“Tập ở chỗ cũ à?”, tôi hỏi.
“Ừ. Đang làm việc ngoan ngoãn hả? Em về đây”.
“Không, mệt quá nên cũng vừa gấp máy lại rồi, tính đi bộ một chút”.
“Khá lắm”, nàng phá lên cười sảng khoái, “Giờ em về”.
“Ừ”.
...
“Mà khoan, cho em một phút”, tôi nói.
“Để làm gì?”, nàng ngơ ngác.
“Để em hỏi “Gặp nhau không?”.
“Thật ra tính rủ đi ăn, mà thấy gặp hoài hơi kỳ. Nhưng cũng tính ăn một chút xíu rồi về thôi, không lê la được. Thôi, hẹn hôm khác vậy”, nàng trầm giọng.
Tôi ừ lần nữa. Rồi nàng cúp máy.
Sau cuộc gọi của nàng, tôi tắt màn hình, thay đồ rồi đi ra ngoài. Tôi bắt một chiếc taxi đi đến quán bia ở Đồng Khởi thật. Chuyển mùa, cả thành phố như ngập ngụa trong cảm giác về sự chuyển mùa đó. Nghĩa là, họ sống và mường tượng về cái nóng tháng tư. Tôi ngồi trên tầng cao, chỉ nghe được âm thanh của gió và mọi sự lao xao bên dưới kia đã trở thành khẩu hình. Nhưng tiếng bước chân của nàng thì mỗi lúc một rõ trong đầu tôi.
Nàng đứng bên dưới đợi tôi. Trong lúc say, tôi đã gửi tới nàng một cuộc gọi. Tôi quên mất nỗi rung động khi nhìn thấy nàng lẻ loi trong một góc tối đợi mình là thế nào rồi. Vì mọi cảm xúc khi đó chỉ còn váng vất trong hình dáng của nàng. Chúng tôi đi bộ ra đường Lê Lai, và nàng kéo tôi ngồi xuống trên những bậc thềm vắng vẻ của một tòa thương mại đã đồng lõa với màn đêm mà biến mình thành một khối đá nặng nề.
“Em có thích xem phim không?”, tôi bắt đầu.
“Em chỉ xem phim tài liệu, và em muốn học làm phim tài liệu”, nàng trả lời.
“Sụp đổ quá, tôi còn nghĩ em sẽ thích phim điện ảnh đấy”, tôi lào khào.
“Xin lỗi, nếu đó là một câu trả lời gây thất vọng”, nàng bình tĩnh.
“Không sao đâu, rồi mọi thứ sẽ là điều “từng đến” thôi. Cả em nữa”, tôi nói như khóc.
Tôi không nhớ còn bao nhiêu lời chúng tôi đã nói với nhau vào đêm hôm ấy, trên những bậc thềm đang mô phỏng cuộc sống về đêm của thành phố này, tựa việc chúng tôi đang mô phỏng lại tình yêu. Và hình như, khi nàng kết thúc câu chuyện bằng những lời về kẻ mạnh ấy, điều duy nhất tôi làm là đặt một nụ hôn phớt lên chiếc cằm của nàng.
Nàng cau mày. Rồi nàng đi mất.
Bình luận (0)