- LMHT: Cuộc "đào tẩu" của người Hàn Quốc
- Faker: "Tôi không muốn bị đánh bại bởi bất cứ ai"
- Khi chơi game là một nghề - Kỳ cuối
Phần trước: eSports Trung Quốc (Phần 1): Những mảng tối
Một thế hệ nhà đầu tư mới
Hầu hết những game thủ chuyên nghiệp đều có một tuổi thơ dữ dội. Họ đến từ những gia đình hạng trung ở các tỉnh nhỏ, mang giấc mơ trở thành game thủ. Họ không hứng thú với việc học sau khi tốt nghiệp phổ thông, để rồi tìm đến eSports. Họ bị cha mẹ đặt những câu hỏi về việc làm thế nào để kiếm tiền từ game. Thậm chí có những bậc cha mẹ từ con cho đến khi họ đạt được các giải thưởng và rồi có được tất cả: sự ủng hộ của gia đình, sự chú ý của báo đài, và minh chứng sống cho cả xã hội.
Tuy nhiên có một sự thật nghiệt ngã về thể thao điện tử (TTĐT), tuổi thọ trung bình của nghề này chỉ vào khoảng 5 năm, và thời kỳ hoàng kim của một game thủ lại rơi vào chính lúc đáng lẽ họ đang ngôi trên giảng đường đại học. Nếu họ không thực sự nổi trội, tương lai của họ sẽ rất mờ mịt.
Feng Ling là một trong vô vàn game thủ tầm trung của eSports. Năm 2004, anh tìm thấy tình yêu với Warcraft 3 và gia nhập một đội hạng 2 sau khi tốt nghiệp phổ thông. Anh được trả 2.000 nhân dân tệ/tháng (~7 triệu đồng) trong suốt 2 năm nhưng không đạt được thành tích gì. Nhận ra mình sẽ không có tương lai nếu cố bám trụ, Feng Ling giải nghệ.
Sau đó anh tham gia các lớp học tại chức, làm thêm ở cửa hàng quần áo. Anh dành thời gian buổi đêm tại bar và các quán karaoke, như những người bình thường. Bạn bè của anh, những người từng vô địch quốc gia giờ chuyển sang làm môi giới bảo hiểm, tuyển thủ poker, thiết kế ứng dụng, hoặc làm các việc hậu trường eSports.
Gaming House của LGD ở Thượng Hải. (Ảnh: OnGamers)
Từ năm 2011, làn sóng của thế hệ giàu tiềm lực tài chính thứ hai tràn vào TTĐT, đầu tư vào các đội, trở thành chủ sở hữu và bắt đầu chi những mức lương khủng cho game thủ. Chính điều đó khiến ngành này rơi vào thời kỳ hỗn loạn. Những câu lạc bộ giàu có cạnh tranh nhau, kéo theo mức lương của game thủ tăng lên.
Mức lương trung bình của một tuyển thủ đi từ 2.000 - 3.000 nhân dân tệ (~7-10 triệu đồng) lên 10.000 - 20.000 nhân dân tệ (34-68 triệu đồng), chưa kể tới những khoản phí hợp đồng và chuyển nhượng. Pei "KinG" Le (quản lý của đội World Elite) hoài nghi: "Cho dù hôm nay cùng thi đấu, bạn cũng không thể chắc chắn đội mình tồn tại được trong nửa năm hay không. Thậm chí tổ chức cũng có vấn đề của họ, các đội có thể giải tán bằng cách này hay cách kia."
Là một phóng viên, Yi Zhou đã chứng kiến quá trình phát triển của bong bóng này. Anh luôn nghe những phát biểu kiểu: "Chủ của tôi có tiền", hoặc "XYZ chỉ là đồ bỏ đi." Anh thấy rất nhiều nhà đầu tư thuộc thế hệ mới đầy tham vọng và tự tin tiến vào ngành này, nhưng rồi lại sớm bỏ cuộc sau vài thất bại. Phần lớn các đội tuyển đều thiếu cơ sở hạ tầng để có thể duy trì hoạt động, vì vậy người chủ phải đứng ra lo tất cả chi phí. Đây chính là lý do các đội tan rã sau khi ông chủ của họ thoái lui.
