Hàng nội nhàm chán
|
Bưu điện TP.HCM, nơi đón hơn 2.000 lượt khách/ngày, tận dụng các hành lang bên trong để làm gian hàng cho thuê tự phát. Sản phẩm là tranh sơn mài, vài bộ quần áo, đá, tranh ảnh, túi... rẻ tiền. Chúng tôi thử tìm đâu là sản phẩm lưu niệm đặc trưng mà nhìn vào đó, người ta nhận diện được hình ảnh của TP.HCM, hoặc ở tầm mức quốc gia là VN thì hoàn toàn chẳng có. Khách đến đây chỉ để ngắm nhìn kiến trúc cổ thời Pháp, xong chụp vài tấm hình, quanh quẩn tới quầy hàng lưu niệm rồi đi mà ít khi mua được món hàng giá trị nào mang về.
Tương tự, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử…, nơi hằng năm đón hơn 200.000 lượt khách quốc tế, nhưng quầy lưu niệm cũng chỉ lặp đi lặp lại các sản phẩm nhàm chán, không chủ đề. Một số trung tâm bán hàng lưu niệm cho du khách khá quy mô như Sơn mài T.S; Sơn mài P.N; A.D… có kết hợp với các công ty lữ hành để đưa khách vào tham quan, mua sắm nhưng chủ yếu bán hàng để ăn chia hoa hồng, nên giá cả cao ngất ngưởng. Trong khi đó, du khách chỉ cần dạo quanh các cửa hàng ở khu vực trung tâm cũng có thể mua sản phẩm chất lượng tương đương với giá rẻ hơn rất nhiều.
Hàng nhái đắt khách
Bà Takahashi Tomuho, du khách Nhật Bản đi theo tour của Công ty du lịch APEX, nhận xét: Các cửa hàng hầu như bán sản phẩm giống nhau, không có sản phẩm khác biệt so với một số nước trong khu vực, và không mang đặc trưng văn hóa đất nước để mua về làm quà lưu niệm.
Vì thế, các cửa hàng luôn rơi vào tình cảnh ế ẩm. Chúng tôi đến Miss A.D vào giữa chiều nhưng gian hàng chưa bật điện do vắng khách. Thi thoảng một vài xe đưa khách Nhật tới xem hàng nhưng số người mua rất ít. Một số sản phẩm nặng như bàn ghế, tủ… thường chỉ mang tính trưng bày chứ khách không mua vì mất công vận chuyển và cũng không độc đáo.
Ngược lại với không khí ế ẩm ở các trung tâm mua sắm dành riêng cho du khách hay các cửa hàng tại điểm tham quan, một số trung tâm thương mại nổi tiếng bán hàng giả, hàng nhái lại tập trung rất đông du khách. Điểm được nhiều khách ghé qua mua đồ nhất là các trung tâm của S.G.S (Q.1), K.T (Q.1), A.Đ (Q.5)… Tại một trung tâm của S.G.S, vào ngày thường nhưng người ra kẻ vào tấp nập, thoải mái trả giá để mua các sản phẩm nhái hàng cao cấp có giá bèo.
Lý do để hàng ngoại xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan xâm nhập chiếm lĩnh thị trường du khách nước ngoài tại TP.HCM là giá cả và mẫu mã đa dạng. Hàng Việt hầu như chẳng thể đặt chân vào các trung tâm hàng nhái, hàng giả này.
Một trung tâm hàng nhái khác cũng ngang nhiên bày bán công khai là chợ đêm Bến Thành. Đối diện với khu vực ăn uống là các gian hàng bán quần áo, đồ lưu niệm xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan hoặc không rõ nguồn gốc. Chúng tôi nhiều lần chứng kiến khách tàu biển cập cảng phải mua hàng giả, hàng nhái do các cửa hàng dã chiến lập ra ở cảng. Đó là sự đối nghịch kinh khủng nhất của ngành du lịch VN, khi du khách được tiếng là giàu có (khách tàu biển) phải chọn lựa hàng giả, hàng nhái để mua khi tới VN.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, cho biết tâm lý du khách đi du lịch nước ngoài, kể cả khách VN đi chơi ở nước ngoài, là muốn mua các loại quà tặng để chứng tỏ với mọi người là mình đã đến đây. Chẳng hạn, khách đến Malaysia, sẽ mua tháp đôi Petronas với đủ loại kích cỡ; đến Paris mua tháp Eiffel… Ở VN, từ mấy chục năm nay, sản phẩm được bán nhiều nhất là tranh sơn mài, chủ yếu dành cho khách Tây. Nhưng hiện nay, thị trường khách này suy giảm, sản phẩm sơn mài cũng đã quen thuộc nên không còn hấp dẫn.
Theo ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty du lịch Việt, Tổng cục Du lịch cần thiết phải có một đề án về phát triển sản phẩm quà tặng cho du khách. Đề án này có cả việc hỗ trợ nhà sản xuất thiết kế mẫu mã sản phẩm đặc trưng và tiếp thị sản phẩm đến du khách nước ngoài ở các kỳ hội chợ trong và ngoài nước.
N.T.Tâm - Bạch Đằng
>> Tìm giải pháp phát triển thương hiệu du lịch Đà Nẵng
>> Doanh thu du lịch đạt 6.000 tỉ đồng
>> Khách du lịch đến Việt Nam bằng đường bộ tăng mạnh
>> Sẽ thành lập Sở Du lịch TP.HCM
>> Công bố 'Sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch đặc trưng TP.Cần Thơ
Bình luận (0)