“Đầu tiên, mỗi đội bóng sẽ phải có khả năng thích ứng được nhiều lối chơi. Điều này thể hiện qua khả năng phòng ngự số đông, trên nền tảng đó phải biết tổ chức chơi phản công mà tình huống đội tuyển Anh ghi bàn trước Ý trong trận chung kết EURO 2020 là điển hình. Trong đội hình mỗi HLV phải có những bộ khung chủ chốt như thủ môn hay, cặp trung vệ chắc chắn và tiền vệ có khả năng điều tiết phân phối như Jorginho (Ý) hay Busquets (Tây Ban Nha)...
Điều này giống tuyển Việt Nam khi vắng Tuấn Anh - Hùng Dũng là khó đá ngay, vì thế buộc thầy Park phải tìm thêm những con người đủ mạnh và phù hợp thì mới duy trì sự ổn định. Ngoài ra, bên cạnh xu hướng chơi 3 trung vệ đa dạng thì các đội bóng đi sâu tại EURO 2020 cũng đều chơi với 3 tiền đạo phải linh hoạt như nhau để phục vụ cho ý đồ pressing tầm cao hiệu quả.
Ở 2 trận chung kết Copa America và EURO 2020, các đội chủ nhà đều thua cho thấy vấn đề tâm lý và bản lĩnh thi đấu phải thường xuyên trui rèn, tránh áp lực không đáng có. HLV Roberto Mancini cho tuyển Ý biến hóa liên tục giữa các cách chơi từ pressing tầm cao, kiểm soát bóng đến phòng ngự từ xa. Tuyển Anh phần lớn phòng ngự số đông nhưng cuối trận cũng dâng cao gây sức ép từ xa để cân bằng thế trận. Sự linh hoạt và đa dạng lối chơi là rất cần thiết ở những giải đấu lớn. Đó đều là gợi ý cho cách chơi mà tuyển Việt Nam có thể sẽ vận dụng tại vòng loại World Cup sắp tới".
Khá bất ngờ khi EURO 2020 có 142 bàn thắng/51 trận (trung bình 2,79 bàn/trận) nhưng chỉ có duy nhất Mikkel Damsgaard sút phạt trực tiếp thành bàn. Ngược lại tuyển Ý có nhiều cầu thủ "bé hạt tiêu" lại tận dụng được quả phạt góc để Verratti - chỉ cao 1 m 65 - kiến tạo giúp Bonucci gỡ hòa trong trận chung kết.
HLV Phan Thanh Hùng cho rằng: "Tận dụng tình huống cố định phụ thuộc nhiều yếu tố như cự ly, những điều chỉnh của luật, chất lượng cầu thủ và thủ môn, chiến thuật xếp hàng rào... có thể gây ảnh hưởng. Nhưng có thể thấy các đội bóng hiện nay đã biết cách phòng ngự từ xa tốt để tránh phạm lỗi gần khung thành. EURO 2020 cũng rất đáng để tuyển Việt Nam tham khảo, với rất nhiều cách chơi 4 hậu vệ (4-3-3, 4-2-3-1) lẫn 3 trung vệ (3-5-2, 3-4-3). Điểm chung là sự thắng thế của triết lý chơi kiểm soát bóng kỹ thuật, tận dụng không gian thông minh, linh hoạt dù chơi với sơ đồ nào. Như ở trận chung kết, tuyển Anh bất ngờ đá 3-4-3 khiến người Ý ngạc nhiên và có bàn mở tỷ số. Sau khi Ý gỡ hòa 1-1, họ chuyển sang 4-2-3-1 và lại có cơ hội, đẩy lên tấn công để quân bình thế trận.
Anh và Ý cũng cho thấy tầm quan trọng của độ dày lực lượng, thay người không phải là rút cầu thủ đá dở hoặc hết sức mà đã trở thành những điều chỉnh phù hợp về chiến thuật theo từng thời điểm. Tôi cho rằng các HLV Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều khi chuẩn bị nền tảng thể lực cho thật tốt, cường độ di chuyển trận đấu ngày càng cao. Dù ngôi sao trong bóng đá vẫn luôn tồn tại, nhưng EURO 2020 đã chứng minh không còn chỗ cho "đội bóng 1 người" mà mỗi ngôi sao đều đóng góp trong lối chơi chung, là chìa khóa và dựa theo chiến thuật của đội bóng đó. Đó cũng là điều mà bóng đá Việt Nam khi xây dựng lối đá không nên chỉ xoay quanh 1 - 2 con người, phục vụ cho họ mà ngược lại phải biến họ thành bệ phóng để bật lên".
Không bao giờ bỏ cuộc
HLV Lưu Ngọc Hùng nói: “Bài học lớn từ EURO cho bóng đá VN chính là phải rèn cho mình sức chịu đựng, nhẫn nại để hun đúc tinh thần và nghị lực để sẵn sàng biến mình thành những chiến binh. Quan trọng là khi tiếng còi chưa dứt, giải đấu chưa kết thúc thì đừng bao giờ buông bỏ. Hungary, Áo, CH Czech, Ukraine và đặc biệt Đan Mạch đã thể hiện hùng hồn thái độ đó làm nên một kỳ EURO rất đáng xem và đọng lại ấn tượng đong đầy. Những đội này luôn vào sân trong tư thế biết mình biết ta, luôn biết đối thủ mạnh gì để tìm cách khắc chế và còn nhược điểm gì tập trung khai thác. Khi nhìn ra được điều đó rồi nghĩa là sẽ truyền cho mình cảm hứng và sự tự tin để sẵn sàng chơi sòng phẳng với đối phương. “Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng” là chỗ đó như cách Hungary hòa Pháp, Đức hay Áo làm khó Ý, CH Czech tiễn Hà Lan về nước hay Đan Mạch suýt gây sốc trước Bỉ và Anh... Thậm chí khi bị dẫn trước họ cũng chẳng bao giờ có tư tưởng sớm đầu hàng hay buông bỏ mà vẫn chơi với tinh thần tận hiến như cách Ukraine gỡ 2 bàn trước Hà Lan và thắng Thụy Điển ở phút bù giờ hiệp phụ thứ 2, như Áo dù thua trước Ý 2 bàn vẫn vùng lên gỡ 1-2 và đẩy trận đấu vào cao trào, hoặc cách Thụy Sĩ, Croatia bị dẫn 1-3 vẫn vùng lên ngoạn mục gỡ 3-3 trước Pháp, Tây Ban Nha... Đó cũng là bài học lớn cho các đội bóng nhỏ nhưng sẽ không bao giờ nhỏ nếu biết chiến đấu kiên cường và không bao giờ bỏ cuộc”.
|
Bình luận (0)