eSports Trung Quốc (Phần 1): Những mảng tối

12/11/2014 08:00 GMT+7

"Tuyển thủ chính là ông chủ", họ đòi những bản hợp đồng với phí lót tay kèm mức lương kếch xù hoặc sẽ làm mọi cách để được ra đi.

Đây là phần đầu trong chuỗi hai bài viết về ngành eSports tại Trung Quốc dịch theo bài viết trên trang onGamers. Trong số đầu, Thanh Niên Game sẽ đề cập đến những mảng tối tồn tại trong eSports Trung Quốc mà không phải ai cũng biết.

Chỉ stream mà thôi

CaoMei là cựu thành viên của World Elite, đội đã vô địch giải đấu IPL 5 năm 2012. Mẹ của CaoMei nhớ như in từng lần tăng lương của con trai mình:

  • Tháng 11.2011, thực tập sinh, lương 3.000 nhân dân tệ (~10.390.000 đồng).
  • Tháng 3.2012, thành viên chính thức, lương 4.000 nhân dân tệ (~13.850.000 đồng).
  • Tháng 11.2012, vô địch IPL 5, lương 7.000 nhân dân tệ (~24.246.000 đồng).
  • Tháng 5.2014, con số này nhảy lên 10.000 nhân dân tệ (~34.637.000 đồng).
  • Tháng 6, lương của anh chàng Trung Quốc là 20.000 nhân dân tệ (~69.274.000 đồng).
  • Rồi giờ đây khi đã giải nghệ, anh stream với mức lương hằng năm là 5 triệu nhân dân tệ (~17,3 tỷ đồng).

Nói về Liên minh huyền thoại, đây là tựa game thu hút nhiều người chơi nhất trên thế giới hiện nay, được phát hành bởi Riot Games năm 2009. Theo thống kê từ tháng 1 năm 2014, LMHT có khoảng 7,5 triệu người chơi cùng một thời điểm, 27 triệu người chơi hàng ngày. Những con số đủ để lấp đầy hai lần thành phố Berlin, hay tràn ngập từng con đường ở Thượng Hải.

LMHT: Kỷ nguyên mới của eSports Trung Quốc (Phần 1)

CaoMei - cựu thành viên World Elite. (Ảnh: OnGameNet)

Nếu không có LMHT, giờ này CaoMei đang là ông chủ một cửa hiệu giày ở Vũ Hán - Trung Quốc. Từ thời trung học, anh chơi Dota khoảng 5 năm rồi chuyển sang LMHT khi học hết phổ thông. Sau 3 tháng cày cuốc ở PC Cafe (6 nhân dân tệ/đêm), CaoMei đứng hạng một tại máy chủ Trung Quốc và được mời vào World Elite với danh hiệu "Ông vua xếp hạng đơn".

Ban đầu mẹ của CaoMei không đồng ý việc này. Bà làm bán thời gian ở một nhà hàng ăn sáng, và điều đầu tiên bà làm mỗi ngày sau giờ làm là đón cậu con trai từ PC Cafe về nhà. Khi CaoMei bắt đầu kiếm được tiền từ eSports, bà mới nhận ra đây là một vấn đề nghiêm túc.

Game thủ chuyên nghiệp phải chịu áp lực khi tập luyện không ngừng nghỉ hằng ngày. Họ có thể phải từ giã sự nghiệp nếu chơi không tốt, cũng như phải nhận búa rìu từ dư luận mỗi khi thua cuộc. Hàn Quốc luôn là đối thủ nặng ký nhất của người Trung Quốc trong eSports. Trong 2 năm vừa qua, game thủ đất nước đông dân nhất thế giới gần như luôn bị hạ gục bởi người Hàn, một trận thua 0-3 đã không còn là điều xa lạ. Trên rất nhiều diễn đàn, họ bị đã kích với những ngôn từ như: "Thua 0-3 như thì ai chẳng thua được" hay "Nếu để con cún ngồi vào máy thì kết quả vẫn vậy thôi." Tất cả chỉ làm game thủ chịu nhiều áp lực hơn.

Cuối tháng 8.2014, CaoMei chính thức tuyên bố giải nghệ. Anh đã chơi 3 năm cho World Elite. Trong 2 tháng "cao điểm", anh chỉ được ngủ 4 tiếng/ngày. CaoMei chia sẻ: "Việc tập luyện vất vả đến nỗi tôi chỉ có thể nói với bạn gái câu chúc ngủ ngon mỗi ngày."

