EVN đề nghị thay 20 triệu bóng đèn tròn

16/09/2005 00:05 GMT+7

Sự gia tăng đột biến về nhu cầu sử dụng điện từ năm 2004 đến nay cùng với sự hạn hẹp về nguồn cung ứng điện đang khiến cả nước đứng trước nguy cơ thiếu điện trầm trọng. Một trong những giải pháp cho tình trạng này mà Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét là "thay toàn bộ 20 triệu bóng đèn sợi đốt hiện có bằng đèn compact".

 

Hết năm 2007 sẽ không còn bóng đèn tròn?

 

Theo ông Đào Văn Hưng, Tổng giám đốc EVN, nếu thay thế khoảng 20 triệu bóng đèn hiện có của cả nước (công suất trung bình 60W/bóng), còn gọi là bóng đèn sợi đốt (người dân quen gọi là bóng đèn tròn) bằng đèn compact 11W có độ sáng tương đương thì sẽ giảm được lượng công suất cao điểm là 686 MW và cắt giảm sản lượng 1,1 tỉ KWh/năm. Cũng theo ông Hưng, theo kế hoạch từ nay đến tháng 7.2006 sẽ thay 10 triệu bóng đèn, từ tháng 8.2006 đến hết năm 2007 thay 10 triệu bóng đèn nữa. Theo đó, đến hết 31.12.2007 sẽ không còn bóng đèn sợi đốt tại Việt Nam.

 

EVN dự kiến tổ chức đấu thầu quốc tế để mua 300.000 đèn compact loại 20W, trị giá 1,3 USD/đèn, nếu tính cả thuế suất thuế nhập khẩu (hiện nay là 40%) thì giá mua đèn nhập khẩu là 1,82 USD/chiếc. Trong khi đó, giá mua đèn trong nước khoảng 1,7 USD/chiếc (đã có thuế GTGT). Để thực hiện chương trình "20 triệu đèn compact" cần có kinh phí khoảng 36,4 triệu USD (tương đương 575 tỉ đồng). Do đó, EVN đề nghị Chính phủ cho miễn thuế nhập khẩu sản phẩm này, nếu được chấp nhận thì chi phí sẽ còn khoảng 26 triệu USD tương đương 410,8 tỉ đồng.

 

Tổng giám đốc EVN nói rằng: "Đây là cái giá rất rẻ so với chi phí xây dựng nguồn điện mới. Nếu như kết hợp với các biện pháp tiết kiệm điện khác... thì chắc chắn sẽ tốt hơn việc xây 2-3 nhà máy có công suất tầm cỡ như Thủy điện Hòa Bình". Theo ông Đào Văn Hưng, ngoài ưu điểm tiết kiệm điện, loại đèn này còn có độ bền gấp 5 lần đèn sợi đốt thông thường và không tỏa nhiệt nhiều như đèn bóng tròn, qua đó cũng làm các thiết bị khác như máy điều hòa nhiệt độ tiêu thụ điện ít hơn.

 

Hiện nay, trong nước có các công ty sản xuất bóng đèn compact với sản lượng tương đối lớn như Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (sản xuất 1,5 triệu chiếc/năm), Công ty Philips Việt Nam (6,5 triệu đèn/năm), Công ty Điện Quang. Những doanh nghiệp này cũng sẽ tham gia đấu thầu để cung cấp đèn cho chương trình thay bóng điện này. Tuy nhiên, EVN cũng đề nghị Nhà nước cấp vốn hỗ trợ trực tiếp cho các nhà máy sản xuất bóng điện để mở rộng quy mô, tăng sức cạnh tranh và giảm giá thành cung cấp cho các hộ tiêu thụ.

 

Liệu có khả thi ?