Rất khó để nói ai mới là người trưởng thành hơn trong quan hệ người chơi - ông chủ. Chủ cũ của LGD là một người Úc giàu có, sinh năm 1986. Trong một lần say mèm, anh chàng đại diện cho cả đội tham gia một trận đấu và sau này bị cộng đồng gọi là "Carry rác rưởi nhất vũ trụ." Năm 2011, anh ta bán câu lạc bộ cho một công ty thiết kế web mà không thông báo cho các thành viên chỉ vì một tuyển thủ đã từ chối chơi Dota cùng và liệt anh vào danh sách đen. "Anh ta bán cả đội tuyển chỉ vì giận dữ, hành động chẳng khác gì trẻ con vậy." - Ruru nói.
Si-Cong Wang, thiếu gia đã sáng lập nên Invictus Gaming. (Ảnh: GamesInAsia)
Nổi tiếng nhất trong thế hệ giàu có này phải kể tới Si-Cong Wang, con trai của Jian-lin Wang, chủ tịch tập đoàn Dalian Wanda. Năm 2011, anh sáng lập Invictus Gaming (iG): "Chúng tôi sẽ khởi đầu một cách mạnh mẽ, và thống trị TTĐT." Anh ta bắt đầu với mức lương cao nhất cho game thủ trong ngành, và thường xuyên có mặt xem đội tuyển thi đấu.
Càng về sau anh càng chứng tỏ độ "điên" của mình. Nhà vô địch World Cyber Games (WCG) sẽ nhận 30.000 nhân dân tệ (~103 triệu đồng), nhưng Wang còn cho họ thêm 150.000 nhân dân tệ (~520 triệu đồng) tiền thưởng nữa. KinG đã từng khuyên Wang: "Dù anh có cho các tuyển thủ bao nhiêu, họ cũng chẳng bao giờ nghĩ đó là nhiều cả."
Tháng 2.2012, Invictus Gaming, World Elite và các đội hàng đầu khác lập ra Hiệp hội eSports Trung Quốc (ACE) nhằm kiểm soát vấn đề chuyển nhượng. Họ sử dụng luật của KeSPA (Hiệp hội eSports Hàn Quốc): Nếu người chơi tự ý rời đội, họ sẽ bị cấm thi đấu. Nếu các đội lén lút tiếp cận người chơi, họ sẽ phải chịu phạt. Tuy nhiên, luật lệ cũng có giới hạn của nó.
Chính vì những nhà đầu tư thế hệ mới sẵn sàng đổ tiền vào ngành này, khiến lương cũng như tham vọng của các game thủ cũng tăng không ngừng. Có những ông chủ dùng cụm từ "đang giữ một con nhím" để mô tả về tình thế của mình. Nếu bạn trả cho game thủ 50.000 nhân dân tệ (~172 triệu đồng) một tháng, họ sẽ đòi bạn tăng lương liên tục, rồi dẫn tới những lời đe dọa "Nếu không tăng lương tôi sẽ không chơi."
Tăng thu nhập theo cấp số nhân là điều hiển nhiên với trường hợp của BurNing. Khi anh gia nhập DK vào tháng 1.2011, 50.000 nhân dân tệ là khoản lương lớn nhất có thể tại thời điểm đó. Rồi tháng 8 cùng năm, iG ra đời, Si-Cong Wang trao cho BurNing 100.000 nhân dân tệ (~345 triệu đồng) phí lót tay. Tháng 8.2014, trước khi BurNing giải nghệ, có nhiều đội tiếp cận anh với những khoản tiền thưởng vượt qua con số 1 triệu nhân dân tệ.