Stream trực tuyến thoải mái hơn nhiều, CaoMei có thể vừa chơi vừa có những bình luận vui mỗi khi thua trận, hoàn toàn không có áp lực tâm lý nào. Mỗi lần chơi, anh sẽ có ít nhất 100.000 người theo dõi. Khi được hỏi lý do tại sao cộng đồng lại yêu thích anh, CaoMei trả lời đầy tự tin: "Nói điều này có thể không phải, nhưng có lẽ là do nhiều game thủ không có ngoại hình như tôi." Anh thường nhận được những dòng chat kiểu như "Em muốn có... em bé với anh" từ fan nữ.

Công việc hằng ngày của anh là chơi LMHT, và stream qua ZhanQi TV. Sau một tiếng rưỡi, CaoMei đóng stream lại và nói với phóng viên: "Vừa rồi có khoảng 160.000 người xem." Theo hợp đồng, miễn stream đủ 90 giờ/tháng, anh chàng 22 tuổi này sẽ có 5 triệu nhân dân tệ (~ 17,3 tỷ đồng) mỗi năm do ZhanQi TV chi trả.

LMHT: Kỷ nguyên mới của eSports Trung Quốc (Phần 1)

ZhanQi TV - một trong những dịch vụ Stream đang nổi tại Trung Quốc hiện nay.

Stream là xu hướng của ngành giải trí thế giới. Ngày nay, lợi tức của ngành công nghiệp game toàn cầu rơi vào khoảng 66 tỷ USD. Thể thao điện tử là một ngôi sao sáng trong ngành công nghiệp này. Nguồn lao động của thị trường này phần đông là nam giới, từ độ đuổi 18-35, hiếm khi hưởng lợi theo những quảng cáo truyền hình thông thường, nhưng lại dễ "đổ" bởi các công ty phát triển game hay những nền tảng stream.

Tháng 8 vừa qua, Amazon chi 970 triệu USD để thâu tóm Twitch, một dịch vụ stream có trụ sở tại California. Trước sự sát nhập này, Twitch đã là một trong 4 trang lớn nhất (tính theo lượng truy cập) ở Mỹ, vượt cả Amazon. Thông tin này càng thắp lên hy vọng cho những kênh stream ở Trung Quốc như ZhanQi, Douyu, YY và Tencent Gaming. Cả 4 kênh này đều chi những khoản kếch xù để ký hợp đồng với các tài năng, cuộc chiến chính thức bắt đầu.

LMHT: Kỷ nguyên mới của eSports Trung Quốc (Phần 1)

Thương vụ bom tấn này là dấu hiệu cho một kỷ nguyên mới.

Hồi đầu năm, BienFeng (một tập đoàn ở Hàng Châu) sáng lập ra ZhanQi TV, dành hàng triệu nhân dân tệ để lôi kéo các ngôi sao. Phó chủ tịch tập đoàn giải thích rằng đây chính là mùa đẻ trứng vàng cho TTĐT ở Trung Quốc. Đầu năm 2013, China Post hợp tác với LMHT để bán lịch để bàn, với khoảng 3 triệu tấm được sản xuất. Mỗi bên bán ra 1,5 triệu tấm lịch, để rồi nhận ra chính những game thủ sử dụng stream mới là chìa khóa cho vấn đề.

Sau khi The International 4 (Dota 2) và Chung kết Thế giới mùa 4 (LMHT) kết thúc, có ít nhất 10 game thủ hàng đầu như CaoMei đã giải nghệ để đến với stream. Họ bị lôi cuốn bởi mức lương khổng lồ, kèm theo một môi trường làm việc không có nhiều áp lực.

Khái niệm về một cuộc sống nhẹ nhàng qua stream đã ăn sâu vào tâm trí mọi người, chính điều này làm các đội tuyển eSports rất khó giữ chân những game thủ. Quản lý của World Elite - Pei "KinG" Le nói: "Có một vài streamer thậm chí chơi không tốt, nhưng vẫn kiếm nhiều hơn 10 ngàn nhân dân tệ/tháng (~ 34,6 triệu đồng). Điều đó làm nhiều tuyển thủ khác cảm thấy không hài lòng."

 

Tuyển thủ là cha là mẹ

Công nghiệp stream đã buộc các đội phải tăng lương cho tuyển thủ của mình. Game thủ LMHT hay Dota 2 nếu giải nghệ có thể sở hữu một hợp đồng stream trị giá hàng triệu nhân dân tệ, trong khi các câu lạc bộ chỉ có thể chi khoảng 20.000 đến 30.000 nhân dân tệ mà thôi. Có một vài game thủ LMHT nói thẳng với KinG rằng họ có thể kiếm nhiều tiền hơn nhờ stream.