 

Nhận xét về phương án của EVN, một quan chức Bộ Công nghiệp cho rằng còn phải xem xét kỹ điều kiện tài chính có cho phép thực hiện hay không, nhất là yếu tố rủi ro và hiệu quả. Giá đèn sợi đốt chỉ khoảng 3.000 đồng/cái, trong khi giá đèn compact gấp 10 lần. Cũng theo quan chức này, một số nước ASEAN đã thử thay đèn sợi đốt bằng đèn compact trong nhiều năm qua, nhưng hiệu quả không cao. Ví dụ như ở Thái Lan, chính phủ tài trợ mấy chục phần trăm giá thành, đưa cả đèn về các cây xăng bán nhưng người dân cũng không mặn mà.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc EVN cho biết: "Hiện nay, chúng tôi có trình Chính phủ về các phương án khắc phục tình trạng thiếu điện, trong đó có việc thay đèn compact, nhưng đề án cụ thể cho việc thay thế bóng đèn thì chưa". Ông Hùng cũng cho rằng mức giá mua đèn compact là khá đắt và việc để người dân mua, thay thế hoàn toàn bằng tiền của họ là rất khó. EVN mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành có chỉ đạo về việc này, có chính sách trợ giá, hỗ trợ cho người dân mua được đèn compact với giá thấp.

 

Đèn compact đắt gấp 10 lần đèn tròn

 

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Tổng giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang: Từ năm 2002 đã sản xuất đèn compact. "Công ty Điện Quang đã dự trù trước việc này từ cách đây 5 năm. Từ năm 2000 chúng tôi đã bắt đầu đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất cho những sản phẩm chiếu sáng tiết kiệm điện. Năm 2002, Điện Quang bắt đầu sản xuất bóng đèn compact. Song song đó, chúng tôi cũng giảm dần sản lượng sản xuất bóng đèn tròn, trong 5 năm qua đã giảm 40% sản lượng bóng đèn tròn. Về công suất và hiệu quả, bóng đèn compact có công suất từ 11 - 45W, có tuổi thọ khoảng 10.000 giờ chiếu sáng, gấp 5 lần bóng đèn tròn bình thường. Sử dụng bóng đèn compact sẽ tiết kiệm được khoảng 80% lượng điện tiêu thụ so với bóng tròn.

 

Theo tôi, thay bóng đèn tròn bằng đèn compact là quyết định hoàn toàn đúng đắn, nhưng có thể nói là hơi muộn. Để người dân chuyển từ bóng tròn sang bóng compact thì cần cả một sự phối hợp đồng bộ từ sản xuất, tuyên truyền, mạng lưới điện... và phải thực hiện trong thời gian dài chứ không là chuyện một sớm, một chiều. Tuy nhiên việc sử dụng bóng đèn compact cũng chỉ trong một giới hạn cho phép, nếu ở những nơi có lưới điện không ổn định thì sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của bóng đèn".

 

Thạc sĩ Đinh Mạnh Tiến, giảng viên khoa Cơ điện Trường Đại học Cần Thơ: Một bóng đèn compact tương đương một giạ lúa, làm sao nông dân gánh nổi! "Theo tôi, chủ trương thay đổi bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact là đúng vì chắc chắn tiết kiệm điện cho quốc gia. Hiện nay, dân thành thị chuộng bóng đèn sợi đốt là do sở thích, vì màu đèn tạo sự ấm cúng và có thể điều chỉnh độ sáng tùy thích. Còn đại bộ phận người dân nông thôn dùng đèn sợi đốt vì giá thành rẻ, chỉ khoảng 8.000đ/bộ gồm bóng đèn và chuôi. Mặt khác, bóng đèn này luôn sáng dù điện... yếu, mà chuyện này diễn ra thường xuyên ở nông thôn. Dù biết dùng bóng đèn sợi đốt hao điện, nhưng người dân nông thôn vẫn phải dùng.

 

Nếu ngành điện có chiến lược thay trên 20 triệu bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact để tiết kiệm điện, cần thiết phải có chính sách hỗ trợ cho người dân vì một bóng đèn compact hiệu Philips tương đương một giạ lúa, đối với nông dân là "nặng" lắm (30.000 - 40.000đ/đèn). Bên cạnh đó, phải đảm bảo lưới điện về nông thôn không bị tuột áp như hiện nay. Nếu điện cứ "xìu" vào giờ cao điểm ở nông thôn thì việc dùng bóng đèn compact cần phải được cân nhắc lại vì không khéo đèn mau hư, người dân sẽ quay trở lại sử dụng đèn sợi đốt mà thôi".

 

Trung Bảo - Trương Công Khả (ghi)

 

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.