Ruru cho hay: "Giờ thì các tuyển thủ Invictus Gaming phàn nàn về ông chủ, nói rằng Wang không cố gắng hết sức, tiền chẳng được bao nhiêu. Đội tuyển sẽ đi đến hồi kết, chúng tôi không thể làm thêm nữa." Ngày nay mức lương của iG không còn thuộc nhóm đầu ngành. Ông chủ trẻ từng rất đam mê và nhiệt huyết đã không còn lui tới đội nữa.
Ruru nói thêm: "Người chơi không quan tâm đến mức lương bạn trả cho họ. Họ muốn thật nhiều tiền thưởng khi ký hợp đồng cơ. Ví dụ khi một tuyển thủ ký hợp đồng 2 năm, anh ta sẽ cho rằng mình bị lừa vì không nhận được khoản thưởng hợp đồng năm sau. Bạn sẽ phải bó tay khi đàm phán với họ, họ sẽ nghĩ bạn không muốn trả tiền và đùa giỡn với họ."
Cựu quản lý EHOME - 71 nói: "Nhiều tuyển thủ giờ đây thi đấu với bàn tay ngửa ra, chứ không úp xuống để sử dụng chuột. Bàn tay để ngửa có nghĩa là xin tiền đó. Họ chơi game với bàn tay thay vì khối óc."
Sự hỗn loạn này cũng lan cả tới Hàn Quốc. Xing Liu (ẩn danh) là một sinh viên Trung Quốc, đang học năm 3 ở Hàn. Anh cũng là cộng tác viên cho tạp chí China Electronic Athletics.
Từ đầu tháng 4, anh nhận được hơn 20 lời đề nghị giúp đỡ tới từ Douyu và các dịch vụ stream khác để liên lạc với những ngôi sao Liên minh huyền thoại (LMHT) Hàn Quốc, mời họ stream ở Trung Quốc. Tiền lương hằng tháng sẽ tùy theo mức độ nổi tiếng của game thủ, từ 30.000 nhân dân tệ (~103 triệu đồng) cho tới 1 triệu nhân dân tệ (~3,45 tỷ đồng), nhiều hơn lương ở Hàn ít nhất 50%.
Liu nói: "Khi tôi nói với các game thủ đã giải nghệ về lương, họ bị choáng bởi những con số. Cuộc khủng hoảng thực sự mà Hàn Quốc đang phải đối mặt chính là khi game thủ nhận ra sự lớn mạnh của thị trường Trung Quốc, TTĐT ở Hàn sẽ rung chuyển thực sự." Bằng chứng rõ ràng nhất chính là việc KeSPA vừa tuyên bố rằng game thủ Hàn có thể thoải mái stream online.
eSports ở Hàn Quốc khác xa với phần còn lại của thế giới. Seoul vẫn thường được ví như thánh địa của TTĐT, và chính phủ Hàn Quốc cũng có những hỗ trợ đáng kể cho việc thi đấu trò chơi điện tử. Cựu Chủ tịch nước, ông Moo-hyun Roh, chính là Chủ tịch Danh dự của WCG, giải đấu được coi là Olympics của eSports. Ông cũng đích thân mời những game thủ chuyên nghiệp môn Starcraft đến thi đấu tại Nhà Xanh.
Tổng biên tập tạp chí China Electronic Athletics, Yi Zhou cho biết game thủ Hàn sẽ không sẵn sàng nói câu "làm ơn hãy giúp tôi" trên stream vì họ cảm thấy xấu hổ, dù "giúp" ở đây chỉ là kêu gọi người hâm mộ mua sản phẩm của mình.
Mặt khác, game thủ Trung Quốc lại là những nhà quảng cáo thứ thiệt. Họ "nhờ vả" những cú bấm chuột suốt ngày, khán giả đôi khi thấy mình đang xem một tay bán hàng chuyên nghiệp vậy. "Hãy bấm dùm tôi, hãy đăng ký kênh của tôi, cứ thử bấ, xem, rất dễ mà. Bấm đi, hãy bấm đi! Bạn không thể chống lại nó đâu." Ở Trung Quốc, tất cả đều vì tiền.