Game thủ chuyên nghiệp hàng đầu còn hiếm hơn cả gấu trúc. KinG cho rằng chỉ có khoảng 20 người là thực sự giỏi để ganh đua trong các giải đấu. Rất nhiều người tự thổi phồng năng lực của mình, đòi hỏi nhiều hơn thứ họ đáng được nhận, đội chỉ còn cách chấp thuận, nếu không họ sẽ ra đi. Quản lý một đội danh tiếng khác nói đầy cay đắng: "Có thể bạn chưa từng nghe điều này, những tuyển thủ mới chính là ông chủ của chúng tôi."

Ruru - nữ quản lý của đội Dota 2 lâu năm nhất Trung Quốc, LGD - mới đây đã củng cố lời nói của các quản lý: "Ví dụ một streamer thu về 10 triệu nhân dân tệ/năm (~ 34,5 tỷ đồng). Một người có thể nói "500.000 nhân dân tệ chẳng là gì", rồi một người chơi khác sẽ nói: "Cô thấy số tiền mà anh ta nhận được sau khi giải nghệ chưa, ít nhất tôi phải nhận được con số đó khi chơi ở đây."

LMHT: Kỷ nguyên mới của eSports Trung Quốc (Phần 1)

Ruru - Nữ quản lý xinh đẹp của LGD. (Ảnh: 2P)

Kỳ chuyển nhượng gần đây nhất, Ruru đã chi 3 triệu nhân dân tệ (~10,3 tỷ đồng) để mang về 3 game thủ. Mỗi người tốn 500.000 nhân dân tệ (~ 1,7 tỷ đồng) phí ký hợp đồng và 500.000 nhân dân tệ phí chuyển nhượng. Phí lót tay không được tính vào lương và được đưa trực tiếp cho game thủ. Phí chuyển nhượng về túi của câu lạc bộ cũ. "Mọi thứ thật hỗn loạn, nhưng để tồn tại bạn phải làm điều đó." - Ruru nói.

MMY (hay còn gọi là X!!) là một trong 3 game thủ vừa ký hợp đồng. Mới đầu anh nghĩ eSports chỉ là một giấc mơ, nhưng rồi những giải thưởng, tiền lương, phí chuyển nhượng, tất cả đều tăng, suy nghĩ trong anh đã khác: "Quá nhiều người đang sống bằng chính giấc mơ, thật dại dột nếu không làm điều tương tự."

 

Điều khiển một ngành công nghiệp đang lên

KinG (World Elite) cũng là chủ tịch của Hiệp hội eSports Trung Quốc (ACE), tổ chức chịu trách nhiệm quản lý ngành công nghiệp này. Trong một cuộc gặp với Portrait Magazine, anh tuyên bố một lệnh cấm dành cho 4 game thủ LMHT. Những chàng trai 17 tuổi này thi đấu cho đội khác để kiếm thêm tiền thưởng, điều này là trái luật. Một game thủ chia sẻ đầy đau đớn với KinG: "Nhà em đang gặp chuyện, bố mẹ em ốm rất nặng."

Theo KinG, lý do những tuyển thủ này rời đội cũ vì ở đội mới lương cao hơn. Nhưng anh không có lựa chọn nào khác là phải cấm họ thi đấu.

Với cương vị quản lý của World Elite, King đã cho 4 anh chàng này ngồi dự bị suốt ở mùa trước. Câu chuyện cũng tương tự với những tuyển thủ đột nhiên thấy không có hứng chơi và từ chối tập luyện. Thực ra họ không chơi bởi có những nguồn thu lớn hơn từ bên ngoài, nhưng những câu lạc bộ đó lại không muốn trả phí chuyển nhượng, vì vậy game thủ làm mọi cách để bị khai trừ khỏi đội hiện tại. KinG giữ chân những người này thay vì hủy hợp đồng. Anh quyết định làm theo luật.

Luật này sinh ra sau vụ việc của EHOME. Năm 2010, EHOME (Dota) giành 10 chức vô địch trong 1 năm, bao gồm cả Cúp Thế giới 2010 của Electronic Sports được tổ chức tại Paris. Quản lý cũ của EHOME - 71 nói: "Truyền thống của chúng tôi là không bao giờ nhận cúp trừ khi đó là cúp vô địch. Những chiếc cúp khác chúng tôi đều bỏ lại ở sân bay."

