EVN hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa điện ra đảo

20/12/2020 16:09 GMT+7

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa X về chiến lược biển VN đến năm 2020, Ban Chấp hành T.Ư xác định quy mô kinh tế biển và vùng ven biển phát triển mạnh, đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%.

Kết quả đó có đóng góp không nhỏ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc cấp điện đầy đủ, liên tục, ổn định cho các huyện đảo, xã đảo và các đảo có dân cư sinh sống.

Đầu tư hơn 7.300 tỉ đồng cho thắp sáng biển đảo

Để triển khai các dự án “thắp sáng” biển đảo, EVN đã phải chủ động huy động nguồn vốn rất lớn. Chỉ riêng giai đoạn 2013 - 2018, EVN đã thực hiện đầu tư hơn 7.300 tỉ đồng để cấp điện lưới quốc gia cho các huyện đảo. Thực tế, các dự án cấp điện ra đảo với suất đầu tư cao, không mang đến hiệu quả tài chính đã khiến EVN gặp không ít khó khăn trong việc thuyết phục các nhà tài trợ vốn.
Ngoài một phần tài chính từ nguồn ngân sách, EVN đã chủ động làm việc với các tổ chức, ngân hàng quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW),... để thu xếp các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đồng thời, triển khai các hình thức xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực xã hội để huy động vốn cho các dự án điện hải đảo.
Cùng với đó, quá trình triển khai thi công xuyên biển cũng không hề dễ dàngdo phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết trên biển, giông bão… Như dự án kết nối lưới điện quốc gia ra đảo Cô Tô (Quảng Ninh), việc rải đường dây 110 kV bằng khinh khí cầu dù đã được tính toán kỹ lưỡng và được coi là phương án khả thi nhất, thế nhưng khi triển khai, nhà thầu vẫn phải “đau đầu” bởi khí hậu biển biến đổi thất thường, gió mạnh, lại vướng nhiều tàu, bè, gây khó khăn rất lớn.
Còn việc đưa điện ra đảo Lại Sơn (Kiên Giang), có đến 40% thời gian thi công dự án, EVN phải chống chọi, thực hiện thi công trong điều kiện sức gió từ cấp 5 trở lên. Hay đối với Trường Sa, do vị trí địa lý cách xa đất liền và bao gồm nhiều đảo, điểm đảo trải dài trên vùng biển rộng lớn, nên việc cấp điện cho quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 khó khăn hơn bội phần.

Bù lỗ hơn 1.500 tỉ đồng

Hoàn tất quá trình thi công, EVN lại đối mặt với những “bài toán” vận hành hệ thống điện nơi “đầu sóng ngọn gió”.
Với các dự án đưa điện ra đảo với 6 huyện đảo được cung cấp bằng nguồn lưới điện quốc gia và 5 huyện đảo được cung cấp điện bằng nguồn điện tại chỗ (kết hợp máy phát điện diesel với điện mặt trời và điện gió), từ khi thực hiện tiếp nhận, quản lý bán điện trực tiếp tại các huyện đảo, xã đảo, tới năm 2018, EVN đã bù lỗ khoảng 1.500 tỉ đồng do các đảo sử dụng nguồn điện diesel tại chỗ, chi phí đắt đỏ. Đến nay, mức giá điện bán cho người dân theo quy định của Chính phủ tại các huyện, xã đảo chỉ bằng 8,9% đến tối đa 34% giá thành sản xuất của ngành điện. Trong đó, đặc biệt có nơi EVN chịu lỗ rất lớn, giá bán chỉ bằng 2,32% giá thành sản xuất. Cụ thể, tại huyện đảo Trường Sa, giá thành sản xuất điện lên tới 72.552 đồng/kWh, nhưng theo quy định của Nhà nước, EVN chỉ bán với giá trung bình 1.635 đồng/kWh. Tại các huyện đảo khác, với tình trạng tương tự, EVN cũng đang gánh toàn bộ phần lỗ, để người dân đảo được mua điện với mức giá như ở đất liền.
Nhờ đó, người dân được hưởng giá điện thống nhất trên toàn quốc thấp hơn nhiều so với trước đây (4.000 - 6.000 đồng/kWh).
Dù khó khăn vất vả để đưa điện ra đảo, nhưng EVN vẫn khẳng định việc cung ứng điện tại các huyện đảo trên cả nước luôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Tập đoàn sẽ tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo điện ổn định, liên tục, tin cậy trên các huyện đảo, không chỉ cho phát triển kinh tế biển đảo, nâng cao chất lượng đời sống người dân, mà trên hết là góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.