Chờ đợi một David Stern của eSports
eSports là môn thế thao thứ 99 được công nhận bởi Tổng cục Thể thao Trung Quốc. Trong mắt Yi Zhou, eSports là một môn thể thao thực sự, cần những tổ chức độc lập đứng ra tổ chức các giải đấu và sự kiện. Tuy nhiên, những công ty trò chơi nổi lên vài năm qua chỉ tổ chức giải đấu cho riêng họ. Vài năm trước, WCG là giải đấu danh tiếng nhất, được tổ chức bởi một bên thứ ba, nhưng giờ đây những giải đấu quy mô và có giải thưởng lớn đều đứng dưới tên của Valve và Riot/Tencent.
"Tất cả đều có thể kiếm tiền, nhưng tôi không nghĩ đây là hướng đi đúng đắn cho eSports." Yi Zhou lo rằng những giải đấu được tổ chức bởi các công ty làm game sẽ chóng nở sớm tàn. "Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Một ngày, khi trò chơi không còn phổ biến, nó sẽ chết rất nhanh."
Trận chiến trường kỳ giữa LMHT và Dota 2. (Ảnh: mobaviet)
"Khi bạn chơi LMHT, fan Dota 2 gọi bạn là chú cún của Tencent, khi bạn chơi Dota 2, fan LMHT lại gọi bạn là cún của Dota 2. Bạn mất hoàn toàn sự tự do của mình." Với một người gắn bó cùng eSports nhiều năm, Yi Zhou không còn hạnh phúc trong ngành báo chí nữa, anh thậm chí còn nghi ngờ rằng: "eSports chỉ là một công cụ tiếp thị cho các công ty trò chơi, và tất cả những gì chúng ta làm trước đây đều đã bị hiểu lầm."
Đến tận hôm nay, Yi Zhou vẫn nhớ như in khoảnh khắc anh bắt đầu với ngành công nghiệp này hồi 7 năm trước. Thời đó anh rất tham vọng, nhưng giờ đây trái tim đã nguội lạnh. "Tôi đang cố sống sót, tôi chỉ có thể đợi một người như David Stern xuất hiện. Khi một ngành công nghiệp khởi sắc, giới truyền thông cũng sẽ nối gót theo."
David Stern là cựu ủy viên của Hiệp hội Bóng rổ nhà nghề Mỹ. Ông đã dành 30 năm để biến một giải đấu có giá trị 400 triệu USD thành một đế chế thể thao toàn cầu trị giá 19 tỷ USD. Những chủ sở hữu ở NBA hái được cả gia tài, và họ sở hữu một trong những vận động viên vĩ đại nhất trong lịch sử: Michael Jordan.
"Có một người tên Man-Jiang Wang, người trong mắt chúng tôi chính là tia hy vọng của TTĐT." Yi Zhou hồi tưởng lại năm 2006, Wang cùng cộng sự sáng lập ra Pro Gamer League. Thời đó PGL là được xem là đối trọng duy nhất của WCG. Năm đầu tiên của giải đấu PGL với Warcraft, một kỷ lục được lập nên khi có tới 14 triệu lượt xem trong 6 ngày, gần bằng con số của Super Girl tại Trung Quốc (Super Girl là cuộc thi âm nhạc cho phái nữ).
Sân khấu rộng 2300 mét vuông được lấp đầy, ban tổ chức phải ban hành loại vé đặc biệt cho những ai chưa có chỗ ngồi, và để họ đứng ở cầu thang theo dõi trận đấu. Một lần khác khi PGL tổ chức trực tuyến giải Starcraft, trận đấu vẫn giằng co khi đồng hồ đã điểm 11 giờ tối. Bình luận viên quyết định làm nóng đám đông: "Nếu có 10.000 phản hồi, chúng tôi sẽ stream xuyên màn đêm." Trong nháy mắt, 10.000 lời phản hồi được đưa ra, và có 50.000 người cùng xem trận đấu vào thời điểm đó.