LMHT: Kỷ nguyên mới của eSports Trung Quốc (Phần 1)

Nhà vô địch TI4 - Newbee, mỗi thành viên bỏ túi 1 triệu USD (chưa trừ thuế) (Ảnh: OnGamers)

Đầu năm 2011, đội game đến từ Vân Nam - DK cướp đi 2 trụ cột của EHOME là BurNing và KINGJ. Mỗi người được nhận mức lương 50.000 nhân dân tệ/năm (~ 17,3 triệu đồng), nhiều hơn giải thưởng của họ năm trước đó. Bỗng nhiên EHOME mà mọi người từng biết tới đã không còn. Thậm chí cho đến hôm nay, 71 vẫn chưa thể quên sự phản bội này: "Đừng nói về nó nữa, chẳng còn gì đâu."

Yi Zhou, Tổng biên tập của China Electronic Athletics phỏng đoán rằng: "Vấn đề nằm ở chỗ, bạn sẽ nghĩ tại sao họ lại làm vậy? Chẳng có lý do gì cả! Đơn giản bởi vì có người ném cho các tuyển thủ đó 50.000 nhân dân tệ. Vậy là đội tiêu tùng." Ông tỏ ra phấn khích khi nhớ về lúc EHOME mới được thành lập: "Vì không có tiền, họ đã phải ngủ chung phòng trong nhà nghỉ với cái nệm lò xo ở dưới sàn."

Ba năm rưỡi sau, BurNing giải thích đầy cẩn trọng với Portrait Magazine lý do anh rời đi, bao gồm: sự tự tin sau 10 chức vô địch; không hợp với lối sống ở Bắc Kinh và sự cương quyết đến từ DK. Game thủ này được ví như diễn viên Trương Quốc Vinh, coi việc rời EHOME như là "khoảnh khắc buồn và tội lỗi nhất suốt 7 năm ròng."

Giờ đây BurNing đã không phải lo về tiền nong nữa. 36 chức vô địch trong 7 năm, được mệnh danh là "Độc cô cầu bại" trong Dota, anh chỉ cần stream trên ZhanQi cũng đủ để bỏ túi hàng triệu nhân dân tệ mỗi năm.

LMHT: Kỷ nguyên mới của eSports Trung Quốc (Phần 1)

EHOME thời kỳ đầu - BurNing đứng giữa. (Ảnh: GosuGamers)

22 tuổi, BurNing đối mặt với sự cám dỗ mang tên 50.000 nhân dân tệ. Giờ đây một tài năng 18 tuổi khác phải quyết định giữa hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu nhân dân tệ. Đầu năm 2014, quản lý của LGD gặp chàng trai 19 tuổi Styz ở PC Cafe. Từ một lời gợi ý thử việc, Styz dần dần trở thành trụ cột của đội tuyển.

Trước khi LPL khởi tranh, một câu lạc bộ đưa ra đề nghị 500.000 nhân dân tệ (~ 1,7 tỷ đồng) với Styz. Sau đó anh bắt đầu từ chối tập luyện, mong bị đá khỏi đội để tránh phí chuyển nhượng. Ruru mô tả: "Cậu ta là mối ung nhọt của đội khi nói đồng đội là đồ ngu dốt. Lúc tập luyện nếu chết một lần, cậu ta sẽ nổi nóng ngay tức thì."

Ruru nói chuyện với Styz, đưa ra đề nghị 200.000 nhân dân tệ (~ 690 triệu đồng) để cậu ta ở lại đội, nhưng nó đã bị từ chối. Sau đó Styz không trả lời bất cứ cuộc gọi hay tin nhắn nào từ Weibo, do đó Ruru đề đạt vấn đề lên ACE. ACE quyết định cấm Styz thi đấu trong một năm. Xét theo tuổi đời ngắn ngủi của game thủ, sự nghiệp của Styz chính thức kết thúc. Sau vài ngày cậu ta tiết lộ tên của câu lạc bộ đã chèo kéo mình - ACFUN để được giảm án xuống 6 tháng. ACFUN bị phạt 400.000 nhân dân tệ (~ 1,38 tỷ đồng), và quản lý của đội này bị cấm hoạt động vĩnh viễn khỏi ngành eSports.

Ruru kể lại: "Họ đưa game thủ đến nhà thổ và quán karaoke hàng ngày. Mà lũ trẻ thì chưa có kinh nghiệm xã hội, rất dễ bị dụ bởi cách tiếp cận này. Thậm chí cả người lớn còn phải gục trước những con số khổng lồ huống chi là trẻ con."

* Đón đọc eSports Trung Quốc (Phần 2): Chờ đợi kỷ nguyên mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.