Sản xuất giày da xuất khẩu tại Công ty giày Liên Phát - Ảnh: T.V.N |
Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu giày dép của VN vào thị trường EU hơn 2,5 tỉ USD, trong đó mặt hàng giày mũ da chiếm khoảng 30%. Nhiều chuyên gia kỳ vọng sau quyết định trên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào EU sẽ tiếp tục tăng.
Trở lại “đường đua”
“Đã có khách đặt hàng hỏi chúng tôi về ý định khôi phục chuyền sản xuất giày mũ da hay không, nếu chúng tôi đồng ý họ sẽ cân nhắc chuyển đơn hàng từ Thái Lan về VN” - ông Nguyễn Danh Thắng, giám đốc DNTN giày Hoàng Hà (Bình Dương), phân vân khi được hỏi về khả năng tái đầu tư phân xưởng sản xuất giày mũ da, vốn được doanh nghiệp “trưng dụng” sản xuất giày thể thao từ hai năm qua.
Hiện ông Thắng chưa quyết định bởi đơn hàng giày thể thao vẫn được đặt khá đều đặn. Còn nếu nhận lại đơn hàng giày mũ da, ngoài việc tuyển thêm nhân công, ông còn phải mở rộng nhà xưởng kèm theo máy móc sản xuất với chi phí không nhỏ.
Vẫn “ngừa” khả năng tái áp thuế Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Lefaso, các doanh nghiệp cần “cảnh giác” với khả năng tái áp thuế do EU sử dụng cơ chế giám sát trong vòng một năm tính từ ngày bỏ thuế. Giám sát về sự tăng trưởng và mặt bằng giá giày mũ da của VN vào EU có tăng hay không, giá bán có thấp hay không? Đặc biệt, EU không đưa ra một tỉ lệ cụ thể nào để các doanh nghiệp chủ động phòng ngừa. Vì vậy, để kiểm soát được lượng hàng xuất cũng như mặt bằng giá bình quân các doanh nghiệp có thể nhận hợp đồng, ông Kiệt đề xuất Bộ Công thương cần có cơ chế giám sát, trong đó cần thắt chặt việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (C/O) nhằm ngăn ngừa các trường hợp chuyển tải bất hợp pháp từ các quốc gia khác. |
“Dù có một số nước còn được hưởng ưu đãi thuế quan (GSP) của EU nhưng trước khi bị áp thuế, VN vẫn cạnh tranh rất tốt và có phần lấn lướt hơn nên khả năng cạnh tranh với các quốc gia này không có gì đáng ngại” - ông này nhận xét.
Chính vì vậy, động lực để tái đầu tư vẫn được các chuyên gia trong ngành đánh giá rất cao, đặc biệt ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cũng theo vị này, nếu xét về yếu tố ổn định chính trị, giá nhân công và trình độ tay nghề kỹ thuật, các doanh nghiệp VN vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhà đặt hàng.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp trong nước, khả năng tái đầu tư chưa có dấu hiệu rõ ràng bởi trong bốn năm qua, không ít doanh nghiệp đã cắt giảm năng lực sản xuất giày mũ da để chuyển sang các chủng loại hàng hóa khác. Các doanh nghiệp phải xem xét lại hiệu quả kinh doanh của chủng loại giày sản xuất hiện tại với loại giày từng sản xuất trước kia nếu muốn tính đến chuyện tái đầu tư.
Sức cạnh tranh có giảm?
Thời điểm VN bị áp thuế chống phá giá 10% vào năm 2006 thì Trung Quốc - quốc gia có tỉ trọng xuất khẩu giày lớn nhất vào thị trường EU - cũng bị áp ở mức 16,5%. Do vậy, việc EU cùng dỡ bỏ thuế cho VN lẫn Trung Quốc đã đẩy các doanh nghiệp sản xuất trong nước “vô tình” trở thành đối thủ cạnh tranh trực diện với Trung Quốc.
Theo tính toán của bà Trương Thúy Liên - giám đốc Công ty TNHH giày Liên Phát, doanh nghiệp từng phải cắt hơn 30% năng lực sản xuất giày mũ da trong bốn năm qua, lúc VN bị áp thuế 10% và Trung Quốc 16,5%, “lợi thế” của các doanh nghiệp trong nước là mức chênh lệch 6,5%, chi phí nhân công rẻ và tay nghề kỹ thuật cao. Nay thuế bỏ, các lợi thế không thể “bù nổi” cho giá thành sản xuất của VN hiện cao hơn Trung Quốc khoảng 20% do phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, trong khi Trung Quốc có sẵn với giá rất hấp dẫn.
Chính vì vậy, đây là bài toán rất khó cho các doanh nghiệp trong nước khi hàng loạt yếu tố đầu vào khác như chi phí sản xuất tăng cao, giá nguyên phụ liệu đắt đỏ, lãi suất ngân hàng ở mức “đỉnh” đẩy sức cạnh tranh của doanh nghiệp trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. “Bỏ thuế chỉ có lợi cho những doanh nghiệp nào vẫn còn đồng hành với nhà đặt hàng chủng loại giày mũ da. Còn doanh nghiệp nào đã bỏ hẳn thị trường EU thì rất khó tìm thấy cơ hội trở lại với mình” - bà Liên nói thẳng.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)