Man-Jiang Wang rất tự hào khi kể với Portrait Magazine về những tháng ngày huy hoàng. Ông vẫn còn nhớ: "Có vài game thủ đã mang lá cờ của PGL lên cắm trên đỉnh Everest và chụp ảnh lại, như một lời khẳng định cho thương hiệu vậy." Người đàn ông 48 tuổi này đang làm việc ở Nike Trung Quốc, câu lạc bộ bóng đá Dalian Shide, câu lạc bộ bóng đá Bejing Guoan. Người đàn ông tốt nghiệp đại học Liverpool, với hai bằng MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) về Công nghiệp bóng đá - Tiếp thị này có một tầm nhìn cho eSports.
Tầm nhìn của ông 8 năm trước có khi vẫn tân tiến hơn hiện thực bây giờ. Ông muốn tạo ra một giải đấu đỉnh cao của TTĐT, với mức giải thưởng khổng lồ, quy tụ những game thủ hàng đầu trên thế giới từ Warcraft và Starcraft để đấu với nhau suốt mùa giải. Ông đã tạo ra một trang web với tên gọi Gamebank, nơi lưu trữ tất cả VODs (Video theo yêu cầu) của tất cả các trận đấu. Ông cũng tạo ra một cộng đồng game thủ, nơi có hơn 100.000 người đăng ký và khoảng 600.000 người truy cập mỗi ngày.
Năm 2007, PGL được tài chợ bởi Intel và Kappa, với doanh thu mỗi năm khoảng 4 triệu nhân dân tệ (~13,8 tỷ đồng). Với dòng tiền ổn định, kế hoạch kế tiếp của Man-Jiang Wang là sở hữu một nền tảng đối kháng, đồng thời sát nhập với Replays.net, một trong những công ty về TTĐT hàng đầu. Ông cũng muốn tạo thêm một giải đấu với giải thưởng lớn hơn nữa.
Để làm được việc này, ông cần có 23 triệu nhân dân tệ (~79,5 tỷ đồng). Cùng thời điểm, nhà đầu tư người Thụy Điển của Wang quyết định kết hợp với một tổ chức eSports ở Châu Âu để tìm kiếm cơ hội quảng bá đến công chúng. Dù không thích ý tưởng này, nhưng Wang cũng đành miễn cưỡng đồng ý thử nghiệm trong nửa năm.
Thế rồi mọi chuyện không như dự tính, năm 2008 Man-Jaing Wang rời PGL với một con tim mòn mỏi sau những bất đồng với nhà đầu tư. Ông về nghỉ 1 năm, còn PGL không thể thích ứng được và bắt đầu dừng việc tổ chức các giải đấu chỉ sau 6 tháng kể từ ngày ông từ chức.
Với Man-Jiang Wang, nếu PGL có thêm 1 năm nữa, mọi thứ sẽ hoàn toàn đổi khác. Ông có thể tiếp cận được nguồn vốn, có thế tránh việc sát nhập đã hủy hoại công ty. "Đó chính là sức mạnh của đồng tiền, một dự án khởi đầu bằng tiền và cũng bị hủy hoại bởi tiền."
Hiện giờ, Man-Jiang Wang đang kinh doanh ghế an toàn cho trẻ em. Thời của TTĐT đã qua đi nhưng "Tôi vẫn cảm thấy khá thất vọng, chắc là vì thương hiệu mình dày công tạo nên biến mất trong một nốt nhạc. Tất cả đã hết." Từ đó trở đi, ông đã học cách không bao giờ buông tay, không bao giờ mất kiểm soát vì vấn đề tài chính.
