Hai chuyện chưa từng thấy trong lịch sử EU đang diễn ra cho thấy nội bộ khối này không gắn kết thực sự như EU thường phô diễn.
Cờ Hy Lạp và cờ EU bên ngoài Đại sứ quán Hy Lạp ở Vienna (Áo). Hy Lạp vừa triệu hồi đại sứ ở Áo về nước - Ảnh: Reuters |
EU chưa tiêu hóa xong việc Áo và 3 thành viên khác tụ họp riêng với các nước vùng bán đảo Balkan để giải quyết vấn đề tị nạn theo cách riêng - và đương nhiên có lợi nhất cho họ - thì lại gặp thêm chuyện lục đục nội bộ mới khi Hy Lạp triệu hồi đại sứ ở Áo về nước.
Cả hai chuyện này đều chưa từng thấy trong lịch sử EU và đều cho thấy nội bộ khối này không gắn kết thực sự như EU thường phô diễn. EU hiện thiếu vắng thành viên có đủ uy tín và uy lực để được công nhận vai trò lãnh đạo liên minh.Nước Đức với Thủ tướng Angela Merkel lúc đầu xung phong đảm trách vai trò này. Trong việc xử lý cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công cũng như giải cứu đồng euro thì có thể đúng như thế thật. Nhưng trong vấn đề tị nạn thì chính nước Đức và bà Merkel bị quả đắng trước tiên.
Chính phủ Áo đã ở bên cạnh bà Merkel khi cả hai nước này mở cửa biên giới đón người tị nạn. Nhưng chính phủ Áo lại đóng vai trò quyết định nhất trong việc tập hợp cả trong lẫn ngoài EU để làm ngược lại, làm cho định hướng chính sách đó bị phá sản trong EU và bà Merkel bị sa sút uy tín ở trong nước. Nội bộ EU vốn đã năm bè bảy phái giờ bị phân rẽ sâu sắc hơn.
Việc Hy Lạp triệu hồi đại sứ ở nước thành viên EU khác về nước khẳng định thực tế là các thành viên EU không còn tin vào giải pháp chung cho cả EU và do EU gây dựng, họ hành động bất chấp lợi hay hại đối với EU mà chỉ vì lợi ích riêng. Hy Lạp phản ứng vì phải gánh chịu hoàn toàn hậu quả của thỏa thuận giữa Áo và các nước kia, nhưng đồng thời cũng dùng chính sự rệu rã trong nội bộ EU để gia tăng áp lực với EU.
Bình luận (0)