Biết nghĩ về những vấn đề lớn
Vòng chung kết cuộc thi English Champion (EC) 2019 do IvyPrep Education và iSmart Education tổ chức vừa khép lại khi chọn ra 5 quán quân từ hơn 32.000 thí sinh toàn quốc. Cuộc thi có chất lượng tương đương với các cuộc thi của Hoa Kỳ khi tích hợp kiến thức xung quanh các lĩnh vực toán, khoa học, kiến thức xã hội… với tư duy phản biện và kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh.
Tại vòng chung kết, thí sinh khối 4 và 5 sẽ xây dựng dự án dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài với những kỹ năng đào tạo kỹ năng thuyết trình, cách xây dựng, nghiên cứu và triển khai dự án (project-based). Trong khi đó, các thí sinh khối 6,7 và 8 trực tiếp tranh biện đối kháng. Điểm khác biệt này đã đưa EC 2019 trở thành cuộc so tài kiến thức đa lĩnh vực và tổng hợp nhiều kỹ năng, được giới chuyên môn đánh giá cao.
Tại phần thi của khối 4, với chủ đề “Ứng dụng công nghệ để giải quyết những bất cập về giao thông ở TP.HCM”, em Dương Trọng Việt (Trường tiểu học Nghĩa Đô, Hà Nội) cho rằng, TP.HCM tập trung đông đúc dân cư, nhà máy sản xuất, khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, khói bụi từ việc kẹt xe gây ra rất nhiều loại bệnh.
|
Tại phần khi của khối 5, cậu bé Hồ Viết Minh từ Trường Quốc tế Việt Úc (TP.HCM) đã thể hiện mối quan tâm lớn đến ô nhiễm môi trường với chủ đề “A plan for recycling batteries” - Kế hoạch tái chế pin tại địa phương. Em chia sẻ: “Chất thải trong các pin cũ rất độc hại, gây ô nhiễm môi trường. Chúng ta cần đặt những hộp tái chế và liên hệ các công ty môi trường, xử lý rác thải để phân loại chứ không xả vào môi trường. Nếu cần thiết, phải áp dụng luật để yêu cầu mọi người sử dụng pin đúng cách”.
“Chất lừ” kỹ năng phản biện, tranh biện
Ông Trương Minh Châu - Trưởng ban chuyên môn cuộc thi - cho biết, phần thi của các bạn khối 6,7,8 đòi hỏi nhiều kỹ năng cao. Để chiến thắng trong phần thi đối kháng trực tiếp này, các quán quân không những cần có lý lẽ thuyết phục mà còn phải đủ bản lĩnh, tự tin.
Mỗi cuộc tranh biện gồm hai thí sinh mỗi miền và chia thành hai quan điểm: ủng hộ và phản đối. Thách thức của phần thi đó là các em phải duy trì sự linh hoạt, kiểm soát tâm lý, hiểu biết thấu đáo về vấn đề đồng thời tối ưu thời gian để có những luận điểm chặt chẽ.
Với chủ đề “Money can buy Happiness” (Tiền bạc có thể mua hạnh phúc) em Nguyễn Vỹ Phong - Quán quân khối 6 (Trường Ngôi Sao, Hà Nội) đã khẳng định mạnh mẽ quan điểm: “Tiền bạc sẽ không bao giờ là đủ. Khi con người có nhiều tiền thì sẽ muốn có nhiều hơn. Họ sẽ ngày càng lún sâu vào việc sử dụng tiền để mua những thứ làm họ hài lòng. Nếu không có, họ sẽ bắt đầu mượn tiền dẫn đến nợ nần. Theo một thống kê, cứ 1 trong 3 người trúng vé số mỗi năm sẽ rơi vào cảnh nợ nần”.
|
Em Nguyễn Hải Dương (Trường THCS Lê Lợi, Hà Nội) đã tranh luận vấn đề của khối 8 về “Sự riêng tư và tính an toàn của thông tin”. Em không đồng ý chia sẻ thông tin cá nhân để phục vụ mục tiêu an toàn, bởi khi thông tin cá nhân bị tiết lộ thì nó có thể bị chia sẻ khắp nơi trên mạng xã hội hoặc bị công ty nào đó sử dụng vào những mục đích thương mại mà chúng ta không kiểm soát được. Và như vậy cũng không đảm bảo chúng ta an toàn hơn.
|
Bình luận (0)