Trong cuộc phỏng vấn với Portrait Magazine, KinG nói "tôi không biết phải làm gì nữa" khoảng 7 lần. Với cương vị chủ tịch ACE, anh có trách nhiệm và sẵn sàng bảo vệ ngành công nghiệp này, nhưng rồi anh bắt đầu thấy chán nản. KinG thừa nhận rằng anh không phải là David Stern mà mọi người đang mong chờ. Anh không có trái tim đủ cứng rắn để làm việc đó.
"Những game thủ muốn rời đội chắc hẳn rất ghét tôi. Tôi thực sự không muốn gánh trách nhiệm quá lớn. Giá cả càng ngày càng cao, và nếu tôi là một game thủ, chắc tôi sẽ bắt đầu giết người mất thôi. Người ta sẽ nói đằng sau lưng tôi, đổ lỗi cho tổ chức ACE ngu ngốc. Nếu nó không tồn tại thì tôi sẽ kiếm nhiều tiền hơn phải không?" - King nói đầy bi quan.
Pei "King" Le - Quản lý World Elite. (Ảnh: OnGamers)
Đây không phải là lần đầu tiên anh gặp rắc rối về tiền nong. Quay về thời hoàng kim của Warcraft, WE huấn luyện một nhóm game thủ Hàn Quốc, có nhiều người đã thắng các danh hiệu thế giới. Tuy nhiên năm 2007, khi làng game đang lên tới đỉnh cao, có nhiều người trong nhóm game thủ đó bị tiếp cận, và thậm chí có người nhận lương lên tới hàng triệu nhân dân tệ. Nửa năm sau, bong bóng xuất hiện.
KinG không chắc về giai đoạn này: "Có lẽ nào bong bóng không xuất hiện ở TTĐT Trung Quốc? Nó đã ở đó khoảng 4-5 năm và vẫn ngày một phồng lên. Năm ngoái chúng tôi vẫn bàn về những bản hợp đồng trị giá 50.000 hoặc 100.000 nhân dân tệ, giờ thì tôi ngồi đây, còn con số đã lên tới hàng triệu. Khi có một game thủ giỏi, tôi thường tốn 1 hoặc 2 triệu nhân dân tệ (~3,45-6,9 tỷ đồng) để ký hợp đồng với họ, và tôi cần phải làm quen với việc này dần dần. Nó cũng có nghĩa là tôi đã sai."
KinG thuộc thế hệ game thủ chuyên nghiệp đầu tiên, người đã chứng kiến sự khai sinh và lớn lên TTĐT Trung Quốc: "Khi tôi bắt đầu sự nghiệp, không có cái gọi là eSports." Năm 2000, anh chuyển từ Tây An tới Hàng Châu, đứng trên tàu 28 tiếng, chơi ở một giải đấu có giá trị 2.000 nhân dân tệ, bằng một chiếc card màn hình. Anh ta thất bại, thậm chí cần thêm tiền của gia đình để trở về nhà. Sau đó, anh sáng lập ra World Elite và đào tạo nhiều game thủ, điển hình như CaoMei.
KinG cười, kể về cách mà họ đã chiến đấu trong thời kỳ khó khăn cho tới lúc chúng ta có thể thấy trái tim của con người thay đổi theo thời gian. Mùa hè năm 2003, suhO - game thủ Warcraft của World Elite muốn tham dự một giải đấu, nhưng lại không có đủ 30 nhân dân tệ (~100.000 đồng) để đăng ký. KinG đã phải đội mưa chạy đi nộp tiền lệ phí. Thế rồi suhO giành chức vô địch.
Họ cầm trên tay tấm banner "Nhà vô địch WCG khu vực Trung Quốc - Giải thưởng 30.000 nhân dân tệ", đi bộ từ Trung tâm thể dục thể thao Olympic đến ga Tây ở Bắc Kinh, bắt tàu trở về Tây An. Trên đường mọi người nhìn họ hỏi "Đó là cái gì vậy?", và họ tự hào trả lời "Đây là Thể thao điện tử!" Người ta bị choáng ngợp bởi chưa bao giờ họ nghĩ đến việc chơi game có thể kiếm ra tiền cả.
Bình luận (0)